Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”.
Mục tiêu của đề án là để các doanh nghiệp nhà nước “có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô”.
Phân nhóm để tái cơ cấu
Một trong những nội dung quan trọng trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ là phân loại các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện có.
Cụ thể, nhóm 1 gồm các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các lĩnh vực độc quyền nhà nước, quốc phòng, an ninh; xuất bản; thuỷ nông; bảo đảm an toàn giao thông; xổ số kiến thiết; sản xuất, phân phối điện quy mô lớn đa mục tiêu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đô thị; các cảng hàng không; cảng biển loại I; in, đúc tiền.
Nhóm 2 gồm các doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoạt động trong các ngành, lĩnh vực theo quy định tại Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 04/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong số này, nhà nước nắm giữ trên 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực khai thác, chế biến tài nguyên, khoáng sản; cung cấp hạ tầng mạng thông tin truyền thông.
Nhà nước cũng sẽ nắm giữ từ 65% đến 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất hóa chất cơ bản, phân hóa học; bán buôn lương thực; bán buôn thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; hóa dược; tài chính, tín dụng; bảo hiểm; cấp, thoát nước; vệ sinh môi trường, chiếu sáng ở đô thị lớn; sản xuất, lưu giữ giống gốc cây trồng vật nuôi; sản xuất vắcxin phòng bệnh; quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa; quản lý, khai thác cảng biển; sản xuất điện quy mô lớn; vận tải đường sắt, hàng không.
Ngoài các doanh nghiệp nêu trên, các doanh nghiệp khác khi cổ phần hóa, căn cứ tình hình cụ thể và khả năng thị trường, Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ hoặc không giữ cổ phần.
Nhóm 3 sẽ bao gồm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục sẽ thực hiện bán, chuyển nhượng doanh nghiệp; tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên; giải thể, phá sản.
Nguyên tắc của quá trình tái cơ cấu là thực hiện theo nguyên tắc thị trường việc thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào ngành không phải kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính; vốn nhà nước ở công ty cổ phần mà Nhà nước không cần chi phối.
Bên cạnh đó, tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Trước mắt, trong các lĩnh vực xây dựng, thương mại, viễn thông, xuất bản, xổ số kiến thiết, cấp thoát nước, môi trường đô thị, thủy nông, quản lý và sửa chữa đường bộ, đường sắt, đường thủy...
Ngoài ra, tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ được tiến hành một cách toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư đến thị trường và sản phẩm. Tổ chức lại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cho phù hợp với thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ.
Thúc tái cơ cấu bằng nhiều giải pháp
Một loạt giải pháp để thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng đã được nhấn mạnh trong quyết định này.
Cụ thể, sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về cổ phần hóa, bán, giao, giải thể, phá sản doanh nghiệp; đồng thời tập trung tháo gỡ cho được khó khăn, vướng mắc hiện tại, nhất là về định giá doanh nghiệp, xử lý tài chính, công nợ, đất đai, chế độ đối với người lao động... và ngăn ngừa thất thoát tài sản.
Chính phủ cũng sẽ ban hành các quy định, hướng dẫn việc thực hiện sắp xếp doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý.
Chính phủ cũng sẽ tập trung cho việc phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, mua bán nợ để thúc đẩy cổ phần hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và huy động vốn phục vụ tái cơ cấu.
Chính phủ cũng yêu cầu trong quá trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, hội đồng quản trị, hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chủ động nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền biện pháp giải quyết những vấn đề phát sinh, những vấn đề cần điều chỉnh liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách như chi phí tái cơ cấu, xử lý nợ, chế độ đối với người lao động, thuế...
Về phía các doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ yêu cầu trình đề án tái cơ cấu để phê duyệt trong quý 3/2012 và triển khai thực hiện, trong đó rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính; xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020 phù hợp chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường, khả năng về vốn và năng lực trình độ quản lý; xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh, triển khai tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên và xây dựng phương án tài chính để triển khai thực hiện nhiệm vụ chính được giao và xử lý các tồn tại về tài chính trong quá trình tái cơ cấu.
Đối với vấn đề đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, đối với các lĩnh vực bao gồm ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, các doanh nghiệp cần bán phần vốn của công ty mẹ cho tổ chức, cá nhân bên ngoài, không bán hoặc chuyển giao lại cho các đơn vị thành viên trong nội bộ.
Doanh nghiệp cũng sẽ chuyển vốn hoặc chuyển toàn bộ doanh nghiệp về những doanh nghiệp nhà nước khác có ngành nghề kinh doanh chính phù hợp thông qua các hình thức chuyển giao hoặc chuyển nhượng vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp.
Đối với những tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang có khó khăn về tài chính, một mặt cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý có liên quan, mặt khác cần cơ cấu lại vốn, tài sản theo hướng đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu vốn để có cơ chế xử lý bổ sung vốn cho tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư cấp bách, hạn chế thất thoát vốn do kéo dài thời gian dự án; cơ cấu lại tài sản bằng cách chuyển nhượng, sáp nhập các dự án, các khoản đầu tư không hiệu quả hoặc chưa cấp thiết để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính.
Một số văn bản chính được Chính phủ yêu cầu xây dựng và ban hành ngay:
Bộ Tài chính
- Quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu (bao gồm việc hướng dẫn chuyển nhượng vốn, chuyển giao vốn trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước), trình Chính phủ trong quý 2/2012.
- Quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, trình Chính phủ trong quý 2/2012.
- Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý 2/2012.
- Nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế xử lý nợ trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý 4/2012.
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, trình Chính phủ trong quý 4/2012.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Quy định về thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước (thay thế Nghị định số 132/2005/NĐ-CP), trình Chính phủ trong tháng 7 năm 2012.
- Quy định về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích (thay thế Nghị định số 31/2005/NĐ-CP), trình Chính phủ trong tháng 8 năm 2012.
- Quản lý, giám sát các tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước đặc biệt (thay thế Nghị định 101/2009/NĐ-CP), trình Chính phủ trong quý 4/2012.
- Đề án tách chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2012.
- Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 năm 2012.
- Hướng dẫn việc chuyển nhượng dự án, chuyển giao dự án gắn với việc chuyển nhượng vốn, chuyển giao vốn giữa các doanh nghiệp (nếu có) khi thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Sửa đổi, bổ sung quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại Việt Nam, trình Chính phủ trong quý 2/2012.
- Quy định về tổ chức, hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính, trình Chính phủ trong quý 3/2012.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate