Hàng triệu cử nhân trẻ ở Trung Quốc ra trường mỗi năm, nhưng nhiều người trong số đó không tìm được công việc phù hợp với ngành nghề được đào tạo và đành phải làm những công việc như tài xế giao hàng, livestream bán hàng… để kiếm sống. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học thậm chí còn trở thành những “đứa con chuyên nghiệp” - trở về sống cùng cha mẹ, làm việc nhà để được cha mẹ trả tiền.
Nhưng đồng thời cũng có hàng chục triệu vị trí tuyển dụng trong những lĩnh vực như sản xuất, công nghệ thông tin và chăm sóc y tế ở Trung Quốc không tuyển được người làm trong năm nay do thiếu các ứng viên đủ tiêu chuẩn. “Những công việc sản xuất bậc thấp có thể được tự động hóa, nhưng đang xảy ra tình trạng khan hiếm nghiêm trọng lao động ‘cổ cồn xanh’ có kỹ năng như viết code hoặc vận hành máy công cụ” - ôn Dan Wang, Giám đốc công ty nghiên cứu Eurasia Group ở Trung Quốc, nói với Bloomberg.
Theo hãng tin này, tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” khiến giới chức Trung Quốc, từ Chủ tịch Tập Cận Bình, ra sức vận động giới trẻ học nghề thay vì học đại học. Theo học tại các trường nghề chỉ mất thời gian 3 năm và sau khi ra trường, người học sẽ được trang bị các kỹ năng của kỹ thuật viên và vận hành máy móc, kỹ thuật robot, y tá, và vô số công việc khác mà nền kinh tế đang rất cần.
Trung Quốc đang cần các lớp lao động có kỹ năng nối tiếp nhau để duy trì hoạt động của các nhà máy, trong khi cứ 6 người trẻ ở nước này lại có 1 người thất nghiệp. Tính đến tháng 4 này, chỉ có 45% sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2024 tìm được việc làm - theo dữ liệu từ trang web tìm việc Zhaopin Ltd. Đối với sinh viên tốt nghiệp trường nghề - những cơ sở đào tạo thường có mối quan hệ đối tác với các công ty có chương trình thực tập và tuyển dụng sinh viên sau khi ra trường - tỷ lệ tìm được việc đạt 57%.
“Đang có một sự thiếu kết nối giữa thị trường việc làm và hoạt động đào tạo. Sinh viên mới ra trường không muốn làm việc ở nhà máy”, nhà phân tích Kelvin Lam của công ty Pantheon Macroeconomics nhận định.
Học sinh lớp 9 ở Trung Quốc sẽ tham gia một kỳ thi để định hướng sẽ theo học đại học hay học nghề. Những em định hướng lên đại học sẽ tập trung ôn luyện cho kỳ thi đại học, trong khi các em có ý định học nghề sẽ đi theo hướng đào tạo thực tế và thi vào các trường nghề. Cách đây 3 năm, nhằm đẩy mạnh hoạt động đào tạo kỹ năng, Trung Quốc tuyên bố sinh viên đại học hay trường nghề cần được trao cơ hội bình đẳng về giáo dục bậc cao hơn và việc làm. Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn yêu cầu ứng viên phải có bằng cử nhân cho các vị trí tuyển dụng tốt hơn.
Trung Quốc hiện có khoảng 20 triệu sinh viên theo học tại 1.300 trường đại học và 17 triệu sinh viên theo học tại hơn 1.500 trường nghề. Chính phủ nước này chủ trương tăng số trường dạy nghề và đưa các trường nghề của nước này lên vị trí “dẫn dầu thế giới” vào năm 2035. Học phí đại học và trường nghề ở Trung Quốc về cơ bản không có sự khác biệt, đều ở mức khoảng 6.000 nhân dân tệ (827 USD) mỗi năm đối với trường công và ít nhất gấp đôi số này đối với các trường tư.
Bởi vậy, rất khó để thuyết phục các bậc cha mẹ cho con họ trường nghề vì họ có quan niệm lâu nay rằng trường nghề chỉ là đích đến dành cho những học sinh không có năng lực. Trong lịch sử hàng nghìn năm của Trung Quốc, mục đích của việc học là đỗ đạt và làm quan. Học sinh trung học ở Trung Quốc dành phần lớn thời gian để ôn luyện cho “cao khảo” - kỳ thi cực kỳ căng thẳng hàng năm - để có tấm vé vào đại học. Những em đạt điểm cao nhất trong kỳ thi này sẽ được tuyển vào những trường đại học top đầu, trong khi những em được điểm thấp hơn chỉ vào được các trường nhóm dưới hoặc trường nghề.
Ngoài ra, triển vọng thu nhập cũng là một vấn đề. Mức lương bình quân của lao động có bằng cử nhân sau 3 năm ra trường là 10.168 nhân dân tệ/tháng, cao hơn khoảng 1/3 so với lao động tốt nghiệp trường nghề - theo công ty tư vấn giáo dục Mycos. “Hầu hết các bậc cha mẹ cho rằng một trường học tốt là ngôi trường đòi hỏi sinh viên phải dậy vào lúc 6h sáng vào học cho tới 11h tối. Nếu tôi nói với họ sinh viên có thể chơi tại trường hoặc theo đuổi đam mê, cha mẹ sẽ cảm thấy lo lắng”, Hiệu trưởng Li Ruyuan của trường nghề Handan Lingchuang thuộc tỉnh Hà Bắc nói.
Ông Tập gọi những người thợ lành nghề là “hòn đá tảng” của đất nước và muốn phát triển danh tiếng của các trường nghề ở Trung Quốc. Tuy nhiên, quan niệm của người dân nước này chậm thay đổi. Năm 2021, Bắc Kinh đề xuất sáp nhập một số cơ sở đào tạo đại học vì lợi nhuận với trường nghề, nhưng đề xuất này vấp phải sự phản đối của sinh viên đại học ở một số tỉnh do lo ngại việc sáp nhập như vậy sẽ khiến tấm bằng đại học của họ giảm giá trị.
Hiện tại, chỉ có một vài trường nghề của Trung Quốc có được danh tiếng trong nước ngang hàng với 4 trường đại học uy tín nhất ở nước này. Trường Đại học Bách khoa Thẩm Quyến, một trường nghề nổi tiếng, thường được gọi là “tiểu Thanh Hoa” - theo tên của Đại học Thanh Hoa, ngôi trường mà nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của nước này từng theo học, bao gồm ông Tập. Thành công của Bách khoa Thẩm Quyến một phần nằm xuất phát từ mối quan hệ mật thiết của trường này với các công ty trong nước như Huawei, và uy tín của trường trong việc hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của sinh viên đã thu hút được những sinh viên lẽ ra đã có thể theo học tại một đại học top đầu.
“Sinh viên ở đây khởi nghiệp ngay từ khi đang học, và giáo viên của trường có các dự án nghiên cứu của riêng họ. Tôi thực sự không cần bằng cấp cao để có được cuộc đời mà tôi mong muốn”, Zoe Chen, một sinh viên Bách khoa Thẩm Quyến, phát biểu.