Xử lý nợ xấu còn chưa thực chất, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tình hình kinh tế -xã hội trước Quốc hội, sáng 29/7.
Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Áp lực trả nợ lớn
Thách thức đầu tiên được Thủ tướng đề cập là nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP, nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%), nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%.
Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn, Thủ tướng dự báo.
Ông cũng cho biết, nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% tổng thu ngân sách nhà nước (nếu tính cả trả nợ gốc thì bằng trên 26%). Chi trả nợ giai đoạn 2011 - 2015 gấp 1,86 lần giai đoạn 2006 - 2010. Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018.
Trong khi đó, việc sử dụng vốn đầu tư còn kém hiệu quả. Chỉ số ICOR bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 6,92, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, lãng phí lớn.
Nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý đầu tư, khai thác, thu phí tại nhiều dự án BOT còn bất hợp lý, thiếu công khai, minh bạch, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí.
Bên canh đó, bội chi ngân sách liên tục ở mức cao trong nhiều năm. Tỷ trọng chi thường xuyên tăng từ 55% lên 65%, chủ yếu do tăng chi cho con người và tiền lương.
Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận là xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn. Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mới xử lý được 32,4 nghìn tỷ đồng trong tổng số 241 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã mua (đạt 13,4%). Một số ngân hàng thương mại quản lý yếu kém, thua lỗ, mất vốn, nợ xấu lớn, để xảy ra vi phạm pháp luật. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro.
Thời gian tới, Thủ tướng cho biết sẽ điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác. Kiểm soát lạm phát, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, vàng; tăng dự trữ ngoại hối.
Tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém. Thực hiện mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong xử lý nợ xấu. Xây dựng đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng báo cáo Quốc hội.
Tham nhũng còn nghiêm trọng
Trong các thách thức tiếp theo, Thủ tướng nêu rõ, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. Quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường còn nhiều hạn chế, đã xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng do Dự án Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Thách thức tiếp theo được người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận là tăng trưởng kinh tế chậm lại, tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực triển khai chậm, còn lúng túng. Đời sống một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai và sự cố môi trường.
Thách thức mà tại kỳ họp này nhiều đại biểu đã nêu cũng được Thủ tướng nhắc đến. Đó là kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội chưa nghiêm, năng lực, phẩm chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu.
Tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng, đất đai... Việc kê khai tài sản còn hình thức, giám sát, kiểm tra, thanh tra hiệu quả thấp. Lãng phí trong cơ quan nhà nước và toàn xã hội còn lớn....
Về đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, Thủ tướng cho rằng còn nhiều khó khăn, thách thức. Như, xảy ra tai nạn nghiêm trọng trong huấn luyện bay và tìm kiếm cứu nạn. Công tác bảo đảm an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển còn nhiều khó khăn, Thủ tướng đánh giá.