Ông Conor McNamara, Tổng giám đốc Amazon Web Services (AWS) khu vực Đông Nam Á nhấn mạnh điều này khi chia sẻ về hiện trạng ứng dụng điện toán đám mây ở Việt Nam và khu vực, cũng như cách các doanh nghiệp ứng dụng đám mây để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
3 LÝ DO ĐỂ DOANH NGHIỆP CHUYỂN SANG ĐÁM MÂY
Thị trường điện toán đám mây được những chuyên gia trong ngành dự đoán sẽ bùng nổ phát triển, đặc biệt, đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu về ứng dụng công nghệ trong kinh doanh của doanh nghiệp trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Hiện nay ngày càng có nhiều doanh nghiệp chuyển sang sử dụng môi trường đám mây. Thực tế này được ghi nhận bởi những hãng cung cấp nền tảng công nghệ đám mây.
Ông Conor thông tin, kinh doanh của AWS trong thời gian qua tại khu vực Đông Nam Á rất ổn định và mạnh mẽ. “Chúng tôi tăng trưởng ổn định trong tất cả các phân khúc khách hàng gồm doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty mới khởi nghiệp (start-up) cũng như các nhà phát triển ứng dụng phần mềm”, đại diện hãng công nghệ này cho biết.
Đơn cử như trong phân khúc doanh nghiệp như các nhà mạng viễn thông, AWS đã chứng kiến các hoạt động hợp tác với Singtel tại Singapore, với Maxis tại Malaysia, với Globe Telecom ở Philippines hoặc với các tổ chức tài chính như DBS ở Singapore, TNEX và VIB ở Việt Nam … Đặc biệt, có một số start-up đã sử dụng điện toán đám mây của AWS từ lâu và hiện nay đã trở thành các kỳ lân công nghệ như Grab, Traveloka, Gojek…
Thực tế, có rất nhiều lý do, lợi ích lớn mang lại để các doanh nghiệp chuyển sang sử dụng môi trường đám mây. Tuy nhiên, theo ông Conor, trước hết, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp chuyển đổi nhanh chóng mô hình kinh doanh, đồng thời nâng cao độ ổn định của doanh nghiệp. Ví dụ như TNEX ở Việt Nam đã chuyển mô hình hoạt động lrên môi trường đám mây nên không bị ảnh hưởng bởi đại dịch, phục vụ những khách hàng chưa được thụ hưởng dịch vụ ngân hàng đầy đủ.
Thứ hai là điện toán đám mây có thể giúp hạ thấp chi phí, đặc biệt phí bảo trì, bảo dưỡng. Minh chứng là start-up NAB (Not A Basement Studio) của Việt Nam có thể rút ngắn thời gian triển khai nội dung từ 4 ngày xuống còn vài giờ với chi phí bảo trì, bảo dưỡng giảm tới 50%.
Thứ ba là là khả năng mở rộng. Ví dụ Trans - đơn vị cung cấp dịch vụ hội nghị truyền hình trên nền tảng đám mây AWS đã có thể phát triển từ 1.000 lên 450.000 thuê bao khách hàng trong vài ngày khi đại dịch diễn ra. Hoặc như chuỗi cắt tóc 30Shine với 80 salon ở 20 thành phố trên toàn quốc và 1 chi nhánh tại Thái Lan đã sử dụng nền tảng đám mây để mở rộng và tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng.
ỨNG DỤNG THẾ NÀO CHO PHÙ HỢP VÀ HIỆU QUẢ?
Theo đánh giá của AWS thì hiện tại mới có 4% tải công việc và những ứng dụng đang chạy trên môi trường đám mây công cộng. Điều đó cũng có nghĩa tiềm năng thị trường vẫn còn rất lớn với các nhà cung cấp dịch vụ.
Việt Nam được coi là một thị trường quan trọng và tiềm năng, đại diện AWS nhấn mạnh, với những chính sách về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho hệ sinh thái phát triển, trong đó có cả các yếu tố phát triển doanh nghiệp số.
Trong hành trình này, điện toán đám mây là một trong những công nghệ nổi bật, cốt lõi để giúp doanh nghiệp thành công. Trước đây các công ty lớn đã thành công nhờ tiếp cận đám mây như Netflix, Grab… nhưng trong tương lai sẽ có nhiều công ty đến từ Việt Nam.
Để hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng đám mây hơn nữa ở Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng, khai thác lợi thế công nghệ số, phát triển kinh doanh, ông Conor cho biết AWS đã và đang đầu tư vào phát triển đối tác, dịch vụ và hạ tầng cho thị trường Việt Nam.
Bên cạnh hơn 200 dịch vụ khác nhau cùng mạng lưới Vùng sẵn sàng và Khu vực AWS trên toàn cầu, thời gian tới hãng sẽ triển khai các hệ thống biên - Edge Location, hệ thống OutPosts ở Việt Nam để đưa các tài nguyên phần cứng, dịch vụ mới như các ứng dụng dịch ngôn ngữ sang tiếng Việt, công nghệ Machine Learning, AI… tới khách hàng trong nước.
Có thể thấy, đám mây đã trở thành xu thế công nghệ tất yếu trong tiến trình chuyển đổi số, tuy nhiên, ứng dụng như thế nào cho phù hợp là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Đưa ra lời khuyên cho các SMB Việt Nam, ông Conor cho rằng, doanh nghiệp hãy nghĩ lớn nhưng bắt đầu từ quy mô nhỏ và đừng đầu tư một dự án quá lớn ngay từ ban đầu.
Theo mô hình đám mây, doanh nghiệp có thể dùng thử trước khi mua hoặc có thể vừa dùng, kiểm chứng, vừa rút kinh nghiệm và dần mở rộng theo nhu cầu. Thứ hai là hãy đầu tư vào con người, nâng cao kỹ năng đám mây của nhân viên bởi họ mới am hiểu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhất, điều đó sẽ mang lại lợi thế lớn khi ứng dụng đám mây.
“Không có một mô hình vạn năng để cho mọi doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ứng dụng đám mây vì nhu cầu của mỗi doanh nghiệp là khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp cần tương quan nhu cầu kinh doanh với hạ tầng, kỹ năng nhân viên, sau đó lựa chọn mô hình nào là phù hợp nhất,” ông Conor nói.