June 03, 2011 | 17:55 GMT+7

Thực lỗ của Vinashin gấp 3 lần báo cáo

Bảo Anh

Thanh tra Chính phủ vừa báo cáo Thủ tướng kết luận quá trình thanh tra toàn diện tại Vinashin

Ttính đến ngày 30/6/2010, các khoản vay của tập đoàn này đã lên đến trên 72.000 tỷ đồng.
Ttính đến ngày 30/6/2010, các khoản vay của tập đoàn này đã lên đến trên 72.000 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ vừa báo cáo Thủ tướng kết luận quá trình thanh tra toàn diện tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Theo đó, sau hơn 4 tháng (từ tháng 7 - 11/2010) tiến hành thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh tại tập đoàn này, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện Vinashin mắc hàng loạt sai phạm trong việc xây dựng thể chế hoạt động, huy động, quản lý và sử dụng vốn…

Kết quả thanh tra cho thấy, từ cuối năm 2005 đến thời điểm thanh tra, Vinashin đã huy động một khối lượng vốn rất lớn từ các nguồn trong và ngoài nước dưới hình thức vay các tổ chức tín dụng, vay nguồn trái phiếu quốc tế của Chính phủ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp...

Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2010, các khoản vay của tập đoàn này đã lên đến trên 72.000 tỷ đồng. Tuy nhiên tập đoàn đã buông lỏng quản lý, tùy tiện và vi phạm quy định của pháp luật trong các giai đoạn của quá trình huy động, quản lý sử dụng vốn.

Nổi bật nhất là việc đầu tư dàn trải, không hiệu quả, trong đó có việc đầu tư mua tàu biển cũ trái chỉ đạo của Thủ tướng, không tuân thủ quy định của pháp luật dẫn đến lãng phí vốn, nhiều trường hợp mất vốn với số lượng lớn.

Một sai phạm nghiêm trọng khác cũng được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại Vinashin là trong vòng 5 năm, đó là hoạt động chủ yếu của công ty mẹ là huy động vốn cho các đơn vị vay lại và hưởng lãi.

Thanh tra Chính phủ kết luận thực chất đây là hoạt động cấp tín dụng trái pháp luật, cùng với những vi phạm về quan hệ hợp đồng, quản lý nợ… dẫn tới không quản lý được dòng tiền, mất khả năng thanh toán nợ đến hạn.

Không những thế, Vinashin đã vi phạm giao kết dẫn tới hủy quá nhiều hợp đồng đóng tàu, phải chấp nhận trả lãi tiền đặt cọc và phạt vi phạm hợp đồng thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng.

Theo kết quả thanh tra, giá trị tài sản và nguồn vốn của Vinashin đến hết ngày 31/12/2009 là trên 102.000 tỷ đồng, loại trừ công nợ nội bộ còn hơn 92.500 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, nợ phải trả của Vinashin là hơn 86.700 tỉ đồng.

Khoản tiền này được cân đối tương ứng với các nguồn vốn, tài sản cố định trong sản xuất kinh doanh, vật tư, tài sản hình thành trong các dự án đầu tư. Hiện Chính phủ đã và đang chỉ đạo kiểm kê đánh giá thực chất giá trị tài sản hiện thời của tập đoàn này.

Đáng chú ý, theo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009, Vinashin chỉ lỗ gần 1.700 tỉ đồng, nhưng qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ xác định thực chất số lỗ của tập đoàn này lên tới gần 5.000 tỷ đồng, tăng hơn 3.300 tỷ đồng so với báo cáo kiểm toán.

Cụ thể, tập đoàn đã lỗ gần 848 tỷ đồng từ chi phí chưa phân bổ hết đối với các hợp đồng đóng tàu đã hoàn thành, bàn giao cho chủ tàu; chi phí phải trả các công ty quản lý tàu; chi phí khấu hao tài sản cố định đối với những tài sản đã đưa vào sử dụng nhưng tập đoàn chưa trích theo quy định...

Vinashin cũng lỗ 2.455 tỷ đồng do khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh từ việc đánh giá lại các tài sản và nợ phải trả dài hạn bằng tiền, có gốc ngoại tệ ở thời điểm hết năm 2009.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra Vinashin còn khoảng 8.500 tỷ đồng lỗ tiềm tàng, bao gồm gần 2.800 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của các hợp đồng đóng tàu đã bị hủy; chênh lệch từ các khoản phải thu nội bộ nhưng không xác định được đối tượng phải thu gần 4.700 tỷ đồng và hơn 1.000 tỷ đồng bị phạt, trả lãi tiền đặt cọc cho các chủ tàu do Vinashin vi phạm hợp đồng.

Theo Thanh tra Chính phủ, để xảy ra sai phạm trên trách nhiệm trước hết thuộc về Hội đồng Quản trị, Ban tổng giám đốc và một số cá nhân có chức vụ tại Công ty mẹ Vinashin.

Hội đồng Quản trị công ty mẹ Vinashin không hoạt động đúng theo quyết định của Thủ tướng, không thực hiện được đề xuất bổ nhiệm hay thuê Tổng giám đốc mà để Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm nhiệm trong nhiều năm. Tất cả những điều này dẫn đến yếu kém, khuyết điểm và sai phạm của công ty mẹ cũng như toàn tập đoàn.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, một số bộ ngành như các bộ Tài chính, Giao thông Vận tải, Nội vụ... cũng có trách nhiệm liên đới trong các sai phạm tại Vinashin do thiếu kiên quyết và chậm đưa ra các giải pháp hiệu quả để xử lý những tồn tại của tập đoàn.

Cơ quan thanh tra đề xuất Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục thúc đẩy việc xử lý các vi phạm tại Vinashin, thu hồi nợ và tiến hành các biện pháp xử lý kinh tế khác.

Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị bộ máy lãnh đạo hiện tại của Vinashin và các đơn vị tiếp nhận tiếp tục chỉ đạo kiểm điểm, xử lý các tập thể cá nhân có sai phạm. Riêng các vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu phạm pháp, Thanh tra Chính phủ sẽ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để tiếp tục xử lý.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate