Việc thực hành các tiêu chí về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang trở thành một yếu tố quan trọng giúp các startup nâng cao cơ hội nhận vốn từ ngân hàng, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế. Trong năm 2020, 51 tỷ USD đã được đầu tư vào các quỹ tác động đến ESG, tăng hơn gấp đôi các khoản đầu tư khác trong vòng một năm.
QUỸ ĐẦU TƯ MẠO HIỂM RÓT SỐ TIỀN “ẤN TƯỢNG” VÀO CÁC STARTUP TÀI CHÍNH KHÍ HẬU
Tuy nhiên, ông Bùi Quang Duy, Phó giám đốc đầu tư toàn cầu, Bộ phận Tài chính khí hậu, Quỹ ResponsAbility Investments Ag (Thụy Sỹ), mới đây đã đưa ra một góc nhìn bổ sung về việc thực hành ESG của doanh nghiệp, đặc biệt là các startup.
“Nói về ESG, tôi cũng muốn mở rộng ra một chút, đề cập đến một khía cạnh khác mà quỹ của chúng tôi muốn nhấn mạnh, đó là yếu tố về impact, tức là yếu tố tạo ra tác động của các khoản đầu tư. Đối với tôi, đây là một điểm nhấn quan trọng, bởi vì từ quan điểm của các quỹ đầu tư, làm tốt trong việc quản lý các rủi ro ESG chỉ là bước khởi đầu của câu chuyện”, ông Bùi Quang Duy nói.
Quỹ ResponsAbility Investments Ag có trụ sở chính tại Thụy Sĩ, là một quỹ đầu tư từ Châu Âu. Quỹ hoạt động đầu tư trên các thị trường toàn cầu và huy động vốn từ các tổ chức tài chính và nhà đầu tư lớn chủ yếu từ Châu Âu. Với hoạt động đầu tư tại hơn 100 quốc gia, bao gồm cả châu Á-Thái Bình Dương và châu Phi, ông Duy cho biết Việt Nam đang là thị trường lớn thứ hai toàn cầu của ResponsAbility.
Thực tế, các xu hướng đầu tư tác động không phải là điều mới ở Việt Nam, mặc dù chúng có thể đang nổi lên ở thời điểm hiện tại. Trên thế giới và ở những nơi khác, các khái niệm như đầu tư impact, đầu tư chống biến đổi khí hậu đã được thảo luận từ nhiều năm trước. Với các sự kiện như COP26, COP27 và COP28, cả thế giới đều quan tâm đến vấn đề sự nóng lên toàn cầu và sẵn lòng huy động nguồn lực để giúp các quốc gia đang phát triển quản lý các rủi ro này.
Theo thông tin được ông Duy đưa ra tại Tọa đàm “Xây lợi thế - Vững tương lai cùng Sáng kiến ESG Việt Nam 2024” mới đây, trong năm vừa qua, tổng số tiền mà các quỹ trên thế giới đã đầu tư vào startup tài chính khí hậu là một con số ấn tượng, lên đến 653 tỷ USD. “Đây là một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực quản lý tài sản toàn cầu”, ông Duy nói.
“Tôi muốn nhấn mạnh con số này để thấy rõ rằng các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững đang mang lại những cơ hội lớn. Cá nhân tôi cho rằng việc chuyển đổi xanh và đầu tư bền vững từ góc độ doanh nghiệp không chỉ là thách thức mà còn là một cơ hội lớn. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào nó như một thách thức, chúng ta có thể tiếp tục với tâm thế bị động. Thực tế, chúng tôi nhận thấy nó mang lại nhiều lợi ích trong dài hạn và giúp chúng ta phát triển bền vững, tạo ra lợi nhuận tốt, có tác động tích cực đến xã hội, đặc biệt là đối với thế hệ sau này”.
ÁP LỰC THỰC HÀNH ESG ĐỂ KHÔNG BỊ TỤT HẬU HAY LOẠI KHỎI “CUỘC CHƠI”
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe về phát triển xanh và bền vững từ các nhà đầu tư, đối tác, các thị trường quốc tế và người tiêu dùng. Xu hướng “chuyển đổi xanh” đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Một doanh nghiệp thành công không chỉ tạo ra nhiều lợi nhuận mà còn phải chú trọng tới các yếu tố ESG.
Doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hay xuất khẩu, đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng – Áp dụng thực hành ESG để không bị tụt hậu hay bị loại khỏi “cuộc chơi”.
Ông Bùi Thanh Minh, Trưởng khối Nghiên cứu và Đối thoại chính sách, văn phòng Ban IV, cho biết hai năm trước, trong khi khảo sát doanh nghiệp về COP 26, chỉ có khoảng 20% số doanh nghiệp trả lời biết về sự kiện này. Đối với quyết định liên quan đến kiểm kê khí nhà kính, chỉ có khoảng 12% doanh nghiệp tham gia.
“Tuy nhiên, hiện tại, sau khi tiến hành phân tích sơ bộ, chúng tôi nhận thấy phần lớn các doanh nghiệp đều đã biết đến COP 26 và quyết định liên quan đến kiểm kê khí nhà kính”, ông Minh cho biết. Mặc dù vậy, khi bắt đầu thực hiện các tiêu chí này, doanh nghiệp lại gặp phải hai vấn đề chính. Thứ nhất, họ thiếu vốn để thực hiện các biện pháp chuyển đổi xanh. Thứ hai, họ cũng đang thiếu nguồn nhân lực để triển khai các biện pháp này.
Chia sẻ về hành trình tham gia chương trình ESG, bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) cho biết Vinasamex là một mô hình kinh doanh theo chuỗi giá trị và gần đây đã chuyển đổi mô hình kinh doanh để tạo ra tác động xã hội tích cực. Vinasamex cũng đã trải qua nhiều vòng trao đổi, làm việc với quỹ ResponsAbility và hiện đã đi đến những vòng làm việc cuối cùng.
Tuy nhiên, bà Huyền cho biết “phải đến năm ngoái, Vinasamex mới thực sự hiểu về khái niệm ESG. Nhìn lại hành trình của chúng tôi, mô hình kinh doanh đã tạo ra nhiều tác động xã hội nhưng chúng tôi chưa đo lường hoặc định lượng được chúng một cách rõ ràng”.
Đó cũng là một khó khăn của các startup khi thực hiện các tiêu chí ESG. Theo bà Nguyễn Hồng Tâm, Trưởng phòng phát triển kinh doanh của Công ty TeamSustain, các doanh nghiệp có thể áp dụng công nghệ số để đo lường và kiểm kê lượng phát thải khí nhà kính. Dựa trên thông tin này, doanh nghiệp có thể đưa ra các giải pháp thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng, từ đó tạo ra một môi trường sản xuất xanh hơn.
Tuy nhiên, theo đại diện quỹ đầu tư, doanh nghiệp khó có thể thực hiện một mình, mà cần đến cả một hệ sinh thái đa phương. Hệ sinh thái này bao gồm nhiều thành phần khác nhau. Ví dụ, từ phía doanh nghiệp, đó là các bộ phận nội bộ, các chính sách và chiến lược phù hợp để tạo ra nền tảng và hỗ trợ cho việc đầu tư vào chuyển đổi xanh và bền vững. Các cơ quan chính phủ đóng vai trò quản lý và xây dựng chính sách để thúc đẩy phát triển bền vững.
Từ phía quỹ đầu tư, quỹ có thể cung cấp các gói hỗ trợ kỹ thuật và thậm chí là các khoản đầu tư dài hạn. Ngoài ra, hệ thống tài chính, bao gồm các ngân hàng và công ty tài chính trong thị trường, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ sinh thái. Bởi vì, quỹ không chỉ đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp, mà còn tích cực hợp tác với các tổ chức tài chính. Khi hợp tác với các ngân hàng, việc phân phối nguồn vốn đến một hệ thống doanh nghiệp rộng lớn sẽ trở nên hiệu quả hơn rất nhiều.