July 06, 2023 | 14:00 GMT+7

Thừa Thiên Huế: GRDP 6 tháng tăng trưởng dẫn đầu Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung

Ngô Anh Văn -

Sáu tháng đầu năm 2023, tuy gặp nhiều khó khăn, song kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. GRDP bình quân ước đạt 6,51%, dẫn đầu trong 5 tỉnh/thành Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, cao hơn mức bình quân chung của cả nước...

Festival Huế - Lễ hội đặc sắc được hàng ngàn người dân và du khách tham gia.
Festival Huế - Lễ hội đặc sắc được hàng ngàn người dân và du khách tham gia.

Theo số liệu của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân ước đạt 6,51%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước, dẫn đầu trong 05 tỉnh/thành Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, xếp thứ 25/63 tỉnh/thành cả nước; đứng thứ 08/14 tỉnh/thành vùng Bắc trung bộ và duyên hải Miền Trung.

Đóng góp vào sự tăng trưởng cao là lĩnh vực dịch vụ với mức tăng trưởng mạnh trở lại, tăng 8,35%, cao so với mức  7,89% của  cùng kỳ năm 2022, chiếm 49,7% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong khi đó, ngành du lịch có nhiều khởi sắc, lượng khách và doanh thu từ du lịch tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. 

Khu vực nông, lâm, thủy sản tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, sản xuất nông nghiệp được mùa toàn diện; tăng trưởng 9,48% (tăng mạnh so với mức tăng cùng kỳ âm 7,5%), chiếm tỷ trọng 11,8%.

Lĩnh vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,29%; trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 325 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ; chiếm 7,8% trong cơ cấu kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động du lịch của tỉnh đang phục hồi mạnh mẽ, từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2023, Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ- một trong 6 chương trình trọng điểm của tỉnh. Các chương trình kích cầu du lịch thông qua nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa đặc sắc được tổ chức đã góp phần phục hồi, thúc đẩy hoạt động du lịch Thừa Thiên Huế phát triển, sớm tăng trưởng trở lại.

Theo ông Phương, điểm sáng trong hoạt động du lịch năm nay là tỉnh đã tổ chức thành công tuần Lễ Festival nghề truyền thống Huế 2023, đã thu hút tổng du khách đến Huế riêng trong tuần Lễ ước đạt 120 ngàn lượt, khách lưu trú ước đạt 65,3 ngàn lượt (trong đó gần 25,5 ngàn khách quốc tế), đạt doanh thu ước đạt 194 tỷ đồng…

Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế ước đạt khoảng hơn 1.640 ngàn lượt người, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022; trong đó khách nội địa đạt khoảng 1.072 ngàn lượt, tăng 52,6 % so với cùng kỳ năm 2022; khách quốc tế đạt khoảng 567 ngàn lượt, gấp 44,8 lần so với cùng kỳ năm 2022. Khách lưu trú ước khoảng 845 ngàn lượt, tăng 93,82% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ du lịch 6 tháng ước đạt khoảng 3.494 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Lễ hội đường phố Huế thu hút đông đảo khách quốc tế tham gia
Lễ hội đường phố Huế thu hút đông đảo khách quốc tế tham gia

Nhờ du lịch phát triển sôi động, kéo theo các hoạt động thương mại, dịch vụ ăn uống, mua sắm hàng hóa tăng lên. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội 6 tháng qua trên địa bàn Thừa Thiên Huế ước đạt 28.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh doanh bán lẻ hàng hóa đạt 22.400 tỷ đồng, chiếm 80%, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2022; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 5.058 tỷ đồng, tăng 39,6%.

Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật thương mại cũng như hệ thống chợ của Thừa Thiên Huế đã được nâng cấp, cải tạo, các siêu thị, trung tâm thương mại được đầu tư xây dựng và phát triển khá toàn diện, bảo đảm lưu thông phân phối hàng hóa,  đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của người dân địa phương và du khách. 

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại từ truyền thống đến thương mại điện tử; thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn tỉnh đã có 56 sản phẩm được đánh giá, công nhận và phê duyệt kết quả chấm điểm theo tiêu chí sản phẩm OCOP; trong đó 17 sản phẩm đạt 4 sao (30,3%), 35 sản phẩm đạt 3 sao (62,6%), 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, phân hạng (7,1%). Năm 2023, có 53 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Hiện các chủ thể đang triển khai phương án sản xuất kinh doanh, hoàn thiện sản phẩm, chuẩn bị hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng OCOP. Dự kiến cuối năm có ít nhất 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm, tỉnh đã hình thành một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP (huyện Quảng Điền 2 điểm, TP. Huế 2 điểm, Phú Vang có 1 Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, ...); đồng thời phối hợp tổ chức một số hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP như: xây dựng các gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động du lịch như: Lễ hội Cầu ngói Thanh toàn, Festival Huế, Chợ phiên Nam Đông và các sự kiện lớn tại một số tỉnh miền Trung.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate