July 13, 2025 | 15:38 GMT+7

Thủ tướng: ĐBSCL cần bứt phá nhanh hơn, đồng bộ hơn, hiệu quả hơn

Thanh Thủy -

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án hạ tầng trọng điểm tại ĐBSCL, vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và triển khai đồng bộ Đề án 1 triệu ha lúa theo hướng phát triển bền vững...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sáng 13/7 tại TP.Cần Thơ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sáng 13/7 tại TP.Cần Thơ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Sáng 13/7, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm; Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh vùng ĐBSCL...

NHIỀU DỰ ÁN HẠ TẦNG PHÍA NAM TĂNG TỐC, ĐẠT KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Tại Hội nghị, báo cáo với Thủ tướng về việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết các địa phương đã thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ và đạt mục tiêu đề ra. Bộ máy hành chính nhanh chóng được ổn định, phân công cán bộ linh hoạt, không gây gián đoạn dịch vụ công. Các tỉnh, thành phố cũng chủ động giải quyết chế độ cho cán bộ và tiếp nhận phân cấp từ Trung ương.

Một số địa phương như TP.HCM, Cần Thơ, có cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả tích cực. Bộ trưởng khẳng định kết quả bước đầu khá suôn sẻ, thể hiện tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao của lãnh đạo địa phương.

Về hạ tầng xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết khu vực phía Nam đang triển khai 21 dự án giao thông trọng điểm. Trong đó, có 13 dự án hoàn thành trong năm 2025 với tổng chiều dài 354 km. Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản 6 dự án, các địa phương làm cơ quan chủ quản 7 dự án; 8 dự án hoàn thành sau năm 2025 với tổng chiều dài hơn 294 km. Số này Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản 3 dự án; các địa phương làm cơ quan chủ quản 5 dự án.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng đang chuẩn bị đầu tư 3 dự án với tổng chiều dài 98 km. Đó là 2 dự án thành phần cao tốc Cà Mau - Đất Mũi và đường kết nối ra cảng Hòn Khoai. Các dự án này dự kiến khởi công vào 19/8/2025.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo về tình hình thực hiện chính quyền 2 cấp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo về tình hình thực hiện chính quyền 2 cấp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, qua trực tiếp kiểm tra vào ngày 12/7 cho thấy đến nay, các dự án đã có sự chuyển biến đáng kể. Trong đó phải kể đến dự án cầu Rạch Miễu 2, hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch 6 tháng. Đây là một thành tựu to lớn của ngành xây dựng góp phần tiết giảm chi phí gần 50%.

Riêng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tiến độ dự án hiện nay được cải thiện tích cực, các nhà thầu cam kết sẽ hoàn thành vào ngày 19/12 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Về lĩnh vực đường sắt, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết Bộ đã giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt từ TP.HCM đến Cần Thơ. Ban đang hoàn thiện để báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9/2025.

Đối với lĩnh vực hàng không, Cảng Hàng không Cà Mau đã được tổ chức động thổ mở rộng, nâng cấp vào tháng 4/2025. Dự kiến sẽ khởi công xây dựng đường cất/hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay và các công trình phụ trợ khu bay trong tháng 8/2025.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Minh kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án qua TP.HCM, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Đồng Nai, Tây Ninh.

Đối với các dự án do địa phương làm cơ quan chủ quản, các chủ đầu tư kiểm soát chặt chẽ tiến độ, giải quyết nhu cầu về nguồn vật liệu, chủ động áp dụng các giải pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng để giảm thời gian gia tải chờ lún, sớm kết thúc việc gia tải, hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch đã đề ra.

ĐỀ ÁN 1 TRIỆU HA LÚA MANG LẠI LỢI ÍCH RÕ RỆT

Về Đề án 1 triệu ha lúa, theo các báo cáo, đến nay 12/12 tỉnh đã đăng ký tham gia Đề án với tổng diện tích là 1,015 triệu ha.

Từ năm 2024 đã thực hiện 7 mô hình thí điểm triển khai quy trình canh tác giảm phát thải với diện tích 50 ha/mô hình trong hai vụ Hè-Thu, Thu- Đông tại 5 tỉnh. Kết quả bước đầu cho thấy, mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường.

Chi phí sản xuất giảm từ 8,2-24,2%, giảm lượng giống 30-50%, giảm lượng phân bón hoá học 30-70 kg phân bón/ha, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm 30-40% lượng nước tưới. Đồng thời, năng suất tăng 2,4 - 7,0%, tăng thu nhập của nông dân thêm 12-50% (tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống). Giảm phát thải khí nhà kính trung bình 2,0 - 12,0 tấn CO₂ tương đương/ha. Giá lúa được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng/kg thóc.

Từ vụ Hè - Thu 2025, tiếp tục triển khai 6 mô hình cũ (trừ mô hình lúa-tôm) và mở rộng thêm 5 mô hình mới. Dự kiến cuối tháng 8, đầu tháng 9 sẽ kết thúc thu hoạch ở các mô hình.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết khu vực phía Nam đang triển khai 21 dự án giao thông trọng điểm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết khu vực phía Nam đang triển khai 21 dự án giao thông trọng điểm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ngoài các mô hình trung ương, các địa phương đã chủ động triển khai 101 mô hình thí điểm với tổng diện tích 4.518,3 ha. Kết quả, giảm được lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước theo mục tiêu của Đề án.

Về liên kết sản xuất, đã xác định các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia Đề án (620 hợp tác xã giai đoạn 1 và khoảng 1.300 hợp tác xã đến năm 2030), đang xây dựng, cập nhật hệ thống dữ liệu thông tin của 620 hợp tác xã tham gia Đề án, tạo nền tảng cho việc kết nối, hỗ trợ và giám sát quá trình triển khai, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ngành lúa gạo. Ngoài ra, đến nay đã xác định được danh sách gần 200 doanh nghiệp tham gia Đề án, trong đó khoảng 40% là các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản quy mô liên kết từ 200 ha trở lên.

Đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu được 500 tấn gạo mang nhãn hiệu "Gạo Việt xanh phát thải thấp" đã xuất khẩu vào Nhật Bản, mở ra một triển vọng mới cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

TĂNG TỐC HẠ TẦNG, TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ ĐỀ ÁN 1 TRIỆU HA LÚA

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến, hoàn thiện và sớm trình Thủ tướng Chính phủ Thông báo kết luận hội nghị để thống nhất triển khai.

Đánh giá kết quả đạt được từ tháng 5/2025 (khi Thủ tướng vào tiếp xúc cử tri tại ĐBSCL) đến nay, Thủ tướng nêu rõ: “Việc triển khai chính quyền địa phương 2 cấp cơ bản tốt, các cơ quan liên quan đã triển khai chắc chắn, bài bản, hoàn thiện dần và đang đi vào hoạt động ổn định. Tuy nhiên, nhiều nội dung còn phải rà soát, triển khai đồng bộ, chuyên nghiệp hơn nữa, bảo đảm thông suốt, thông thoáng, thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội”.

Toàn cảnh hội nghị sáng 13/7 tại TP. Cần Thơ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Toàn cảnh hội nghị sáng 13/7 tại TP. Cần Thơ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Về các công trình giao thông trọng điểm vùng ĐBSCL kết nối với vùng Đông Nam Bộ và kết nối quốc tế, các báo cáo cho thấy cơ bản đang đúng tiến độ, nhiều công trình vượt tiến độ đề ra, nhất là các công trình do Bộ Xây dựng đảm nhận và hoàn thành trong năm 2025, trong đó có sân bay Long Thành, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi…. Tuyến cao tốc Bắc - Nam đang hoàn thành vượt mức kế hoạch; nhiều đoạn cao tốc trục Đông – Tây có khả năng hoàn thành trong năm nay.

Bên cạnh đó, còn có những tồn tại, hạn chế về nguyên vật liệu. Thủ tướng nêu rõ tất cả các dự án cần tăng tốc, bứt phá, rút ngắn thời gian, bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Về Đề án 1 triệu ha lúa, các tỉnh đã triển khai với sự hưởng ứng tích cực của doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân và đến nay, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng rất tích cực, quan trọng.

Thủ tướng nhấn mạnh: “ ‘Vạn sự khởi đầu nan’, đây là chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đầu tiên trên thế giới. Đề án có ý nghĩa lớn trong chủ động, tích cực bảo đảm an ninh lượng thực cho Việt Nam và các đối tác trên thế giới, ổn định đầu ra, tránh được mùa mất giá, được giá mất mùa với lúa gạo Việt Nam, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả canh tác”.

Đồng thời, đề án góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, khô hạn, sụt lún, sạt lở tại ĐBSCL; tạo việc làm, sinh kế cho người dân; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tạo liên kết vùng, liên kết quốc tế trong chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng; nâng cao thương hiệu quốc gia, thương hiệu gạo Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate