Kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố trong tháng 5/2021 cho biết, tại Thừa Thiên Huế, chất lượng quy hoạch chưa cao, kế hoạch sử dụng đất chưa sát với thực trạng tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương dẫn tới một số chỉ tiêu được phê duyệt và thực tế thực hiện chưa đạt yêu cầu. Các cơ sở nhà đất công do địa phương quản lý còn nhiều nhưng chậm được xử lý, để hoang hóa làm lãng phí nguồn lực nhà nước.
QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI CÒN TUỲ TIỆN
Bên cạnh đó, việc mua bán tài sản gắn liền với đất, giao đất, cho thuê đất..,. cho một số trường hợp chưa đúng với quy định. Việc cho phép hoán đổi 07 hộ có đất ở từ khu Lò Gạch (cũ) sang khu quy hoạch Tổ 9, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy chưa phù hợp, xác định giá chưa đúng, làm thất thu ngân sách 1.108,302 triệu đồng; Việc phân lô tổ chức bán đấu giá 18 lô đất tại xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy chưa minh bạch, có dấu hiệu dàn xếp; UBND thành phố Huế bán chỉ định lô đất A7, thành phố Huế có diện tích 195,2 m2 thuộc quỹ đất trong kế hoạch đấu giá cho ông Huỳnh Cư, Bí thư Thành ủy thành phố Huế là thể hiện sự tuỳ tiện, làm thất thu ngân sách nhà nước.
Việc quản lý sử dụng đất sau cổ phần hóa của Công ty Cổ phần In tại 57 Bà Triệu, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư tại 93 An Dương Vương, Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang tại 101 Hùng Vương, Công ty Cổ phần Thương mại Huế tại 209 đường Trần Hưng Đạo, Công ty Cổ phần Xây lắp Thừa Thiên Huế tại 23 Hà Nội và 09 Phạm Văn Đồng chưa đúng mục đích sử dụng đất theo quyết định giao đất, cho thuê đất, hợp đồng thuê đất, vi phạm Luật Đất đai nhưng chậm được xử lý.
Việc bán đấu giá 05 cơ sở nhà đất công, thành phố Huế căn cứ vào giá đất năm 2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất mà không xác định giá đất cụ thể làm căn cứ xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất đối với các cơ sở nhà đất là vi phạm quy định tại Nghị định số 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Ủy ban nhân dân thành phố Huế bán chỉ định 03 lô đất xen ghép không thông qua đấu giá vi phạm Luật Đất đai 2013, xác định giá đất để giao đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá đất.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước cũng còn một số tồn tại, thiếu sót, vi phạm.
Hầu hết các dự án được kiểm tra không lập tiến độ thi công chi tiết, nhật ký thi công ghi chép sơ sài không đầy đủ nội dung theo quy định, quá trình thi công kéo dài, chậm hoàn thành đưa vào sử dụng... đã làm giảm hiệu quả đầu tư. Cá biệt dự án văn phòng làm việc các Ban của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và dự án Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Lập An chất lượng thi công không đảm bảo, mới đưa vào sử dụng đã có biểu hiện xuống cấp, hư hỏng.
Cụ thể, công tác lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán còn hạn chế, chưa đảm bảo yêu cầu về tính khả thi và tính hiệu quả của dự án dẫn tới nhiều dự án trong quá trình thi công phải xử lý, điều chỉnh phát sinh nhiều lần, làm tăng giá trị gói thầu, kéo dài thời gian thi công, làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án và gây bức xúc cho người dân.
Công tác quản lý chất lượng, quản lý tiến độ thì chưa được quan tâm đúng mức.
Việc tổ chức đấu thầu một số dự án, công trình kém hiệu quả, tỷ lệ giảm giá qua đấu thầu quá thấp (giảm dưới 0,1%), giá trúng thầu thường sát giá gói thầu, không đạt mục tiêu tiết kiệm vốn cho ngân sách. Qua thực tế thấy, đấu thầu qua mạng minh bạch, mang lại hiệu quả nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Một số chủ đầu tư mời thầu không thực hiện công khai đầy đủ thông tin, không đăng tải Kế hoạch đấu thầu theo quy định.
Công tác quản lý hợp đồng, thi công xây lắp, công tác nghiệm thu, thanh quyết toán tại 24 dự án, công trình được thanh tra còn để xảy ra các vi phạm, như: tính toán khối lượng chưa chính xác, nghiệm thu sai thực tế thi công, áp dụng định mức, đơn giá, biện pháp thi công chưa phù hợp làm tăng chi phí đầu tư; điều chỉnh, gia hạn hợp đồng không đúng quy định...
Đến thời điểm thanh tra vẫn còn 487 dự án (chiếm 35% tổng số dự án hoàn thành) sau khi bàn giao đưa vào sử dụng chậm nộp báo cáo quyết toán, chậm phê duyệt quyết toán từ dưới 6 tháng đến trên 24 tháng. Một số dự án đã được tạm ứng, thanh toán vượt so với số quyết toán nhưng vẫn chưa thu hồi hoàn trả ngân sách nhà nước số tiền là 4.582,57 triệu đồng.
Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát, nắm bắt tiến độ, tình hình thực hiện các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách còn chưa được thường xuyên, kịp thời, còn có biểu hiện buông lỏng quản lý ở một số dự án. Thiếu kiên quyết trong việc xử lý đối với các dự án chậm tiến độ, các dự án đã được điều chỉnh gia hạn nhiều lần nhưng không hoàn thành...
ĐỀ XUẤT HÌNH THỨC XỬ LÝ VỚI QUAN TỈNH
Từ những nội dung kết luận nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp đối với Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phụ trách tỉnh Thừa Thiên Huế; chỉ đạo làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan theo phân cấp cán bộ đã để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm nêu trong kết luận thanh tra.
Ngoài ra, yêu cầu Chủ tịch tỉnh căn cứ kết luận thanh tra, tiến hành chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có liên quan tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân để xảy ra thiếu sót, tồn tại, vi phạm và tập trung giải quyết, chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, thiếu sót, tồn tại đã được nêu trong kết luận thanh tra; Giao các cơ quan chức năng xử lý số tiền vi phạm phát hiện qua thanh tra với tổng số tiền là 401.720,45 triệu đồng và 1.219 USD;
Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, xác định lại giá thu tiền sử dụng đất cho sát giá thị trường đối với 03 thửa đất được giao không thông qua đấu giá tại thành phố Huế, tránh để thất thu ngân sách; Chỉ đạo hủy kết quả đấu giá 08 lô đất tại xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy và xử lý dứt điểm các vi phạm về sử dụng đất, trật tự xây dựng liên quan đến khu đất này; Kiểm tra, rà soát việc thực hiện đối với các dự án có diện tích đất được cho thuê không thông qua đấu giá, tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo tỉnh cũng cần kiểm tra, rà soát và có biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa sử dụng không đúng mục đích thuê đất; Rà soát, xem xét chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với 29 dự án chậm tiến độ kéo dài nhiều năm, chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, chưa triển khai đầu tư; Rà soát, xử lý chấm dứt hoạt động một phần đối với 04 dự án trong khu kinh tế do vi phạm quy định tại Luật Đầu tư 2014.
Uỷ ban nhân dân tỉnh cần căn cứ năng lực của chủ đầu tư, kiểm tra lại tiến độ, yêu cầu cam kết thời hạn hoàn thành dự án, trường hợp vi phạm cam kết, kiên quyết chấm dứt hoạt động, thu hồi đất theo quy định đối với 19 dự án chậm tiến độ, nhưng do chưa hết thời hạn đầu tư hoặc đầu tư dở dang; Rà soát để có biện pháp xử lý phù hợp, đúng pháp luật đối với 33 dự án có thời điểm buông lỏng quản lý, không theo dõi, quản lý tiến độ; Tiến hành rà soát, có biện pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật đối với 13 dự án, qua kiểm tra, xác minh có các vi phạm, tồn tại cần được xử lý và 14 trường hợp có hiện tượng chuyển nhượng dự án.
Cùng với đó là truy thu tiền thuê đất theo quy định đối với 35 trường hợp hết thời gian ổn định giá đất, chưa được điều chỉnh đơn giá thuê đất; Kiểm tra, chấn chỉnh công tác đấu thầu, đấu giá trên địa bàn toàn tỉnh, có biện pháp hữu hiệu để đưa công tác đấu thầu, đấu giá vào nề nếp, công khai, minh bạch, hiệu quả; Chấn chỉnh công tác lập, thẩm tra, thẩm định dự án, thiết kế, dự toán công trình; xử lý trách nhiệm chủ đầu tư chậm quyết toán các dự án hoàn thành theo quy định.
Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm trong đấu thầu, có hình thức xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan tới việc chỉ định thầu vượt hạn mức vi phạm luật Đấu thầu. Chỉ đạo chấm dứt việc cho thuê nhà đất theo hình thức chỉ định trên địa bàn thành phố Huế và quản lý, sử dụng nhà đất đảm bảo quy định của pháp luật...