January 06, 2025 | 13:19 GMT+7

Thủ tướng: Quy hoạch TP.HCM có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá

Thiên Di -

Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược. Quy hoạch mở ra cơ hội đột phá, đưa TP.HCM trở thành đầu tàu kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, phát triển bền vững của cả nước và khu vực…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị chiều 4/1 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị chiều 4/1 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Triển khai thực hiện Quy hoạch TP.HCM không phải là nhiệm vụ của riêng Thành phố mà là nhiệm vụ của cả vùng, cả nước”.

TP.HCM: CẤU TRÚC KHÔNG GIAN ĐA TRUNG TÂM TẠO ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN MỚI

Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1711/QĐ-TTg ngày 31/12/2024. Mục tiêu nhằm phát triển TP.HCM là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo; Thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, là nơi có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị, Thủ tướng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chỉ rõ một số nội dung cụ thể về tổng thể Quy hoạch, đánh giá Quy hoạch đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học.

Trong đó, Thủ tướng đánh giá: “Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; bám sát thực tiễn; phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, "điểm nghẽn" của Thành phố”.

Đồng thời, Quy hoạch cũng dựa trên truyền thống lịch sử, văn hóa, gắn kết chặt chẽ với cả vùng, cả nước, khu vực và quốc tế; tranh thủ, lắng nghe ý kiến của nhà khoa học, chuyên gia, người dân, doanh nghiệp.

Từ đó, mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian đột phá phát triển mới, tạo giá trị mới cho TP.HCM  trong bức tranh chung của các địa phương trên cả nước.

Theo Thủ tướng, Quy hoạch TP.HCM được khái quát bằng: 2 hành lang; 3 tiểu vùng; 9 trục không gian chủ đạo và 1 trục không gian ven biển; cấu trúc không gian đa trung tâm; khai thác tối đa không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.

Cụ thể, 2 hành lang gồm: Hành lang quốc gia đoạn đi qua TP.HCM và hành lang vùng sông Đồng Nai - Sài Gòn - Thị Vải - Soài Rạp;

3 tiểu vùng gồm: Tiểu vùng khu vực đô thị trung tâm; tiểu vùng thành phố Thủ Đức; tiểu vùng khu vực ngoại thành.

9 trục không gian chủ đạo gồm: 4 trục Đông - Tây và 5 trục Bắc - Nam. Đồng thời, hình thành 1 trục không gian ven biển phía Nam từ Tiền Giang qua Cần Giờ, TP.HCM đến Bà Rịa Vũng Tàu - Đồng Nai.

Theo Quy hoạch, TP.HCM hình thành và phát triển cấu trúc không gian đa trung tâm, trong đó khu vực đô thị trung tâm (16 quận nội thành) giữ vai trò là hạt nhân, đầu não và động lực tăng trưởng của toàn Thành phố; thành phố Thủ Đức trực thuộc TP.HCM, giữ vai trò là cực tăng trưởng mới; sắp xếp khu vực ngoại thành (5 huyện) trên cơ sở hình thành 5 đô thị vệ tinh đến năm 2030 và 4 đô thị vệ tinh tầm nhìn đến năm 2050, là những đô thị trực thuộc Thành phố.

CẦN TẬP TRUNG “ 3 TIÊN PHONG”

Thủ tướng yêu cầu TP.HCM trong thời gian tới cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 tiên phong ".

"Một trọng tâm" là xây dựng cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp cho phát triển, gồm nguồn lực Nhà nước, tư nhân, hợp tác công tư, đầu tư trực tiếp, gián tiếp và nguồn lực từ Trung tâm Tài chính quốc tế. Việc huy động nguồn lực của Thành phố phải gắn với nguồn lực của vùng, nguồn lực của vùng phải gắn với nguồn lực quốc gia, nguồn lực quốc gia phải gắn với nguồn lực quốc tế.

"Hai tăng cường", gồm: Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối hệ thống giao thông, chuyển đổi số, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, đa dạng hoá sản phẩm, chuỗi cung ứng, thị trường.

"Ba tiên phong", gồm: Tiên phong phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược gồm cả hạ tầng cứng và mềm; tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; tiên phong trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, đào tạo và giữ chân nhân tài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng lãnh đạo TP.HCM - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng lãnh đạo TP.HCM - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Về các nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu thực hiện Quy hoạch TP.HCM đồng bộ, linh hoạt, xây dựng Thành phố hiện đại, thông minh, cạnh tranh và hội nhập; không cứng nhắc mà phải linh hoạt để bổ sung điều chỉnh kịp thời, đặc biệt là cùng cả nước phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số những năm tới.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đầu tư công và công tư, tập trung vào các dự án chiến lược như Trung tâm Tài chính quốc tế, Cảng Cần Giờ, mạng lưới giao thông; phát triển văn hóa, an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chuyển đổi số.

“Việc thực hiện Quy hoạch TP.HCM là nhiệm vụ không chỉ của TP.HCM mà là nhiệm vụ chung của cả Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong vùng, TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM, mãi mãi xứng đáng là Thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng với truyền thống cách mạng, với đà phát triển những năm qua, với sự ủng hộ, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp và người dân, TP.HCM sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy, sự đổi mới như Quy hoạch đã công bố, ngày càng phát huy vai trò, xứng đáng với vị thế đặc biệt của mình.

 

Giai đoạn 2021-2030, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân 8,5-9%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 385-405 triệu đồng (14.800-15.400 USD). Khu vực dịch vụ chiếm trên 60% GRDP, kinh tế số trên 40%. Dự kiến dân số thực tế đến 2030: khoảng 11 triệu người, 2050: khoảng 14,5 triệu người...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate