October 24, 2020 | 23:01 GMT+7

Thủ tướng: Biến đổi khí hậu không nghiêm trọng bằng dao động ý chí

Tuệ Linh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đợt lũ lần này ở Miền Trung là lũ lịch sử, tuy nhiên chúng ta đã chủ động chỉ đạo kiên quyết, kịp thời nên giảm thiểu thiệt hại

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính đề xuất, nghiên cứu sửa Nghị định 63 và Nghị định 136 về một số điểm bất hợp lý để tạo thuận lợi cho các nhà tài trợ, bảo đảm quản lý các nguồn tài trợ công khai, minh bạch, nhân văn.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính đề xuất, nghiên cứu sửa Nghị định 63 và Nghị định 136 về một số điểm bất hợp lý để tạo thuận lợi cho các nhà tài trợ, bảo đảm quản lý các nguồn tài trợ công khai, minh bạch, nhân văn.

"Biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi các mô thức sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế và sinh kế của hàng triệu người dân ở miền Trung cũng như Việt Nam cũng như tương lai con cháu chúng ta, song xét cho cùng nó không nghiêm trọng bằng sự dao động của ý chí, bản lĩnh và niềm tin của chúng ta trước các thử thách của tự nhiên và tạo hóa”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại cuộc làm việc với các tỉnh miền Trung ngày 24/10, tại Quảng Bình. Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng bày tỏ và nhấn mạnh: Nếu chúng ta vẫn giữ được cội nguồn văn hóa của dân tộc, giữ được đất đai, rừng, biển thì chúng ta sẽ làm giàu được trên mảnh đất thiêng liêng mà cha ông chúng ta đã để lại - Miền Trung Việt Nam.

Tại cuộc làm việc, các địa phương khẳng định quyết tâm tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai; đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người dân; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, không để “dịch chồng dịch”.

Về bài học kinh nghiệm rút ra từ việc phòng chống đợt bão lũ này, các ý kiến đều nhấn mạnh phương châm “4 tại chỗ”. Lấy phòng là chính, do đó, cần nâng cao năng lực dự báo.

Qua đợt mưa lũ này, tỉnh Quảng Trị cho rằng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, do đó, cần quan tâm việc dự báo thời tiết cho từng vùng, từng khu vực cụ thể. Địa hình khu vực miền Trung là dốc nên mưa to, lũ lên rất nhanh. Sau lũ thì tài sản của người dân cơ bản mất hết. Do đó, việc hỗ trợ sinh kế để bảo đảm cuộc sống sau lũ rất quan trọng.

Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, việc di dời người dân phải cương quyết, bởi nhiều người dân xót của, trốn ở lại nhà, có hộ phải đến kêu gọi di dời 4 lần. Tỉnh đã huy động các cơ sở sấy lúa, hỗ trợ kinh phí để giúp bà con. Huy động các lực lượng để lũ rút đến đâu thì vệ sinh môi trường đến đấy, sớm đưa học sinh trở lại trường học, không để dịch bệnh bùng phát sau lũ.

Một số ý kiến cho rằng, cần sớm khắc phục giao thông thì hàng hóa cứu trợ mới đến được nhiều hộ dân hơn.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cam kết bảo đảm thông suốt mọi tuyến quốc lộ, đề nghị các địa phương khẩn trương khắc phục các tuyến tỉnh lộ.

Hoan nghênh các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đợt lũ lần này ở Miền Trung là lũ lịch sử, tuy nhiên chúng ta đã chủ động chỉ đạo kiên quyết, kịp thời nên giảm thiểu thiệt hại (lũ năm 1999 làm 818 người chết, mất tích). Mặc dù vậy, tổn thất do mưa lũ vẫn rất lớn.

Biểu dương tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, Thủ tướng bày tỏ, qua lũ lụt, thiên tai, nhiều tổ chức, cá nhân với tấm lòng nhân ái đã hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, đây là truyền thống quý báu của dân tộc ta, rất đáng trân trọng, tự hào.

Cần rút một số kinh nghiệm sau đợt mưa lũ này, Thủ tướng nêu rõ, trước hết cần tăng cường nhận thức và sự hiểu biết của chính quyền, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức xã hội là chìa khóa then chốt trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, trong đó nhận thức của cộng đồng và người dân về trách nhiệm và tác động của biến đổi khí hậu là quan trọng nhất, “có ý thức từ khi đặt móng nhà cho đến chọn vị trí là rất quan trọng”.

Thứ hai, là phải cải thiện năng lực dự báo thiên tai và chủ động ứng phó, nhất là công nghệ dự báo trượt đất, hiện là một khâu yếu của chúng ta.

Kinh nghiệm nữa là Việt Nam đã lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển, thực hiện nghiêm túc cam kết cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030 bằng nguồn lực trong nước để có thể giảm tới 25% nếu nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của quốc tế. Đặc biệt, các thành phố lớn ở Việt Nam cần đi đầu, tiên phong cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, góp phần quyết định vào việc hoàn thành mục tiêu của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Từ đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế đánh thuế phát thải để khuyến khích cắt giảm thải khí nhà kính, đồng thời qua đó giúp huy động nguồn lực hỗ trợ địa phương bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

“Chúng ta phải nhanh chóng để đảm bảo cuộc sống bình thường của nhân dân các tỉnh miền Trung trong vùng lũ lụt”, Thủ tướng nói. Đi liền với đó, đảm bảo sinh kế cho người dân, “nhất là thời vụ cận kề, cấp sớm các loại giống, không chỉ lo trước mắt mà phải lo cả lâu dài, lo vụ sắp tới đây phải làm gì để người dân có thể sống được”.

Tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính đề xuất, nghiên cứu sửa Nghị định 63 và Nghị định 136 về một số điểm bất hợp lý để tạo thuận lợi cho các nhà tài trợ, bảo đảm quản lý các nguồn tài trợ công khai, minh bạch, nhân văn.

Các cấp, các ngành, các địa phương cần sẵn sàng các phương án phòng chống bão số 8, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải lắng nghe, tháo gỡ, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, “đừng để do lũ lụt mà đình trệ các công việc ở địa phương”, nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu đề ra năm 2020.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate