April 05, 2022 | 20:31 GMT+7

Thủ tướng giao nhiệm vụ trọng tâm cho các bộ, ngành, địa phương trong quý 2

Tiến Dũng -

Dự báo tình hình quý 2 còn nhiều khó khăn và thách thức, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm, quyết liệt, cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị - Ảnh: VGP

Tại Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tình hình kinh tế - xã hội quý 1 đã khởi sắc và chuyển biến rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực, song tình hình quý 2 sẽ còn khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi.

Dự báo tình hình quý 2, Thủ tướng yêu cầu phải xác định còn khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi, nhất là liên quan tới giá cả, lạm phát, nguyên liệu đầu vào, thị trường biến động…, có những khó khăn chưa thể dự báo hết được, cộng với những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức đã được chỉ ra.

"Do đó, phải quyết tâm, quyết liệt, cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó", ông quán triệt.

CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG QUÝ 2

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm mà các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai trong quý 2/2022.

Thứ nhất, tập trung, quyết liệt triển khai chương trình phòng chống dịch Covid-19, chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 4 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thứ hai, tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; nếu không hoàn thành thì kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện điều chuyển vốn theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ ba, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát huy các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước, phát triển thương mại điện tử, các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới; chú trọng thanh tra, kiểm tra, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đầu cơ, tăng giá, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử.

Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế, của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, tiếp tục xử lý, cơ cấu lại các doanh nghiệp, dự án, tổ chức tín dụng yếu kém. Đẩy mạnh tốc độ phục hồi trong các lĩnh vực, nhất là du lịch trong tình hình mới, bảo đảm an toàn, hiệu quả, thuận lợi cho du khách.

Thứ năm, đẩy mạnh kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết tại COP26. Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ hoàn thành quy hoạch điện VIII, một số văn bản pháp lý liên quan tới định danh và xác thực điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VGP
Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VGP

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo thời tiết, thiên tai. Các bộ, ngành, cơ quan tổ chức thực hiện thật tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường tại khu vực miền Trung, bảo đảm cao nhất an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Thứ sáu, tiếp tục coi trọng công tác phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tổ chức các hình thức dạy học phù hợp, an toàn. Khẩn trương tiêm vaccince cho trẻ em từ 5-11 tuổi và tiêm vét với trẻ em từ 12-17 tuổi và các đối tượng chỉ định, sẵn sàng kịch bản để chủ động ứng phó với các làn sóng dịch có thể xảy ra.

Các địa phương chủ động, phối hợp với các cơ quan Trung ương bảo đảm cung cầu lao động. Đẩy mạnh công tác rà soát, hoàn thiện  thể chế, cải cách thủ tục hành chính. Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh trực tiếp chỉ đạo, tham gia góp ý các dự án luật, pháp lệnh, nghị định, quy hoạch quốc gia và vùng được lấy ý kiến.

Thứ bảy, nắm sát tình hình, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, môi trường, xăng dầu..., rà soát, phát hiện các lỗ hổng về cơ chế, chính sách để điều chỉnh phù hợp. 

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình khu vực và thế giới, tiếp tục giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội.

Thứ tám, một nhiệm vụ quan trọng khác là tăng cường công tác thông tin truyền thông, đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ.

CÁC ĐỊA PHƯƠNG CHUNG TAY PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG, KHÔNG TRÔNG CHỜ, Ỷ LẠI

Về các dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng yêu cầu tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, giúp người dân yên tâm, tin tưởng cuộc sống ở nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch, khai thác và quản lý các mỏ nguyên vật liệu, xử lý kịp thời, phù hợp vấn đề giá nguyên vật liệu; Chủ động phối hợp với các cơ quan, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề liên quan tới chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các dự án.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cũng tập trung cho công tác lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, ổn định lâu dài, còn đầu tư có thể phân kỳ theo nguồn lực từng giai đoạn. Có quy hoạch tốt thì mới có đề án, dự án tốt; có đề án, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt; có nhà đầu tư tốt thì mới có sản phẩm tốt.

Đặc biệt, trong phân bổ và triển khai đầu tư công, Thủ tướng đề nghị các địa phương chia sẻ với Trung ương, "chung tay phát triển hạ tầng", không trông chờ, ỷ lại, suy nghĩ, tính toán, đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên, thậm chí "thắt lưng buộc bụng".

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến - Ảnh: VGP
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến - Ảnh: VGP

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu rà soát, bố trí lại nguồn vốn để dành cho đầu tư phát triển, cho các công trình trọng điểm, lan tỏa cao, mặt khác phải đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước.

Với tinh thần liêm chính, công khai, minh bạch, Chính phủ phân bổ và triển khai đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm cho những lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm hiệu quả cao nhất, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.  

"Tình hình quý 1 đã khởi sắc tích cực, các địa phương cần cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ khí thế hơn, mạnh mẽ hơn, đạt kết quả cao hơn, bền vững hơn trong quý 2", Thủ tướng nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate