Địa phương cho biết cả 4 mỏ đều chưa có kết quả thăm dò khoáng sản nhưng đã có tài nguyên dự báo, gồm 2 mỏ đất làm vật liệu san lấp và 2 mỏ đất sét làm gạch ngói.
Cụ thể, 2 mỏ đất làm vật liệu san lấp là: mỏ đất tại khu vực thôn Hiền Sỹ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền với diện tích 19,18ha, tài nguyên dự báo 2.000.000 m3, giá khởi điểm 1.786.779.000 đồng, tiền đặt trước tạm tính 268.016.850 đồng. Còn mỏ đất khu vực xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc diện tích 7,34ha, tài nguyên dự báo 1.000.000m3, giá khởi điểm 893.389.000 đồng, tiền đặt trước tạm tính 134.008.425 đồng
Hai mỏ đất sét làm gạch ngói: tại khu vực 1 Mỏ đất sét 2, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy diện tích 15,3ha, tài nguyên dự báo 500.000m3, giá khởi điểm 3.453.975.000 đồng; tại khu vực 2 Mỏ đất sét 2, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy diện tích 14,7ha, tài nguyên dự báo là 400.000m3, giá khởi điểm 2.763.180.000 đồng, tiền đặt trước tạm tính 414.477.000 đồng.
Theo địa phương, 4 khu vực mỏ này chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Sau khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản và được UBND tỉnh cấp phép hoạt động khoáng sản thì tổ chức, cá nhân trúng đấu giá có trách nhiệm thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất và hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng thông tin thêm, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện rất nhiều mỏ, điểm khoáng sản với ước tính khoảng 25 loại khoáng sản, tài nguyên nước dưới đất, phân bố đều khắp. Trong đó, chiếm tỷ trọng đáng kể, đồng thời có giá trị kinh tế là khoáng sản phi kim loại và nhóm vật liệu xây dựng.
Còn nhóm khoáng sản nhiên liệu chủ yếu có than bùn, phân bố từ Phong Điền ở phía Bắc đến Phú Lộc ở phía Nam, với nhiều mỏ trữ lượng lớn, chất lượng tốt và điều kiện khai thác thuận lợi tập trung ở khu vực xã Phong Chương, huyện Phong Điền. Hiện tại than bùn ở đây được khai thác để chế biến phân hữu cơ vi sinh. Ngoài ra, nhóm khoáng sản kim loại có sắt, titan, chì, kẽm, vàng, thiếc... trữ lượng nhìn chung không lớn.
Bên cạnh đó, tài nguyên nước dưới đất cũng khá phong phú, bao gồm cả nước nhạt và nước khoáng nóng được phân bố tương đối đều trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện một số nguồn nước khoáng nóng ở Thừa Thiên-Huế có thể sử dụng để uống và chữa bệnh.