Tại phiên chất vấn sáng 5/6 liên quan đến các vấn đề thuộc ngành kiểm toán, một đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi: Thông tin đại chúng cho thấy nhiều công ty kiểm toán đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của SCB, tuy nhiên không phát hiện ra được dấu hiệu bất thường tại ngân hàng này, nhiều cử tri đã đặt câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của hoạt động kiểm toán. Xin Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước đối với các vụ việc như SCB trong thời gian vừa qua?
Trả lời câu hỏi này, Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết SCB bị truy tố và xét xử với 3 tội danh. Một là, thao túng thị trường chứng khoán; hai là chiếm đoạt tài sản; ba là nhận và đưa hối lộ.
Việc này không liên quan gì đến Kiểm toán nhà nước, vì họ không thuộc đối tượng, không thuộc phạm vi và theo quy định của Luật Kiểm toán đây là công ty đại chúng và SCB thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm toán độc lập, trách nhiệm này thuộc về các doanh nghiệp kiểm toán độc lập đã cung cấp dịch vụ kiểm toán với kiểm toán báo cáo của SCB.
Khi kiểm toán về Ngân hàng Nhà nước thì Kiểm toán nhà nước mặc dù không kiểm toán SCB nhưng đã kiến nghị và lưu ý đối với SCB.
Còn đối với kiểm toán độc lập giai đoạn 2012-2016, SCB đã thuê công ty kiểm toán nước ngoài là Ernst & Young thực hiện kiểm toán và năm 2017-2019 là công ty kiểm toán Deloitte, đến giai đoạn 2020-2022 thì công ty kiểm toán KPMG thực hiện.
Như vậy, trong quá trình thực hiện kiểm toán này có những thiếu sót, có những sai phạm hay có những vấn đề mà cơ quan điều tra và các cơ quan công tố đã điều tra xử lý vụ án.
"Trong thời gian sắp tới, với vai trò chức năng, nhiệm vụ và phạm vi công tác của mình được Chính phủ giao và luật định chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập để phục vụ cho dịch vụ kiểm toán của các cơ quan, đơn vị cũng như các doanh nghiệp", ông Ngô Văn Tuấn nói.
Đối với vụ án tiêu cực của Tập đoàn Phúc Sơn và Tập đoàn Thuận An, Tổng kiểm toán Nhà nước cho biết có sai sót trong đấu thầu.
"Tôi khẳng định 2 đơn vị này là doanh nghiệp không có vốn nhà nước, họ không phải là đơn vị được kiểm toán nhà nước. Còn xét về giác độ đơn vị có liên quan thì họ liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công với tư cách là nhà thầu hoạt động của Kiểm toán nhà nước chúng tôi kiểm toán ở đơn vị chủ đầu tư và ban quản lý dự án, trong quá trình kiểm toán ở đây chúng tôi thực hiện cả 3 nội dung Kiểm toán nhà nước", Tổng kiểm toán Nhà nước cho hay.
Thứ nhất là đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính.
Thứ hai là đánh giá, xác nhận việc tuân thủ pháp luật trong thực hiện, trong đấu thầu, trong đầu tư xây dựng cơ bản và xác nhận tính hiệu quả trong đầu tư tài chính công, tài sản công.
Vì trong việc kiểm toán chấp hành pháp lệnh về đấu thầu, trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do đơn vị được kiểm toán là ban quản lý dự án và chủ đầu tư cung cấp, Kiểm toán tiến hành thu thập bằng chứng để phục vụ cho việc kết luận của mình về tính trung thực, tính đúng đắn của báo cáo tài chính. Chính vì thế trong quá trình thực hiện kiểm toán độc lập thì sẽ xét toàn bộ quá trình.
Riêng về lựa chọn nhà thầu thì xem thứ nhất là việc chấp hành gói thầu có đúng không, thứ hai là hồ sơ thầu, thứ ba là chấm thầu, thứ tư là ký kết hợp đồng với nhà thầu. Vì trong quá trình kiểm toán đã chỉ ra được những sai sót và có kiến nghị xử lý, từ xử lý tài chính đến hoàn thiện văn bản và đặc biệt xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn Quảng Bình đặt câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của các vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn và Tập đoàn Thuận An và các giải pháp, vai trò kiểm toán để khắc phục tình trạng này?
Tổng kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh một lần nữa, Tập đoàn Phúc Sơn bị khởi tố liên quan đến việc chấp hành pháp luật về kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng, điều này hoàn toàn không liên quan gì đến hoạt động của Kiểm toán nhà nước, còn Tập đoàn Thuận An có vi phạm về pháp luật, về đấu thầu.
Hoạt động của Kiểm toán nhà nước đối với các dự án này là hoạt động kiểm toán tuân thủ, đánh giá sự tuân thủ pháp luật và nội quy, quy chế của đơn vị được kiểm toán. Trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do đơn vị được kiểm toán là chủ đầu tư, nhà thầu cung cấp, Kiểm toán Nhà nước rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện pháp luật và cũng đưa ra các kiến nghị.
Để kiểm toán có thể tham gia sâu hơn vào quá trình điều tra, thuật ngữ "kiểm toán điều tra" đã đề cập từ năm 1946 trong các diễn đàn của cơ quan kiểm toán, Hiệp hội Kiểm toán quốc tế, các cơ quan kiểm toán án tối cao (INTOSAI) và đến nay gần 80 năm mới dừng ở mức độ tranh luận xem Kiểm toán có nên thực hiện thêm chức năng điều tra hay không, có điều tra mới phát hiện được, đi đến cùng được hành vi phạm tội và truy tố.
Hiện nay mới có rất ít các cơ quan kiểm toán tối cao ở các nước phát triển thực hiện chức năng này, cơ quan Kiểm toán tối cao quốc tế cũng chưa bao giờ có hướng dẫn gì về việc này.
"Với giác độ Kiểm toán nhà nước Việt Nam, chúng tôi cố gắng hoàn thành tròn chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận kiến nghị theo quy định của pháp luật và theo đúng lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đúng vai, thuộc bài thì không bao giờ sai", ông Tuấn nhấn mạnh.