“Sự thật là không bên nào chịu nhường bên nào”, ông Lý Hiển Long phát biểu trong một đoạn video tại Diễn đàn An ninh Aspen được tổ chức trực tuyến. “Tôi nghĩ có thể đang có sự hiểu lầm ở cả hai bên”.
Theo nhà lãnh đạo của đảo quốc sư tử, nước Mỹ hiện tại không hề ở trong một xu thế suy yếu không thể đảo ngược như Trung Quốc nghĩ, và ngược lại “Trung Quốc cũng sẽ không biến mất. Trung Quốc không phải là Liên Xô”.
“Tôi không biết liệu người Mỹ có nhận ra rằng họ sẽ dấn thân vào một cuộc đối đầu dữ dội nếu họ xem Trung Quốc là kẻ thù”, ông Lý Hiển Long nói.
Nhiều năm qua, ông Lý Hiển Long đã không ít lần kêu gọi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh một cuộc va chạm tồi tệ có thể buộc các nước nhỏ hơn như Singapore - với một nền kinh tế có độ mở lớn và phụ thuộc nhiều vào thương mại - phải lựa chọn đứng về một trong hai phe.
Sau khi ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm ngoái, ông Lý Hiển Long nói Mỹ nên thiết lập một “mối quan hệ mang tính xây dựng toàn diện” với Trung Quốc theo một khuôn khổ cho phép hai quốc gia phát triển những lĩnh vực lợi ích chung và “hạn chế những lĩnh vực bất đồng”.
Tại Diễn đàn An ninh Aspen, ông Lý Hiển Long nói quan điểm ở cả Mỹ và Trung Quốc đều đã trở nên cứng rắn, và chính quyền ông Biden vì thế cũng rơi vào thế khó xử, cho dù vị Tổng thống đến từ Đảng Dân chủ mang tới một cách tiếp cận “đáng tin cậy và dễ đoán hơn” trong chính sách đối ngoại so với người tiền nhiệm Donald Trump.
“Tôi nghĩ rằng sẽ khó để đảo ngược xu hướng xấu đi hiện nay của quan hệ Mỹ-Trung, nhưng nhiều quốc gia vẫn hy vọng rằng sự suy giảm trong mối quan hệ này có thể được kiểm soát”, ông Lý Hiển Long nói.
“Nhiều nước bạn bè và đồng minh của Mỹ mong muốn giữ vững mối quan hệ rộng mở với cả hai siêu cường. Một cuộc xung đột sẽ chẳng mang lại kết quả tốt đẹp gì. Điều quan trọng sống còn đối với cả Mỹ và Trung Quốc là cố gắng cùng nhau ngăn chặn một cuộc xung đột có thể gây thảm hoạ cho cả hai bên và toàn thể thế giới”.
Ông Lý Hiển Long nói nước Mỹ thời Tổng thống Biden muốn cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng đó phải là cạnh tranh bình đẳng. “Có một đường ranh giới rất mong manh giữa việc xem đối phương là đối thủ cạnh tranh hay là kẻ thù”.
Ít nhất, sự cạnh tranh này đồng nghĩa với mức độ phân ly ngày càng lớn trong những lĩnh vực như công nghệ, Thủ tướng Singapore nhấn mạnh. Chẳng hạn, Mỹ tiếp tục gây sức đề nghị các quốc gia khác không sử dụng thiết bị viễn thông 5G của tập đoàn Trung Quốc Huawei.
Những phát biểu trên được ông Lý Hiển Long đưa trong bối cảnh chính quyền ông Biden tìm cách tăng cường hiện diện tại châu Á. Tháng trước, quan chức cấp cao nhất phụ trách các vấn đề châu Á của Nhà Trắng nói rằng vị thế của Mỹ ở khu vực này đã “suy giảm” và mất dần vào tay Trung Quốc.
Mỹ đến nay đã tài trợ hàng triệu liều vaccine Covid-19 cho các nước ở Đông Nam Á trong bối cảnh biến chủng Delta gây ra một làn sóng lây nhiễm tại khu vực này. Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có chuyến thăm Việt Nam, Singapore và Philippines. Trong tháng 8 này, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ có chuyến thăm Việt Nam và Singapore.
Ông Lý Hiển Long nói các đồng minh của Mỹ hiện đang có cảm giác “giải toả rõ rệt” và mong muốn Mỹ có sự nhất quán lâu dài về chính sách đối ngoại. “Họ hy vọng về một nước Mỹ đáng tin cậy và dễ đoán hơn, giữ vai trò một mỏ neo chắc chắn cho trật tự quốc tế”, ông nói.