May 12, 2021 | 00:11 GMT+7

Thủ tướng định hướng ngành thông tin và truyền thông: "Không để chiến lược trên giấy"

Tiến Dũng -

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung xây dựng chiến lược phát triển ngành, đi kèm cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả và nguồn lực thực hiện...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc.

Chiều 11/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để nghe báo cáo về các vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất của ngành, đồng thời đưa ra định hướng chiến lược để ngành tiếp tục phát triển mạnh thời gian tới.

Buổi làm việc có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

DẪN DẮT CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA, THÚC ĐẨY "MAKE IN VIETNAM"

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đa số các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ đều liên quan tới hạ tầng và là nền tảng nên phải đi trước. Do đó, Bộ đặt mục tiêu đưa các lĩnh vực này vào top khoảng từ 30 đến 50 của thế giới vào năm 2025. Năm 2020, Tổng doanh thu toàn ngành là 130 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 5 tỷ USD. 

 

Mục tiêu là tỷ trọng “Make in Vietnam” vào năm 2025 đạt hơn 45% từ mức 22% hiện tại. Đồng thời, phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vào năm 2025, từ 58.000 doanh nghiệp hiện nay.

“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tác động mạnh mẽ đến ngành này thông qua công nghệ số và chuyển đổi số. Sứ mệnh mới của Bộ là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, xây dựng một Việt Nam số, trong đó có chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và truyền thông số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Bộ trưởng nhấn mạnh kinh tế số mở ra không gian tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam và là động lực cốt lõi của tăng trưởng kinh tế.

Một số mục tiêu được đặt ra cho lĩnh vực thông tin và truyền thông Việt Nam thời gian tới gồm: làm chủ các thiết bị hạ tầng số, nhất là 5G; phủ sóng toàn quốc 5G năm 2022; trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng; làm chủ hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, anh ninh mạng (hiện đã làm chủ 90%).

Về lĩnh vực công nghiệp điện tử - viễn thông - công nghệ thông tin - công nghệ số (gọi chung là công nghiệp ICT), cần chuyển từ lắp ráp, gia công sang “Make in Vietnam”, sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế và làm ra tại Việt Nam.

Mục tiêu là tỷ trọng “Make in Vietnam” vào năm 2025 đạt hơn 45% từ mức 22% hiện tại. Đồng thời, phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vào năm 2025, từ 58.000 doanh nghiệp hiện nay.

Về kinh tế số, mục tiêu là tới năm 2025, nền kinh tế số đóng góp 20% vào GDP, tăng từ mức 8,2% năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP.

Về báo chí, truyền thông, Bộ trưởng cho biết định hướng phát triển chung là phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, lan toả năng lượng tích cực, các kinh nghiệm tốt, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tạo thành sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên thành nước phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu rõ một số việc cần làm thời gian tới, như sửa Luật Bưu chính theo hướng là hạ tầng kinh tế số; sửa Luật Viễn thông với trọng tâm là hạ tầng số; sửa Luật Giao dịch điện tử theo hướng bổ sung kinh tế số.

Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ tập trung xây dựng chiến lược phát triển bưu chính; chiến lược hạ tầng số; chiến lược Chính phủ số; chiến lược an toàn không gian mạng Việt Nam, trọng tâm là không gian mạng an toàn và sạch; chiến lược quốc gia về kinh tế số, xã hội số; chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, mọi cán bộ, công chức làm việc trên các nền tảng số để dữ liệu được cập nhật tự động. Chỉ đạo xây dựng các nền tảng chuyển đổi số cho từng lĩnh vực kinh tế - xã hội… Xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, thay đổi cách làm báo, làm sách trên môi trường số.

Hình thành một số cơ quan báo chí, xuất bản chủ lực. Xây dựng kênh truyền hình quốc tế. Mỗi năm xuất bản một số đầu sách có giá trị cao, tạo sức lan tỏa toàn quốc. Quản lý các nền tảng mạng xã hội và quảng cáo xuyên biên giới, trọng tâm là hoàn thiện thể chế.

KHÔNG ĐỂ CHIẾN LƯỢC TRÊN GIẤY

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Bộ và ngành thông tin truyền thông vào thành tựu chung của đất nước qua 35 năm đổi mới, nhất là trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng những kết quả này chưa được như kỳ vọng và chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là tiềm năng về nguồn lực con người. 

“Chúng ta chưa hài lòng với kết quả công việc, tổ chức bộ máy, công tác quản trị và hiệu quả cụ thể; tinh thần tiên phong, gương mẫu tuy mạnh mẽ nhưng vẫn có lúc trầm xuống, chưa đồng bộ, liên tục”, Thủ tướng nhận xét.

Do đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông trước hết nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện Nghị định 17/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, bám sát thực tiễn, đề xuất sửa đổi, bổ sung tổng thể, toàn diện theo tinh thần “mạnh hơn, hiệu quả hơn nữa”.

"Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Chính phủ sẽ phân cấp tối đa, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, lãnh đạo Bộ chịu trách nhiệm là chính, không xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng nếu không cần thiết; thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát", Thủ tướng nêu rõ. 

Về tổ chức bộ máy, Thủ tướng nhấn mạnh các nguyên tắc một người có thể làm nhiều việc nhưng một việc chỉ có một đơn vị, một cá nhân chịu trách nhiệm chính; việc nào người dân, doanh nghiệp, xã hội có thể làm tốt hơn thì xã hội hóa (trừ các nội dung liên quan tới an ninh, quốc phòng, ổn định chính trị-xã hội, đối ngoại).

Thủ tướng yêu cầu Bộ rà soát chức năng, nhiệm vụ của Bộ, tổ chức bộ máy, các cơ quan thuộc Bộ đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đồng thời, Bộ cũng cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ - cái gốc của công việc, nhất là người đứng đầu. 

 

“Việc tốt mà không biết truyền thông thì người ta không biết, sơ hở nhỏ nhưng để thành khủng hoảng thì gây hậu quả lớn. Phải tăng cường nhận thức, phải xây dựng cơ chế, thể chế chính sách phù hợp để truyền thông sự là một nguồn lực, là sức mạnh”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Về công tác quản lý nhà nước, Thủ tướng yêu cầu Bộ tập trung xây dựng chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực; đi kèm cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả và nguồn lực thực hiện, “không để chiến lược trên giấy”.

Bộ cũng cần thiết kế công cụ quản lý hệ thống, tránh tình trạng từng đơn vị làm tốt nhưng tổng thể lại có vấn đề. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát trong các lĩnh vực quản lý.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông coi trọng hơn nữa công tác xây dựng thương hiệu và bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ, đặc biệt với các doanh nghiệp trong ngành.

Thủ tướng đề nghị Bộ xây dựng cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho phát triển, đặc biệt là cho phát triển hạ tầng chiến lược và các ngành mũi nhọn.

"Không trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, phát huy tinh thần tự lực tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", Thủ tướng quán triệt.

Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP
Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP

Về chiến lược chuyển đổi số quốc gia và xây dựng Việt Nam số, Thủ tướng đánh giá Bộ Thông tin và Truyền thông có khát vọng lớn trong nhiệm vụ này, nhưng cũng lưu ý phải có cách làm phù hợp, dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo. 

Về công tác truyền thông, Thủ tướng nêu rõ đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.

“Việc tốt mà không biết truyền thông thì người ta không biết, sơ hở nhỏ nhưng để thành khủng hoảng thì gây hậu quả lớn. Phải tăng cường nhận thức, phải xây dựng cơ chế, thể chế chính sách phù hợp để truyền thông sự là một nguồn lực, là sức mạnh”, Thủ tướng chỉ đạo. 

Thủ tướng cũng quán triệt việc đưa thông tin phải đầy đủ, chính xác, khách quan, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu để truyền thông, là nguồn cảm hứng cho người dân, doanh nghiệp, xã hội cùng chung tay, xây dựng và phát triển đất nước. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate