March 24, 2021 | 14:54 GMT+7

Thủ tướng: "Con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới"

Quang Trung

Nhiệm kỳ Chính phủ 5 năm qua đã ghi được nhiều dấu ấn cùng thành quả đột phá, trở thành nền tảng để Việt Nam hướng tới khát vọng hùng cường vào giữa thế kỷ 21

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ Chính phủ tại Kỳ họp 11 Quốc hội khóa 14 - Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ Chính phủ tại Kỳ họp 11 Quốc hội khóa 14 - Ảnh: VGP

Trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ Chính phủ tại Kỳ họp 11 của Quốc hội sáng nay (24/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của muôn vàn khó khăn, thách thức vượt xa so với những dự tính đầu nhiệm kỳ. Đặc biệt là đại dịch Covid-19 tàn phá nặng nền các nền kinh tế trên thế giới. 

"Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là năm 2020 với muôn vàn khó khăn, nhiều thử thách chưa từng có, Chính phủ đã nỗ lực làm hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, luôn sâu sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình, tranh thủ thời cơ. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực", Thủ tướng nhấn mạnh. 

NHIỀU THÀNH TỰU NỔI BẬT BẤT CHẤP KHÓ KHĂN

Trong phần báo các, Thủ tướng đã điểm lại những thành quả nổi bật trong nhiệm kỳ Chính phủ 5 năm qua. 

Cụ thể, kinh tế vĩ mô phát triển ổn định vững chắc, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát. 

Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ và tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 100 tỷ USD. Tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tăng cường phòng chống "tín dụng đen". Thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, thị trường vốn, tài chính vi mô.

Thủ tướng: "Con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới với cơ đồ mới" - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển. Bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3,45%. Nợ công giảm từ khoảng 64,5% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,3% GDP và được cơ cấu lại bền vững, an toàn hơn, chuyển dần từ vay nước ngoài sang vay trong nước với kỳ hạn dài hơn và chi phí thấp hơn. Đồng thời, thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước, phát triển mạnh kinh tế tư nhân.

"Có thể tự tin cho rằng, nhờ có được tích lũy thu nhập cũng như những cải thiện đáng kể về không gian tài khóa, nhất là trong 4 năm tăng trưởng cao 2016 - 2019, chính là 'của để dành' góp phần quan trọng giúp nền kinh tế và người dân chúng ta vượt qua khó khăn vừa qua của dịch Covid-19", Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng cho biết xếp hạng của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Mới đây nhất, ngày 18/3, tổ chức Moody's đã nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên mức "tích cực". Điều này cho thấy  nền tảng vĩ mô của Việt Nam là "khá chắc chắn và tiếp tục được cải thiện ngay cả trong dịch Covid-19".

Trong bối cảnh thị trường thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, nhất là do dịch Covid-19, Việt Nam vừa phát triển thị trường nội địa với 100 triệu dân vừa thúc đẩy xuất khẩu thông qua các FTA thế hệ mới để đa dạng hóa, không để quá phụ thuộc vào một thị trường. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 1,7 lần, từ 328 tỷ USD năm 2015 lên 517 tỷ USD năm 2019 và đạt 545 tỷ USD năm 2020 với 5 năm liên tục có thặng dư thương mại ngày càng tăng.

Trong nhiệm kỳ qua và trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh và trật tự an toàn xã hội, phục hồi kinh tế trong điều kiện "bình thường mới". 

GDP năm 2020 tăng 2,91%, Việt Nam là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,8%; bình quân 2016 - 2020 đạt 5,99%, cao hơn 5,91% của giai đoạn 2011 - 2015, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

Năm 2020, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, đạt trên 340 tỷ USD. Trong 5 năm qua, tổng GDP tăng thêm đạt khoảng 1.300 tỷ USD. Năm 2020, Việt Nam vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới. 

"Phát biểu trước Quốc hội thời điểm đầu nhiệm kỳ, tôi đã nêu: Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48. Nhưng rất tự hào là đến nay xếp hạng của nước ta đã tăng 11 bậc (vượt qua 11 quốc gia) đứng thứ 37 thế giới", Thủ tướng cho biết. 

HƯỚNG TỚI CHÂN TRỜI MỚI VỚI CƠ ĐỒ MỚI

Thủ tướng khẳng định, dù con đường đi lên còn đầy khó khăn, thử thách, nhưng hoàn toàn tin tưởng không lâu nữa Việt Nam sẽ bước sang ngưỡng thu nhập trung bình cao và gia nhập Nhóm nước phát triển có thu nhập cao vào 2045.

"Trên con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới, với cơ đồ mới về một nước Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ 21 sẽ có mặt đủ mọi thành phần, từ công nông đến trí thức, doanh nhân, người dân, không ai bị bỏ lại phía sau và ai ai cũng được thụ hưởng thành quả của đổi mới và phát triển theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng 13 đã nêu và vun đắp thêm bản chất dân chủ tốt đẹp của xã hội ta", người đứng đầu Chính phủ bày tỏ.

Thủ tướng: "Con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới với cơ đồ mới" - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự phiên khai mạc Kỳ họp 11 của Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Với khí thế và khát vọng đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc, cùng tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ 13, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự nỗ lực, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ phát huy những thành tựu và kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, khai thác tối đa cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Theo đó, hướng tới những mục tiêu, khát vọng xây dựng quốc gia Việt Nam trở nên giàu mạnh hùng cường vào giữa thế kỷ 21.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate