May 22, 2022 | 21:18 GMT+7

Thủ tướng yêu cầu Gia Lai dồn lực cho hạ tầng chiến lược để sớm có đường ra biển

Tiến Dũng -

Thủ tướng bày tỏ trăn trở khi Gia Lai chưa phát triển tương xứng với tiềm năng lớn, việc phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông còn bất cập, việc kết nối Gia Lai và Tây Nguyên với khu vực xung quanh, với các cảng biển còn khó khăn...

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP

Sáng 22/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về kết quả phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, đối ngoại và xây dựng hệ thống chính trị từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đến nay; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới; một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai đạt được trong thời gian qua, góp phần vào sự phát triển của cả nước.

NHỮNG ẤN TƯỢNG VÀ TRĂN TRỞ CỦA THỦ TƯỚNG

Dành nhiều thời gian phân tích về những ấn tượng với Gia Lai, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Thủ tướng cho biết ấn tượng lớn nhất là Gia Lai có tiềm năng rất lớn về con người với dân số 1,5 triệu người, đây sẽ là yếu tố giúp Gia Lai phát triển nhanh và bền vững nếu biết phát huy tốt; bề dày, bản sắc truyền thống lịch sử - văn hóa - cách mạng, đoàn kết, thống nhất, yêu nước; điều kiện tự nhiên thuận lợi với diện tích lớn thứ 2 cả nước, đất trồng trọt, trồng cây công nghiệp chiếm diện tích lớn, những tiềm năng về khoáng sản, thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió...

Tỉnh có hệ thống hạ tầng giao thông với các tuyến Quốc lộ 14, 19, 78, 25, đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn, sân bay Pleiku và đường biên giới dài khoảng 90 km với Campuchia cùng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh...

Tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch với thế mạnh nổi trội về sự hấp dẫn của thiên nhiên vùng núi cao với những khu rừng nguyên sinh có hệ động, thực vật phong phú, nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc...

"Như vậy, cả 3 yếu tố của nội lực (con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa) thì Gia Lai đều có thế mạnh, tỉnh có khả năng phát triển nhanh và bền vững. Gia Lai và các bộ, ngành phải trăn trở, suy nghĩ để phát huy tối đa các yếu tố này, biến truyền thống thành nguồn lực, di sản thành tài sản", Thủ tướng nói.

Thủ tướng đánh giá Gia Lai đã đi đúng hướng, đã có đường nét phát triển, phải tạo động lực để tỉnh tăng tốc nhanh hơn, đột phá hơn, bền vững hơn, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định. Đồng thời, thu hút các nguồn lực bên ngoài, coi nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên.

Tuy nhiên, Thủ tướng bày tỏ trăn trở khi Gia Lai chưa phát triển tương xứng với tiềm năng lớn, cơ chế, chính sách còn hạn hẹp.

Cùng với đó, việc phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông còn bất cập, việc kết nối Gia Lai và Tây Nguyên với khu vực xung quanh, với các cảng biển còn khó khăn. Hiện, các dự án giao thông để thực hiện mục tiêu này đang được triển khai.

Trăn trở thứ 3 của Thủ tướng là tỉnh đã có sự tự tin vươn lên từ nội lực nhưng chưa lớn. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị tỉnh cần tự tin hơn, mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn để đi lên, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".

"Tư tưởng phải thông, suy nghĩ phải kỹ, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó", người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Trăn trở thứ 4 của Thủ tướng là các bộ, ngành đã quan tâm tới tỉnh nhưng chưa nhiều, cần phải quan tâm hơn nữa, làm sao để "lãnh đạo các bộ, ngành vào đây nhiều hơn còn lãnh đạo Gia Lai phải ra Trung ương ít hơn".

Cùng với đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp còn hạn chế.

Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ một số quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Thủ tướng đến buổi  làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai - Ảnh: VGP
Thủ tướng đến buổi  làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai - Ảnh: VGP

Trước hết, phải tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; vận dụng, thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả.

Tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, những tồn tại, hạn chế, bất cập, phát huy kết quả đạt được, mô hình hay, cách làm hiệu quả. Những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Những vấn đề chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội.

Phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, vươn lên mạnh mẽ, không trông chờ, không ỷ lại, né tránh; hành động quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, chủ động hơn, sáng tạo hơn, phấn đấu đạt kết quả cao nhất, thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2020 -2025.

Tỉnh cần tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời trong thực thi công vụ; có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ.

DỒN LỰC CHO CƠ SỞ HẠ TẦNG

Nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề trọng tâm.

Trước hết, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh để "khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên, có vị trí quan trọng trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia".

Tập trung triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nhiệm vụ tiêm chủng vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế và mục tiêu của Chính phủ. 

Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP
Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư. Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tập trung phát triển các lĩnh vực trọng điểm: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến năng lượng tái tạo, du lịch chất lượng cao. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 vừa ban hành. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - xây dựng, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông, lâm sản gắn với phát triển, bảo vệ rừng. Nâng cao chất lượng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, tập trung phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư công, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, tỉnh cần mạnh dạn cắt giảm các dự án đầu tư công chưa cần thiết, tránh manh mún, dàn trải, kéo dài, tập trung cho các dự án trọng tâm, trọng điểm, có tính lan tỏa cao... Đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường hợp tác công - tư để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông…

Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục nâng hạng các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp và thu hút doanh nghiệp có tiềm lực trong nước, quốc tế.

Quan tâm thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, dành nguồn lực triển khai chương trình xóa đói giảm nghèo. Đặt con người là yếu tố quyết định, là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển. Làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo, dân vận, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Không ngừng củng cố quốc phòng, an ninh. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường phòng chống ma túy, ngăn ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong tình hình mới. Tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.

Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

"Tỉnh cần tập trung giải quyết cơ chế, chính sách để phát triển, phát triển hạ tầng chiến lược và quan trọng nhất tự tin vươn lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình, tự lực tự cường hơn nữa, phát huy nội lực mạnh hơn nữa", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cho ý kiến về các kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng cho biết Trung ương sẽ cùng với Gia Lai để tìm đối tác triển khai đầu tư cao tốc Pleiku-Quy Nhơn theo hướng dự án hợp tác công tư. Tỉnh thực hiện nhiệm vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tiết kiệm ngân sách, tham gia bố trí nguồn vốn cho dự án này để có đường ra biển nhanh chóng, thuận tiện.

Thủ tướng cũng đồng tình về việc xây dựng cơ chế, chính sách với những địa phương có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng, bảo đảm an ninh lương thực… Tinh thần là tạo điều kiện để địa phương và người dân có sinh kế, phát triển, giàu lên từ rừng, từ an ninh lương thực.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate