December 18, 2024 | 15:42 GMT+7

Thuế chống bán phá giá thép dẹt sẽ được áp trong quý 1/2025?

Thu Minh -

Chứng khoán Rồng Việt cho rằng thuế bán phá giá tạm thời sẽ được áp cho sản phẩm thép dẹt (HRC, tôn mạ) trong quý 1/2025 tương tự trong năm 2016...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo dữ liệu từ hiệp hội thép Việt Nam (VSA), năm 2024 là một năm đánh dấu sự phục hồi về sản lượng của thị trường thép xây dựng Việt Nam, khi sản lương tiêu thụ ghi nhận mức tăng trưởng tương đối tốt và đạt 15,8% so với cùng kỳ, hỗ trợ bởi sự phục hồi của hoạt động xây dựng dân dụng và hạ tầng.

Các sản phẩm thép dẹt cho hoạt động xây dựng (Tôn mạ, ống thép) duy trì tăng trưởng sản lượng, ngoài từ nhu cầu nội địa còn ghi nhận nhu cầu từ thị trường nước ngoài, với sản lượng tôn mạ xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng ở 46,1% so với cùng kỳ, các thị trường lớn bao gồm ASEAN, EU và Hoa Kỳ.

Thép cuộn cán nóng HRC, với 02 nhà sản xuất chính là HPG và Formosa ghi nhận sản lượng tương đương so với năm 2023, trong đó sản lượng nội địa chiếm 62% tổng sản lượng, tuy nhiên gặp sức ép cạnh tranh từ HRC Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam; Thị trường xuất khẩu 38% tổng sản lượng cũng gặp khó khăn do các hoạt động phòng vệ thương mại tại thị trường EU trong nửa cuối năm 2024.

Về thị phần thép xây dựng, HPG đã gia tăng thị phần từ mức 38% so với 35% trong 2023 nhờ tăng sản lượng tại các các dự án hạ tầng, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác (ASEAN,…). Thị phần tôn mạ có xu hướng giữ ổn định, với các công ty có thị phần lớn nhất gồm HSG, NKG và GDA.

Trong 2024, trước những rủi ro liên quan đến việc Trung Quốc tăng xuất khẩu các sản phẩm thép sang các thị trường, Bộ Công Thương đã có các biện pháp điều tra chống bán phá giá để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, với Quyết định số 1535/QĐ-BCT (AD19) với các sản phẩm tôn mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc; Quyết định số 1985/QĐ-BCT (AD20) với các sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong kịch bản cơ sở, chứng khoán Rồng Việt cho rằng thuế bán phá giá tạm thời sẽ được áp cho sản phẩm thép dẹt (HRC, tôn mạ) trong quý 1/2025 tương tự trong năm 2016, Bộ Công Thương khởi xướng điều tra chống bán phá giá tôn mạ trong tháng 3 và có kết luận điều tra trong tháng 9/2016. Các công ty có lợi thế về quy mô và giá thành bao gồm HPG sẽ có cơ hội lấy thị phần từ các nhà nhập khẩu thép bị áp thuế chống bán phá giá.

Trong khi đó, nhận định về thời gian áp thuế chống bán phá giá, Chứng khoán VnDirect lại cho rằng việc áp thuế lên HRC nhập khẩu nếu xảy ra sẽ chỉ bắt đầu khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động, bù đắp khoản thiếu hụt nguồn cung HRC từ Việt Nam và sẽ chỉ áp dụng cho một số mã HRC có phạm vi giá thấp hơn nhiều so với giá trong nước hoặc ở một số lượng vượt quá mức khối lượng nhập khẩu củ thể do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Tất cả các vụ điều tra thép trước đây đều được kết luận với mức áp dụng thuế chống phá giá/tự vệ nhưng tác động sẽ khác nhau tùy vào thời điểm áp thuế và quy mô. Tuy nhiên, trường hợp này không đơn giản do Việt Nam hiện đang thiếu nguồn cung HRC trong nước.

"Dựa trên quan điểm rằng giá thép sẽ tiếp tục gặp áp lực, các biện pháp áp thuế tự vệ nếu được áp dụng sẽ chỉ có tác dụng hỗ trợ ngành thép trong nước khỏi áp lực từ thép Trung Quốc", VnDirect nhấn mạnh. 

Các vụ điều tra trước cho thấy Cục phòng vệ thương mại Việt Nam mất trung bình 180 ngày để áp dụng thông báo thuế AD/SG tạm thời và 150 ngày kể từ thời điểm thông báo thuế tạm thời đó để công bố mức thuế chính thức và mức thuế chính thức này có thể được điều chỉnh so với mức thuế tạm thời.

Nếu mức thuế chính thức thấp hơn mức thuế tạm thời, nhà nhập khẩu sẽ được hoàn lại khoản chênh lệch. Mặt khác, nếu mức thuế chính thức vượt quá mức thuế tạm thời, nhà nhập khẩu không phải trả thêm số tiền chênh lệch. Do đó, kỳ vọng rằng kết quả của những trường hợp điều tra hiện tại sẽ được công bố vào đầu 2025.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate