Kiểm toán Nhà nước vừa đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Cục Thuế thực hiện truy thu hơn 300 triệu đồng đối với doanh nghiệp khai thác mỏ khoáng sản lộ thiên trên địa bàn tỉnh khi tính phí bảo vệ môi trường.
Trước đó, qua kiểm tra hoạt động trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 2 thuộc Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhân hệ số K sai quy định.
Cụ thể, các doanh nghiệp này khi tính phí bảo vệ môi trường không nhân hệ số K = 1,1 đối với các mỏ khai thác lộ thiên. Do đó đã tính và nộp phí bảo vệ môi trường thiếu so với quy định hiện hành.
Trong giai đoạn 2017-2022, có 10 doanh nghiệp đã kê khai sai hệ số K trong tính phí bảo vệ môi trường, với số phí phải nộp thiếu của 10 doanh nghiệp là gần 310 triệu đồng.
Theo Cục Thuế Thừa Thiên Huế, ngay sau khi nhận được thông báo của cơ quan kiểm toán, Cục Thuế Thừa Thiên Huế đã triển khai các bước truy thu, yêu cầu các doanh nghiệp đóng thiếu nghiêm chỉnh chấp hành kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Đến nay, 9/10 lượt doanh nghiệp bị nhắc tên đã hoàn thành việc nộp tiền cho cơ quan thuế, với số tiền gần 240 triệu đồng.
Riêng Công ty Cổ phần Xây dựng 939 (địa chỉ tại đường Tam Thai, TP Huế), hiện nay cơ quan thuế vẫn chưa liên lạc được vì đã tạm ngưng hoạt động tại địa chỉ đăng ký và đã được thông báo “mất tích” trên hệ thống trước thời điểm Kiểm toán Nhà nước kiểm tra. Tuy nhiên, dù doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Do đó, cơ quan thuế vẫn đang theo dõi nợ và tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định.
Bên cạnh yêu cầu truy thu tiền phí bảo vệ môi trường còn thiếu, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Cục Thuế tỉnh kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc chưa kiểm tra, phát hiện kịp thời dẫn đến các doanh nghiệp khi tính phí bảo vệ môi trường không nhân hệ số K=1,1 đối với các mỏ khai thác lộ thiên theo quy định, do đó đã tính và nộp phí thiếu theo quy định.
Liên quan đến công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh này, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa công bố quyết định về thanh tra việc cấp phép, quản lý, khai thác mỏ khoáng sản đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các đơn vị khai thác khoáng sản và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Quyết định thanh tra nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thời hạn cuộc thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Đoàn thanh tra và các thành viên Đoàn Thanh tra; Quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra; dự kiến kế hoạch làm việc của Đoàn thanh tra; các nội dung khác liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra.
Theo đó, thời kỳ thanh tra từ năm 2017 đến năm 2022 (bao gồm các đơn vị được cấp phép khai thác từ năm 2017 đến 2022 và các đơn vị được cấp phép trước năm 2017 nhưng vẫn còn khai thác trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2022). Trong trường hợp cần thiết, có thể thanh tra trước và sau thời kỳ đó.
Thời hạn thanh tra 5 ngày làm việc/đơn vị (không kể ngày nghỉ, lễ) từ ngày thông báo thanh tra trực tiếp tại đơn vị.
Nội dung thanh tra gồm: thanh tra việc cấp phép, quản lý, khai thác mỏ khoáng sản đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Các cơ quan thanh tra thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ đất làm vật liệu san lấp.
Cùng với đó, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, chuyển mục đích sử dụng rừng trong quá trình cấp phép khai thác các mỏ đất làm vật liệu san lấp; Việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác các mỏ đất làm vật liệu san lấp; Việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan.
Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các đơn vị được thanh tra cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Đoàn thanh tra và bảo đảm giữ bí mật thông tin, số liệu khi chưa có kết luận thanh tra; phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn thanh tra hoàn thành nhiệm vụ.