February 28, 2024 | 13:17 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Khẩn trương cho phép các doanh nghiệp FDI đủ điều kiện được niêm yết trên sàn chứng khoán

An Nhiên -

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết đã nhận được rất nhiều văn bản của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị sớm triển khai nội dung này vì Luật Chứng khoán năm 2019 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2021...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng nay 28/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá lại năm 2023 kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục phải đối mặt với những thách thức, khó khăn phức tạp hơn nhiều so với dự báo.

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng diễn biến phức tạp. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, thương mại đầu tư quốc tế suy giảm, lạm phát leo ở mức cao, nhiều đồng tiền mất giá, nợ công toàn cầu gia tăng. Thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam, đất nước chúng ta vẫn là nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô của nền kinh tế còn hạn chế, độ mở cao, sức chống chịu còn nhiều bất cập. Tất cả những điều này tạo nên áp lực rất lớn đến công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, tác động đến việc phục hồi, phát triển kinh tế của nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân.

"Trong năm 2023, với bối cảnh, nền tảng của thị trường ổn định vĩ mô như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Nhưng năm 2024, chúng tôi xác định rằng sẽ còn nhiều khó khăn thách thức hơn nữa so với năm 2023", bà Ngọc Nhấn mạnh. 

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024 lại là năm tăng tốc và có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025. Việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực là một trong những trọng tâm năm 2024. Trong đó, việc huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán được xác định là một trong những kênh quan trọng.

Về mục tiêu nhiệm vụ để phát triển thị trường chứng khoán trong năm 2024, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính, các cơ quan tập trung vào một số nhiệm vụ như sau:

Một là, phải khẩn trương hoàn thành nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Thời gian gần đây, khi tiếp xúc với các tập đoàn, quỹ đầu tư quốc tế, họ đều bày tỏ nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng thì dòng vốn vào Việt Nam tăng lên rất nhiều.

Hai là, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán cần khẩn trương ban hành kế hoạch hành động để triển khai chiến lược phát triển thị trường chứng khoán năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/12. Đặc biệt nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến đổi mới, cải cách thể chế và ban hành các quy phạm để làm cơ sở phát triển thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán ổn định, lành mạnh, dần đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chuẩn quốc tế. Kế hoạch này được xây dựng sớm, ban hành sớm sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, không bị chồng chéo.

Ba là, cần phải chuyên nghiệp hơn nữa hoạt động của thị trường chứng khoán. Hiện nay, chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân và một số quỹ, thiếu vắng các công ty đầu tư chuyên nghiệp. Luật Chứng khoán ban hành rồi nhưng cho đến nay các công ty đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hầu như chưa được thành lập. Đã đến lúc cần phải đánh giá, rà soát vì sao Luật Chứng khoán đã quy định như vậy nhưng các công ty, các nhà đầu tư không mặn mà trong việc thành lập nhà đầu tư chuyên nghiệp, công ty đầu tư chuyên nghiệp.

Bốn là, việc tăng hàng hóa có chất lượng để huy động thêm nguồn lực tạo sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, cần chú trọng đến tài chính xanh và phát triển bền vững. Nội dung này gần đây các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm. Ví dụ như phát triển thị trường trái phiếu xanh rồi đưa ra sàn giao dịch tín chỉ carbon triển khai tại các sàn chứng khoán Hà Nội.

Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và gắn việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Năm 2023, số lượng doanh nghiệp, tổng công ty được cổ phần hóa gắn với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán hầu như không có. Đây là nội dung cần tập trung trong năm 2024.

Năm là, khẩn trương cho phép các doanh nghiệp FDI có điều kiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán được niêm yết trên sàn chứng khoán. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo Chính phủ đã nhận được rất nhiều văn bản của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị sớm triển khai nội dung này vì Luật Chứng khoán năm 2019 đã có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Bên cạnh đó, cần phải xem xét để phân biệt điều kiện về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết để có thể có một số điều kiện mở hơn so với các doanh nghiệp không niêm yết. Theo đó, cần rà soát kiến nghị cho mở cửa sớm một số ngành, lĩnh vực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Sáu là, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, công tác kiểm tra, giám sát và đặc biệt là công tác cảnh báo sớm. Ở các thị trường chứng khoán nước ngoài, việc cảnh báo sớm đóng vai trò rất quan trọng. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tham mưu để trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư. Theo đó đã tiến hành giám sát ở cả ba tuyến: Các công ty chứng khoán, Sở giao dịch và Ủy ban chứng khoán.

"Tuy nhiên trong thời gian tới, năm 2024, việc đẩy mạnh công tác giám sát đóng vai trò rất quan trọng để đưa hoạt động này vào nề nếp, thường xuyên để chúng ta có thể cảnh báo sớm, xử lý sớm, tránh những việc kéo dài dẫn đến hệ lụy không tốt cho thị trường chứng khoán. Để làm được việc này, chúng tôi nhất mạnh vai trò quan trọng của cái hệ thống dữ liệu", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh. 

Thứ bảy, Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính cần tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại để đảm bảo kết nối, đảm bảo hoạt động trên môi trường điện tử và đặc biệt là kết nối với cái hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và các hệ thống khác, ví dụ như hệ thống dữ liệu doanh nghiệp theo Đề án 06.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate