Theo văn bản 1252/VPCP-KTTH ngày 28/2/2023, Văn phòng Chính phủ nhận được Báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ báo cáo về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung về "Đói vốn, nhiều doanh nghiệp buộc phải bán cho nước ngoài để giải vây" theo VnEconomy ngày 18/2/2023.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá kỹ thông tin báo nêu, có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định.
Theo đó, sáng 17/2/2023, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Trong buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp sản xuất như dệt may, cơ khí, lương thực thực phẩm…đã chia sẻ những khó khăn do thiếu vốn.
Bài viết “Đói vốn”, nhiều doanh nghiệp buộc phải bán cho nước ngoài để giải vây" của VnEconomy dẫn lời bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP.HCM, về thực tế đáng báo động hiện nay là một số doanh nghiệp lớn, có thương hiệu lớn tại TP.HCM, đầu tư công nghệ tiên tiến nhưng hiện quá khó khăn về tài chính. Các quỹ đầu tư nước ngoài đang "săn" các doanh nghiệp này.
Bà Chi cho rằng nếu cứ để mai một các doanh nghiệp này thì thật đáng tiếc, vì số doanh nghiệp lớn tại TP.HCM luôn chiếm trên 40% lượng hàng lưu thông trên cả nước. Không ai muốn “bán mình” cho các đơn vị khác khi đã ổn định việc kinh doanh. Doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ về tất cả các ngành, lãi suất… để yên tâm sản xuất.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp ngành Cơ khí - Điện TP.HCM cũng đang chật vật phải bán nhà để trả nợ, có doanh nghiệp đàm phán với nước ngoài để tránh vỡ nợ.
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Văn phòng Chính phủ cũng nhận được Báo cáo số 96/2023/TTĐT ngày 20/2/2023 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ báo cáo về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung về ngân hàng rao bán nợ, tài sản đảm bảo.
Theo đó, chỉ trong nửa đầu tháng 2, hàng loạt ngân hàng như Agribank, VietinBank, BIDV, Ngân hàng Quốc dân (NCB), Sacombank... liên tục rao bán các khoản nợ, tài sản đảm bảo để thu hồi và xử lý nợ xấu. Trong đó, tài sản được mang ra đấu giá chủ yếu là bất động sản. Đáng chú ý, bên cạnh các khoản nợ có giá trị lớn từ vài trăm tỷ cho tới cả nghìn tỷ đồng, các nhà băng còn rao bán cả những khoản vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo với giá trị chỉ từ vài chục nghìn đồng.
Theo Công văn số 1251/VPCP-KTTH ngày 28/2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm tra thông tin trên.