Từ tối ngày 12 đến ngày 13/10, tại Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to, khiến nhiều nơi bị ngập nước. Để chủ động ứng phó mưa lũ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Công điện số 02/CĐ-UBND.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ (chú ý các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ đang mang thai, người già yếu…). Chú ý các khu vực đồi núi, khu vực có nguy cơ sạt lở cao như: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc; các hộ dân ven sông Hương, sông Bồ.
Kiểm tra công tác dự trữ vật tư, phương tiện, hàng hóa thiết yếu, nhất là tại khu vực thường xuyên xảy ra chia cắt khi mưa lũ lớn, vùng sâu, vùng xa; tuyên truyền người dân thực hiện tốt việc dự trữ tại chỗ.
Kiểm tra, rà soát khu tránh trú bão phục vụ các tàu, thuyền thủy sản; công tác đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền vận tải khi có mưa lũ. Chỉ đạo, kiểm tra các chủ đầu tư xây dựng công trình bảo đảm an toàn trong thiên tai, khắc phục tình trạng ngập úng đô thị khi mưa lớn.
Phân công lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt; cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các ngầm, tràn khi xảy ra lũ lụt; quản lý chặt chẽ các ghe, thuyền bãi ngang ven biển, đầm phá và trên các sông; nghiêm cấm người dân đi vào rừng khi có mưa lũ.
Kiểm tra công tác chuẩn bị, triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại cấp xã theo phương châm 4 tại chỗ “ Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Phương tiện, vật tư tại chỗ; Hậu cần tại chỗ”.
Thường xuyên báo cáo tình hình triển khai ứng phó mưa lũ về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn theo quy định.
Ban Chỉ huy, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức theo dõi diễn biến thiên tai, tham mưu, chỉ đạo ứng phó thiên tai theo thẩm quyền. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương cấp huyện triển khai phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ.
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai rà soát, cập nhật báo cáo tình hình triển khai ứng phó mưa lũ.
Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với bão, lũ của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; chỉ đạo Trung tâm Giám sát, Điều hành đô thị thông minh ứng dụng công nghệ thông tin như: Hue-S, tổng đài 19001075, truyền thanh thông minh phục vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Sở Công Thương Thừa Thiên Huế kiểm tra công tác phòng, chống bão lụt, bảo đảm an toàn đối công trình thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, nhất là hồ đập thủy điện, hệ thống cung cấp, truyền tải điện; kiểm tra việc dự trữ tại các Doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng để phục vụ nhân dân trong mọi tình huống thiên tai, bão lũ, sạt lở, chia cắt, cô lập.
Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các công trình đang thi công xây dựng, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông, suối, kênh, sườn dốc; kiểm tra, rà soát công tác quản lý đô thị và hoạt động xây dựng để hạn chế xảy ra sự cố sạt lở, sớm khắc phục tình trạng ngập úng tại các đô thị, khu dân cư khi mưa lớn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, không để xảy ra sự cố bất ngờ gây thiệt hại về tính mạng của nhân dân. Rà soát phương án đảm bảo an toàn ao nuôi thuỷ sản, lồng bè, khu neo đậu tránh trú bão, các cơ sở chăn nuôi, diện tích hoa màu.
Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế rà soát, cập nhật phương án phòng, chống thiên tai ngành giáo dục và đào tạo; chỉ đạo các trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên và giáo viên khi có thiên tai xảy ra.
Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên Huế chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất; chỉ đạo các nhà thầu thi công có phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công: cầu Nguyễn Hoàng, cầu cửa Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây,… chống va trôi tàu thuyền, sà lan đang thi công ảnh hưởng đến an toàn các công trình cầu đường bộ, đường sắt xung yếu trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị vận tải, nhà ga tàu hỏa, sân bay quốc tế Phú Bài, bến xe, bến thuyền xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tư, an toàn tính mạng, tài sản, đảm bảo lương thực, nước uống cho hành khách với các tình huống.