March 31, 2023 | 11:00 GMT+7

Thúc đẩy dịch vụ công về an sinh xã hội trên môi trường số 

Phúc Minh -

Hiện mỗi năm, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp nhận và xử lý gần 300 triệu lượt hồ sơ giao dịch điện tử, qua đó giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí…

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh chia sẻ tại hội thảo. Ảnh - BHXH Việt Nam.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh chia sẻ tại hội thảo. Ảnh - BHXH Việt Nam.

Trong hai ngày 30-31/3, tại TP.Hải Phòng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng “Nền tảng số, dữ liệu số để thúc đẩy dịch vụ công trên môi trường số".

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho biết, trong những năm qua cơ chế hợp tác giữa các nước khu vực Mekong như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã và đang có những đóng góp hết sức quan trọng đối với sự phát triển chung của khu vực, thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế, cải thiện cuộc sống người dân, an ninh - ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của các nước trong khu vực.

Nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đối tác trong lĩnh vực an sinh xã hội tại các nước Lào, Campuchia, Myanmar, tại hội thảo này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm về: Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, thiết kế, vận hành hệ thống và thúc đẩy dịch vụ công trên môi trường số trong lĩnh vực an sinh xã hội.

Đồng thời, các chuyên gia quốc tế cũng trao đổi kinh nghiệm, đưa ra các khuyến nghị về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội.

Theo Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số đặc biệt hệ thống dịch vụ công. Theo đó, công tác chuyển đổi số của ngành tiếp tục có những bước tiến vững chắc, đặc biệt là trong việc triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Công tác này đã và đang mang lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của ngành, góp phần kiến tạo và xây dựng thành công ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam số theo đúng định hướng về Chính phủ số của Đảng, Nhà nước ta.

Hiện tại, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam có gần 30 hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin; quản lý cơ sở dữ liệu của 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với trên 13.000 cơ sở khám chữa bệnh, hơn 620.000 tổ chức, doanh nghiệp và các bộ, ngành; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho toàn bộ các thủ tục hành chính của ngành…

Mỗi năm, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp nhận và xử lý gần 300 triệu lượt hồ sơ giao dịch điện tử.

Toàn cảnh hội thảo. 
Toàn cảnh hội thảo. 

Bên cạnh đó, từ cuối năm 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” để cung cấp các dịch vụ, tiện ích thiết thực cho người tham gia, thụ hưởng trong việc: Tra cứu thông tin tham gia và thụ hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện các dịch vụ công với cơ quan Bảo hiểm xã hội; sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng khi đi khám chữa bệnh thay thế cho việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế giấy… giúp người dùng ứng dụng tiết kiệm thời gian, chi phí.

Ngoài phiên bản tiếng Việt, hiện ứng dụng còn được được cung cấp với 4 thứ tiếng nước ngoài, bao gồm: Tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn. Đến nay, đã có khoảng 30 triệu người dân đăng ký sử dụng ứng dụng này.

Cùng với đó, thực hiện Nghị định số 43/2021/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó quy định Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị chủ quản của cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (đây là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng, được Chính phủ ưu tiên triển khai), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, ban hành danh mục dữ liệu mở, sẵn sàng kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương theo quy định của Chính phủ.

Nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh cho rằng, về lĩnh vực này, các tổ chức an sinh xã hội khu vực đồng bằng sông Mekong, khu vực ASEAN cũng như các khu vực khác trên thế giới cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục phát triển nhằm phục vụ hiệu quả người dân và củng cố nền an sinh xã hội ngày một vững chắc hơn nữa.

Trong hai ngày làm việc của hội thảo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đối tác quốc tế chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn thông qua các tham luận về các chủ đề như: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội - kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, địa phương; cung cấp dịch vụ công trực tuyến và ra mắt ứng dụng “VssID – Bảo hiểm xã hội số”; hệ thống Giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; thực trạng chuyển đổi số tại các nước: Campuchia, Lào, Myanmar…

Đồng thời, hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới, Tập đoàn Microsoft, Tập đoàn Công nghệ SAP… về việc triển khai, xây dựng nền tảng số, dữ liệu số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…, nhằm phát triển cộng đồng an sinh xã hội ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, đảm bảo quyền lợi an sinh cho mọi người dân, góp phần xây dựng thành công Chính phủ số tại các quốc gia.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate