Phát biểu tại Hội nghị “Triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP: Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp” ngày 29/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết năm 2023 là năm cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn hơn so với các năm trước. Tăng trưởng về số doanh nghiệp thành lập mới, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, vốn đăng ký và lao động đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ.
Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong những tháng đầu năm 2024. Riêng trong tháng 1/2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gấp gần 2 lần số doanh nghiệp gia nhập. Điều này, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, cho thấy những khó khăn, thách thức đang “bào mòn” sức chống chịu của các doanh nghiệp. Do vậy, hơn lúc nào hết, những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cần tăng tốc và thực thi thực chất hơn để củng cố niềm tin và tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp.
“Tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi nhận được kiến nghị của doanh nghiệp liên quan tới các quy định chính sách pháp luật, nếu 1-2 doanh nghiệp cùng kiến nghị về một vấn đề thì bộ sẽ nghiên cứu, song nếu trên 3 doanh nghiệp có kiến nghị thì chúng tôi coi đây là nhiệm vụ chính sách”, ông Đông chia sẻ về việc triển khai Nghị quyết 02.
NHỮNG KẾT QUẢ TÍCH CỰC ĐƯỢC GHI NHẬN
Nhìn lại hoạt động cải cách môi trường kinh doanh gần đây, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM – Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết một số chỉ số xếp hạng trên toàn cầu của Việt Nam đã được cải thiện.
Cụ thể, xếp hạng trình độ phát triển thị trường của Việt Nam năm 2024 đứng thứ 59 toàn cầu và 11/39 nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tốt hơn đáng kể so với vị trí 72 toàn cầu trong năm 2023. Xếp hạng về Đổi mới sáng tạo cũng tăng 2 bậc từ vị trí 48 toàn cầu lên vị trí 46 trong năm 2023. Dù chỉ số phát triền bền vững chưa có cải thiện về thứ hạng (xếp vị trí 55 ở cả năm 2022 và 2023) nhưng điểm số đã tăng nhẹ từ 72,8 điểm năm 2022 lên 73,32 điểm trong năm 2023. Chỉ số về hiệu quả logistics cũng có cải thiện về điểm số dù thứ hạng giảm.
Theo ghi nhận của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong những năm gần đây, hoạt động cải cách môi trường kinh doanh khá tích cực từ phía chính quyền. Từ năm 2021-2023 đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.483 quy định kinh doanh tại 201 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.191 quy định kinh doanh tại 221 văn bản quy phạm pháp luật.
“Nhờ đó, thủ tục hành chính thuận lợi hơn, điều kiện kinh doanh đơn giản hơn, nhiều vướng mắc được kịp thời sửa đổi”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định.
DOANH NGHIỆP VẪN TỔN THẤT VÌ QUY ĐỊNH
Tuy vậy, theo ông Tuấn, một số phương án cắt giảm, đơn giản hóa còn hình thức, một số tính toán về chi phí được cắt giảm còn chưa chính xác, nhiều vướng mắc doanh nghiệp phản ánh chưa được xem xét…
Dẫn chứng quy định doanh nghiệp vận tải hành khách phải cung cấp tối thiểu nội dung hợp đồng vận chuyển đến Sở Giao thông vận tải bằng email trước mỗi chuyến đi theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP, đại diện VCCI cho rằng thủ tục này vừa gây khó cho doanh nghiệp, vừa gây khó cho quản lý.
“Doanh nghiệp có hàng trăm chuyến đi mỗi ngày, việc yêu cầu cung cấp thông tin như trên tạo nên chi phí tuân thủ rất lớn. Hơn nữa, phía cơ quan quản lý cũng khó có thể quản lý khi mỗi ngày nhận được hàng trăm email như thế”, ông Tuấn nói.
Thậm chí, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thời gian gần đây, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại, nhiều lĩnh vực còn tạo thêm thủ tục không cần thiết khiến doanh nghiệp đối mặt với những rủi ro, có thể dẫn tới giảm niềm tin và động lực kinh doanh.
“Thời gian gần đây xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp lớn trong ngành thực phẩm đã chuyển nhượng, hợp tác với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài. Đối với các mặt hàng trọng yếu, ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia thì tình trạng dịch chuyển này rất đáng quan ngại, cho nên đối với ngành lương thực thực phẩm, nếu không có một chính sách pháp luật đồng bộ nhất quán từ Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước giảm bớt áp lực, yên tâm phát triển thì sợ rằng chúng ta sẽ mất mát rất lớn khi xu hướng chuyển nhượng, hợp tác này ngày càng gia tăng trong thời gian tới”, bà Chi nói rõ.
Theo đại diện Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM, một trong những quy định ảnh hưởng kéo dài và nặng nề nhất đến doanh nghiệp thực phẩm là vướng mắc tại Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Bất cập này đã kéo dài dai dẳng gần 7 năm, kể từ năm 2017 đến nay, gây tốn kém rất nhiều cho doanh nghiệp.
“Với những khó khăn dai dẳng từ thị trường, cộng thêm những chi phí phát sinh trong việc tuân thủ quy định, thủ tục hành chính, phần đông doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang ở trạng thái ít có cơ hội phục hồi”, bà Chi cho biết và mong rằng việc triển khai Nghị quyết 02 sẽ tháo gỡ một cách căn cơ, dứt điểm các rào cản, tồn tại về thể chế đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp trong năm 2024.
1. Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư;
2. Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh;
3. Cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia;
4. Nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu;
5. Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp;
6. Hoàn thiện chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh;
7. Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.