Công tác thu hồi đất, bồi thường, tái định cư cho người dân đang và luôn là vấn đề nóng của TP.HCM, thu hút sự quan tâm của không chỉ người dân địa phương, chính quyền Thành phố và còn dư luận cả nước, trong đó có dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.
BỒI THƯỜNG, TÁI ĐỊNH CƯ NHIỀU, CÓ DỰ ÁN KÉO DÀI DAI DẲNG
Mới đây, tại chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” với chủ đề “Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM”, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM đã đúc kết, trong thời gian qua, cùng với quá trình phát triển xã hội của Thành phố là sự đồng hành, ủng hộ, đóng góp to lớn của người dân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai nhằm đảm bảo đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả phục vụ cho lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng.
Đối với công tác bồi thường, tái định cư, bà Lệ cho rằng, chính quyền Thành phố đã nỗ lực hết sức để thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho bà con; tháo gỡ những vướng mắc, bất cập nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong thực thi, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; cũng như theo các hướng để bảo đảm, tạo điều kiện tốt hơn cho người có đất bị thu hồi sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng thật khó khăn để bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, lợi ích của người bị thu hồi đất và chủ đầu tư thực hiện dự án trong khi chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vẫn còn tồn tại, bất cập, vướng mắc và nhiều thay đổi. Đến nay vẫn còn những vụ việc chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm, kéo dài nhiều năm.
Hiện nay, TP.HCM có nhiều dự án hạ tầng quan trọng mà quy mô tác động đến sinh kế người dân là rất lớn, trong đó chủ yếu là việc thu hồi đất, bồi thường và tái định cư. Các dự án trọng điểm quốc gia tại Thành phố, dự án trọng điểm của thành phố, như dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài,… đều có diện tích thu hồi đất lớn, số hộ dân bị ảnh hưởng lớn, giá trị bồi thường cao,…
Cụ thể, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua địa bàn TP.HCM có chiều dài 47,51 km, qua ba huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh và TP. Thủ Đức, ảnh hưởng tới 2.377 hộ dân. Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự kiến là hơn 25.000 tỷ đồng. Dự án dự kiến được khởi công vào cuối năm 2022, thi công trong 36 tháng và hoàn thành toàn bộ vào năm 2026.
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm nằm trong danh mục 25 dự án cải tạo, chỉnh trang kênh rạch của TP.HCM. Đó là một tuyến kênh dài, phạm vi dự án từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận Bình Thạnh) đến sông Vàm Thuật (quận Gò Vấp) với chiều dài 6,4 km. Dự án có tổng mức đầu tư dự tính 9.353 tỷ đồng và có kế hoạch triển khai nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được vì vấn đề nguồn vốn.
Về công tác bồi thường, tái định cư dự án đường Vành đai 3, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, tính đến nay, người dân ở bốn huyện và TP. Thủ Đức đã đồng thuận để chính quyền xác lập hồ sơ trước đạt trên 65%, riêng huyện Hóc Môn đã đạt trên 95%. Dự định cuối tháng 9 đầu tháng 10/2022, chủ đầu tư sẽ giao ranh cắm mốc tại thực địa cho bốn địa phương nói trên để xác định chính xác tọa độ. Đến tháng 11/2022, báo cáo khả thi dự án cũng sẽ được phê duyệt.
Đối với dự án cải tạo Rạch Xuyên Tâm, Ủy ban nhân dân Thành phố đã lập tổ công tác để rà lại quy hoạch, xác định phương thức đầu tư, nguồn vốn để trình chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp Hội đồng nhân dân hành phố cuối năm. Đây là một trong những dự án trọng điểm của TP.HCM góp phần chỉnh trang đô thị, xử lý nhà trên kênh rạch và ven kênh rạch, sẽ được triển khai trong năm 2023.
MINH BẠCH, CÔNG KHAI VÀ NHÂN RỘNG TIỀN LỆ
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, thời gian qua, nhiều dự án về y tế, giáo dục, giao thông, đô thị của Thành phố được thực hiện nhờ sự đồng tình, ủng hộ các tổ chức, hộ gia đình trong việc bàn giao mặt bằng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế chưa được xử lý dứt điểm dẫn đến kiến nghị kéo dài, thậm chí khiếu nại của người dân, trong đó có bốn vấn đề. Đó là khoảng cách giữa giá bồi thường – giá trị trường; những bất cập quỹ đất, quỹ nhà trên địa bàn; công tác phối hợp chưa đồng bộ; và vấn đề minh bạch thông tin.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác bồi thường, tái định cư, bà Nguyễn Thị Lệ lưu ý các cơ quan chức năng, sở ngành quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện dữ liệu đất đai của Thành phố; thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai; đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch và sử dụng đất.
“Việc bồi thường, tái định cư phải công khai, minh bạch, công bằng. Trong đó cần tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá tác động xã hội một cách thực chất, xác định nhu cầu tái định cư để có phương án sát với nguyện vọng và nhu cầu chính đáng người dân”, bà Lệ nhấn mạnh.
Mới đây, dự án cầu Long Kiểng, một trong các dự án hạ tầng trọng điểm của TP.HCM bị đình trệ từ nhiều năm qua vì vướng mặt bằng cũng đã được tái khởi động sau khi chính quyền và người dân vùng dự án đã đồng thuận, thống nhất được giá bồi thường.
Dự án cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè, TP.HCM) được phê duyệt năm 2001, đến năm 2018 mới được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019 thì dự án bị dừng lại vì vướng mặt bằng do nhiều hộ dân không đồng ý giao đất với lý do áp giá bồi thường không thỏa đáng.
TP.HCM đã thành lập các ban chỉ đạo với quyết tâm lớn, sát sao từng đầu việc, nhất là chú trọng vào công tác giải phóng mặt bằng. Hệ số đất cao hơn hẳn trước đây, tiệm cận với giá thị trường đã tạo thuận lợi lớn cho công tác tái định cư và giải phóng mặt bằng cho dự án. Hơn 100 hộ dân trong khu vực dự án sau đó đã bàn giao mặt bằng cho địa phương và dự án tiếp tục thi công trong tháng 9/2022 này.
Qua vụ này, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM đã đề nghị lãnh đạo các địa phương trên địa bàn Thành phố nghiên cứu, phát triển, vận dụng và nhân rộng những kinh nghiệm tốt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án cầu Long Kiểng.