Cùng tham dự cuộc làm việc các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh An Giang.
Cuộc làm việc nhằm đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022 và những tháng đầu năm 2023; đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh nhằm tạo điều kiện cho An Giang phát triển nhanh, bền vững.
Trước đó, trong chương trình công tác tại An Giang, Thủ tướng và đoàn công tác đã dự lễ khởi công xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; thăm Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT An Giang; thăm gia đình thương binh tại thành phố Châu Đốc.
Nửa đầu năm 2023, tình hình kinh tế xã hội tỉnh tiếp tục khởi sắc. GRDP quý 1 tăng 5,31%, cao hơn bình quân chung cả nước (3,32%); 6 tháng ước tăng 6,5%.
HỘI TỤ ĐỦ CÁC ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN NHANH, XANH VÀ BỀN VỮNG
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc, ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực, kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân An Giang đạt được trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành tựu, kết quả chung của cả nước.
Nông nghiệp vẫn còn sản xuất nhỏ và phân tán, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu... Công nghiệp hỗ trợ của tỉnh chưa phát triển mạnh do năng lực tổ chức, quản lý và công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp sản xuất chính.
Việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, du lịch, ứng phó biến đổi khí hậu còn chưa đáp ứng yêu cầu. Cũng như nhiều tỉnh ĐBSCL, tỉnh chịu tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu, tình hình sạt lở bờ sông tiếp tục gia tăng, đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh.
Thủ tướng và các đại biểu cũng dành nhiều thời gian phân tích về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của An Giang.
Theo đó, An Giang là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có diện tích tự nhiên trên 3,5 nghìn km2 (thứ 4/13 vùng đồng bằng sông Cửu Long); dân số gần 2,2 triệu người (đứng đầu trong vùng) với 4 dân tộc chủ yếu là Kinh, Hoa, Khmer và Chăm.
Hệ thống giao thông khá thuận lợi (cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không; hệ thống sông ngòi, kênh rạch đan xen; gần cảng và sân bay Cần Thơ... Đặc biệt, tuyến đường bộ cao tốc An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng vừa khởi công, tạo thêm động lực phát triển cho tỉnh.
Khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi phát triển nông nghiệp: Khí hậu tương đối ôn hòa, ít chịu tác động của thiên tai, bão lũ; nguồn nước mặt và nước ngầm phong phú, có 2 sông lớn là sông Tiền và sông Hậu; đất đai màu mỡ, 44,5% diện tích tỉnh là đất phù sa.
Tỉnh có đường biên giới dài 104 km với Campuchia. Có 2 cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Vĩnh Xương, thuận lợi phát triển kinh tế biên mậu.
An Giang có nhiều di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, địa danh nổi tiếng di tích Óc Eo-Ba Thê, khu du lịch núi Cấm, khu du lịch núi Sam, rừng tràm Trà Sư..., thuận lợi phát triển du lịch. Tài nguyên khoáng sản phong phú, bao gồm đá granit, đá cát kết, cao lanh, than bùn, vỏ sò và nhiều loại khác.
Các đại biểu cho rằng, với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, tỉnh An Giang hội tụ đủ các điều kiện riêng có để phát triển nhanh, xanh, bền vững, trở thành tỉnh phát triển của vùng ĐBSCL và cả nước.
CẦN TẬN DỤNG TỐI ĐA TIỀM NĂNG KHÁC BIỆT
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ cần tiếp tục xác định sẽ có nhiều khó khăn, thách thức hơn là cơ hội và thuận lợi; đánh giá cao với định hướng và quyết tâm của tỉnh; cơ bản đồng ý với mục tiêu và các chỉ tiêu đề ra, đồng thời đề nghị quán triệt một số quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành với tinh thần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, đột phá hơn trong tư duy và tổ chức thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu quán triệt nghiêm túc, triển khai đồng bộ, hiệu quả và vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 13-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL, Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh với cách làm, tư duy mới, đột phá để phát triển bứt phá, bởi "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân".
Tận dụng tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
"Tỉnh cần phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa sông, cửa khẩu của mình, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ", Thủ tướng nêu rõ.
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo và ý kiến các đại biểu, đồng thời lưu ý một số trọng tâm.
Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, An Giang cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
Thủ tướng lưu ý việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân với các giải pháp như giảm lãi suất cho vay, miễn giảm thuế, phí, lệ phí, giải ngân đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để đẩy mạnh đầu tư tư nhân và thu hút FDI, nâng cao chất lượng hàng hóa, nông sản xuất khẩu…
Chủ động xây dựng các nghị quyết, đề án, quy hoạch phát triển để triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng - coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Khẩn trương trình ban hành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, Chiến lược trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỉ trọng các ngành chế biến. Xây dựng các cụm công nghiệp; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường và tham gia trong chuỗi giá trị.
Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó tập trung phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng cường bền vững trong dài hạn.
Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt quan tâm tới tình trạng sạt lở đất…
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường; phát triển các sản phẩm đặc thù, riêng có, nhất là du lịch văn hóa, du lịch tâm linh và phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp. Tăng cường truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch.
Tập trung đầu tư phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục - đào tạo con em người dân tộc thiểu số. Triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội, an sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, ý chí, khát vọng vươn lên để giảm nghèo nhanh, bền vững. Tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ phát triển mạnh kinh tế biên giới, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh quốc phòng và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh về phát triển kinh tế, góp phần đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Campuchia.
Nâng cao các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cơ sở, trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
TIẾP TỤC ĐẦU TƯ CAO TỐC TÙ CHÂU ĐỐC TỚI CỬA KHẨU TỊNH BIÊN
Thủ tướng nêu rõ, cần tập trung tối đa nguồn lực cho Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và các dự án trọng điểm của tỉnh, khai thác lợi thế giao thông đường thủy.
Cùng với đó, xây dựng các nút giao kết nối các trung tâm kinh tế với đường cao tốc và khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, các khu đô thị, dân cư… với đường cao tốc, khai thác hiệu quả sử dụng đất hai bên đường cao tốc để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Thủ tướng lưu ý tỉnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong khai thác và cung ứng nguồn vật liệu phục vụ các dự án cao tốc để kết nối đồng bộ, thông suốt tuyến cao tốc từ cửa khẩu Tịnh Biên tới cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng).
Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời, Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến chỉ đạo, chủ trương xử lý các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, trong đó có kiến nghị liên quan tới tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Theo đó, An Giang có 4 kiến nghị đề xuất hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương để đầu tư 4 dự án đường và cầu.
Theo đó, về đầu tư dự án tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cửa khẩu Tịnh Biên và từ điểm đầu đường cao tốc đến điểm đầu Quốc lộ 91C đi cửa khẩu Khánh Bình, Thủ tướng nhấn mạnh cần huy động cả nguồn vốn Trung ương và địa phương, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, chủ trương là giao tỉnh An Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu triển khai theo hình thức hợp tác công tư) và là chủ đầu tư (nếu đầu tư công).
Về 3 đề xuất còn lại (đầu tư tuyến đường tránh Quốc lộ 91 qua đô thị Cái Dầu - Vĩnh Thạnh Trung, xây dựng cầu Tôn Đức Thắng nối thành phố Long Xuyên với cồn Mỹ Hòa Hưng, quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, dự án xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự trên Quốc lộ N1), Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn, các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị hỗ trợ vốn Trung ương và huy động các nguồn vốn khác, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, tinh thần là giao tỉnh làm chủ đầu tư.