May 29, 2023 | 07:53 GMT+7

Thủ tướng: Hà Giang phải biến tiềm năng thành nguồn lực, biến di sản thành tài sản

Tiến Dũng -

Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang ngày 28/5, Thủ tướng đề nghị Hà Giang cần nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, tự tin, càng áp lực lại càng nỗ lực bởi "non cao cũng có đường trèo, đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi"...

Thủ tướng làm việc với  Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang ngày 28/5 - Ảnh: VGP
Thủ tướng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang ngày 28/5 - Ảnh: VGP

Tại cuộc làm việc, bên cạnh việc ghi nhận các thành tựu tỉnh Hà Giang đạt được thời gian qua, Thủ tướng và các đại biểu cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của Hà Giang, cần nỗ lực, phấn đấu hơn nữa. Quy mô kinh tế còn nhỏ; GRDP bình quân đầu người còn thấp; thu ngân sách Nhà nước chưa đủ chi.

Tỉnh cần đẩy mạnh sản xuất, tạo sinh kế cho người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, với các ngành nghề mới, không gian phát triển mới, các khu công nghiệp mới, khu dịch vụ mới và đặc biệt là khí thế mới của nhân dân, với việc xây dựng hạ tầng chiến lược (giao thông, điện, nước, viễn thông). Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn của Hà Giang.

Thủ tục hành chính, môi trường đầu tư cần thông thoáng hơn; năng  lực cạnh tranh, các chỉ số về cải cách hành chính cần được cải thiện hơn; coi trọng hơn nữa việc phát triển đội ngũ doanh nhân, kinh tế tư nhân. Chú trọng hơn nữa việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc và bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.

Việc phát triển văn hóa, xã hội có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu. Cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề vệ sinh, môi trường cho nhân dân, nâng cao ý thức người dân, đẩy lùi, xóa bỏ các hủ tục… Chênh lệch giàu nghèo còn lớn, đời sống nhân dân nhiều nơi khó khăn; tỉ lệ nghèo còn cao (năm 2022 là 37,08%, cao nhất nước); còn 7/10 huyện là huyện nghèo.

BIẾN TIỀM NĂNG THÀNH NGUỒN LỰC, BIẾN DI SẢN THÀNH TÀI SẢN

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, Thủ tướng đề nghị Hà Giang cần nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, tự tin, càng áp lực lại càng nỗ lực bởi "non cao cũng có đường trèo, đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi".

Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm, định hướng lớn trong thời gian tới. Theo đó, phải luôn phải ghi nhớ và thực hiện 8 lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu khi Người đến thăm Hà Giang năm 1961; giữ vững, củng cố và tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong hệ thống chính trị, đoàn kết toàn dân.

Quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; chú trọng vận dụng sáng tạo, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, từ khung trời, mảnh đất, cửa khẩu với núi sông hùng vĩ của mình, vươn lên bằng sức mạnh nội sinh, biến tiềm lực thành nguồn lực, biến di sản thành tài sản.

Giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì những vấn đề nguyên tắc nhưng chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình thực tiễn, có sản phẩm cụ thể, hiệu quả cân đong đo đếm được. 

Phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, tránh khuynh hướng trông chờ, ỷ lại và khuynh hướng an phận, sợ trách nhiệm, sợ sai; không mất tự tin khi gặp khó khăn, không quá lạc quan khi có điều kiện thuận lợi.

Phát triển nhanh và bền vững, toàn diện, bao trùm, hiệu quả, bảo đảm sự hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP

Với đường biên giới 277km với Trung Quốc, Hà Giang cần giữ vững quốc phòng an ninh, xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển; luôn chủ động, không để bị động, bất ngờ trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị, trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, vì nhân dân phục vụ.

Đẩy mạnh liên kết vùng theo Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, mạnh dạn kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực phát triển; đẩy mạnh triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển. 

Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu  đổi mới cách thức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, thiết kế quy trình, thủ tục thông thoáng, nhanh chóng.

Thủ tướng đề nghị Hà Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng - coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Hoàn thành công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đúng tiến độ, chất lượng trong quý 3/2023 với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, chỉ ra và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, khắc phục được các khó khăn, thách thức của địa phương.

Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực). Rà soát các vướng mắc về thể chế và nêu rõ cơ quan, cấp có thẩm quyền giải quyết, xây dựng cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển, thu hút đầu tư. 

Đặc biệt chú trọng phát triển, tăng cường hệ thống trường dân tộc nội trú; nghiên cứu xây dựng Trường Đại học Hà Giang đa ngành, đa cấp (đào tạo cả trình độ cao đẳng, trung cấp), đảm bảo tốt nhất việc tiếp cận giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số. 

Quyết tâm, tập trung thực hiện đột phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế; đồng thời chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số.

Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu). Phát triển đồng bộ, cân bằng, hài hòa giữa các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thường xuyên lắng nghe, nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển. Cải thiện mạnh mẽ các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), các chỉ số về cải cách hành chính (Papi, Par Index), chỉ số về chuyển đổi số (DTI).

Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943, đường lối Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa, các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, xây dựng và phát triển văn hóa theo hướng "dân tộc, khoa học, đại chúng", đưa văn hóa trở thành động lực, nguồn lực nội sinh của phát triển; phát triển văn hóa số, phát huy truyền thống văn hóa của 19 dân tộc trên địa bàn.

Thủ tướng nhắc lại phát triển văn hóa cũng chính là để góp phần củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa cần theo hướng chuyên nghiệp, thương mại, phù hợp với bản sắc dân tộc.

Thủ tướng lưu ý Hà Giang chú trọng đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện hiệu quả giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên cơ sở xây dựng, phát triển các mô hình sinh kế cho người dân, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Thủ tướng yêu cầu Hà Giang phối hợp với các tỉnh miền núi phía bắc để xây dựng, triển khai đề án cụ thể nhằm đẩy mạnh rà phá bom mìn và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đồng thời, giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác đối ngoại với 2 tỉnh biên giới của Trung Quốc; đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu và các hoạt động hợp tác, giao lưu khu vực biên giới.

Thủ tướng đề nghị Hà Giang đẩy mạnh chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, khắc phục tình trạng thiếu điện, thiếu sóng viễn thông bằng mọi giải pháp, kêu gọi, huy động các nguồn lực cho nhiệm vụ này.

Quang cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP
Quang cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP

RÀ PHÁ BOM MÌN TRÊN 3.000 HA TRÊN TUYẾN BIÊN GIỚI

Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đã cho ý kiến về các kiến nghị của Hà Giang.

Trong đó, về dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang khẩn trương hoàn thiện các quy trình, thủ tục và cân đối bố trí đủ vốn ngân sách địa phương để tập trung đầu tư dự án cao tốc Hà Giang – Tuyên Quang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang.

Việc đầu tư hoàn chỉnh, nâng quy mô lên 4 làn xe với dự án cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang (giai đoạn 1) và đầu tư đoạn từ Tân Quang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (giai đoạn 2) với quy mô 4 làn xe là cần thiết, Thủ tướng giao UBND tỉnh Hà Giang chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, lập dự án cụ thể, chủ động bố trí nguồn lực và nghiên cứu hình thức hợp tác công tư, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

"Việc xây dựng tuyến đường này sẽ mở ra không gian phát triển mới, các khu công nghiệp, khu dịch vụ mới, khu đô thị mới và đặc biệt là mở ra lòng dân, mở ra khí thế phát triển mới", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đồng ý việc hỗ trợ một phần kinh phí để rà phá bom mìn, vật nổ kết hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, giải phóng đất đai tạo sinh kế cho nhân dân với diện tích hơn 3.000 ha trên tuyến biên giới; yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang chủ trì, thống nhất với Bộ Quốc phòng để rà soát, xác định các khu vực cần triển khai thực hiện khẩn cấp theo thứ tự ưu tiên và đề xuất nhu cầu vốn, gửi các bộ ngành tổng hợp, đề xuất.

Về ngân sách để giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt tại 4 huyện vùng cao núi đá phía bắc, Thủ tướng nêu rõ đây là nhiệm vụ ưu tiên. UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với các cơ quan rà soát, đánh giá hiện trạng, hiệu quả hoạt động của các công trình hiện hữu, nhu cầu cấp nước sinh hoạt, khả năng đáp ứng nguồn nước và nguồn vốn để xác định quy mô hỗ trợ đầu tư phù hợp, lập dự án cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về 200 thôn chưa có điện, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang rà soát, ưu tiên sử dụng số vốn đầu tư công đã được giao trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng các công trình cấp điện cho các thôn, bản khó khăn nhất. 

Bộ Công Thương tổng hợp kiến nghị của tỉnh Hà Giang, khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ nghiên cứu về nguồn vốn, cơ chế tài chính thực hiện Chương trình "Cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025", báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trong chiều 28/5, tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công xây dựng Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) - dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate