Cuộc họp này rất quan trọng, vì đây là lần đầu tiên Mỹ phát huy ảnh hưởng của mình để cố gắng thuyết phục các nền kinh tế lớn thông qua một đề xuất chính sách. Cựu Tổng thống Donald Trump đã phản đối GMT. Tổng thống Joe Biden ủng hộ hết mình, thậm chí còn cố gắng dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy GMT.
MỤC TIÊU LÀ CÁC "ÔNG LỚN" CÔNG NGHỆ
Mục tiêu nhắm tới của GMT là các công ty kỹ thuật số đa quốc gia, đặc biệt là các “ông lớn” công nghệ như Amazon, Microsoft, Facebook, Google – các công ty đăng ký kinh doanh ở những nước có mức thuế thấp và chính sách bảo mật thông tin doanh nghiệp cao, và bán hàng hóa và dịch vụ của họ ở các quốc gia mà họ không có trụ sở hoạt động để không bị đánh thuế. Chẳng hạn như, một công ty con của Microsoft ở Dublin có doanh thu 315 tỷ USD năm 2020, gần bằng 3/4 GDP của Ireland, nhưng không phải trả một đồng thuế nào cho Chính phủ Ireland. Microsoft cũng có trụ sở chính đặt tại “thiên đường thuế” Bermuda. 90 công ty trong Danh sách Fortune 500 không phải nộp một đồng thuế liên bang nào cho Chính phủ Mỹ.
GMT sẽ ngăn việc các quốc gia giảm thuế suất doanh nghiệp đối với các tập đoàn đa quốc gia xuống dưới ngưỡng tối thiểu để thu hút các công ty này chuyển hoạt động kinh doanh đến nước họ từ các nước có mức thuế cao hơn. Chẳng hạn như, trước đó Ireland đã hạ thuế suất xuống 12,5% để thu hút doanh nghiệp từ các quốc gia khác đến làm ăn. Những nỗ lực của nước này đã mang lại một nền kinh tế Ireland mở rộng được mệnh danh “Con hổ Celtic” những năm 1990.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen lập luận rằng việc giảm thuế đã dẫn đến “cuộc chạy đua xuống đáy” khi các nước cạnh tranh về thuế suất. Trong 20 năm qua, đã có 76 quốc gia giảm thuế, 12 quốc gia giữ nguyên và chỉ có 6 quốc gia tăng thuế.
Bà Yellen đặc biệt quan tâm đến vấn đề thất thu thuế toàn cầu, chi phí phát sinh và kế hoạch chi tiêu trong đại dịch Covid-19 cùng với hậu quả của nó. Bà Bộ trưởng Mỹ hy vọng việc thiết lập GMT sẽ tạo ra một “sân chơi bình đẳng” cho tất cả các quốc gia. Và rằng GMT sẽ buộc các tập đoàn nộp đủ phần thuế phải nộp.
Tuỳ thuộc vào quy mô thu nhập và biên lợi nhuận của doanh nghiệp, việc áp dụng GMT có thể giúp các chính phủ thu về từ 50-100 tỷ USD mỗi năm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến 2.300 công ty kỹ thuật số và 8.000 công ty đa quốc gia là nhóm các doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm thuế.
Điều thú vị là, mặc dù chính sách này được nhiều nhà kinh tế ủng hộ (thuộc OECD, G7, G20, IMF và các nước khác), thì đối với một số quốc gia, đặc biệt là Mỹ, chính sách này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về mặt kinh tế và chính trị khó vượt qua.
QUAN ĐIỂM CỦA MỸ
Mỹ dường như đã sẵn sàng yêu cầu các tập đoàn công nghệ lớn của mình phải thực hiện nghĩa vụ thuế cao hơn để có lợi cho các quốc gia khác. Những người chỉ trích chính sách này cho rằng bà Yellen đang bán đứng Big Tech của Mỹ khi đưa ra chính sách cho phép các quốc gia khác đánh thuế họ.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, các quốc gia đánh thuế Big Tech cũng chính là những quốc gia bị áp thuế quan xuất hàng sang Mỹ. Một ví dụ là ông Trump đã áp mức thuế trả đũa 25% đối với 1,3 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu từ Pháp. Ông Trump cũng tuyên bố rằng kể cả nếu GMT được thiết lập thì quyết định đó phải mang tính tự nguyện. Cho đến nay, ông Biden vẫn duy trì mức thuế quan được chính quyền của ông Trump thiết lập để làm con bài thương lượng.
Những người ủng hộ chính sách này thì tuyên bố rằng GMT sẽ ngăn các quốc gia áp đặt thuế quan lên các nước khác. Liệu các quốc gia có thống nhất áp một mức thuế ngang bằng nhau hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Thuế doanh nghiệp ở Mỹ luôn thay đổi. Điều bà Yellen thực sự mong muốn là các nước khác ấn định mức thuế thu nhập doanh nghiệp 21% - bằng với mức thuế doanh nghiệp đang được áp dụng ở Mỹ hiện nay. Tuy nhiên, các nước thành viên G7 đã nhất trí với thuế suất tối thiểu 15%, áp dụng tuỳ theo từng nước và cam kết để các nước có quyền áp thuế đối với ít nhất 20% lợi nhuận vượt quá biên độ 10% đối với các công ty đa quốc gia lớn nhất và sinh lời nhiều nhất. Chính quyền của ông Biden muốn tăng thuế doanh nghiệp tại Mỹ lên 28%, nhưng có thể chấp nhận ở mức 25% do các vấn đề chính trị trong nước. Chính quyền của ông Trump đã giảm thuế từ 35% được thiết lập dưới thời ông Barack Obama xuống còn 21% ở mức hiện tại.
Trước đó, bà Yellen đã nêu rõ rằng bà sẽ đồng ý chấp nhận mức thuế tối thiểu 15% nếu đây là quyết định của các nước G7. Bà Yellen chưa nói gì về việc cho phép các đối thủ cạnh tranh của Mỹ được áp mức thuế thấp hơn nhiều so với mức thuế của Mỹ.
Sau thỏa thuận thuế của các quốc gia G7 mới đạt được, người ta thấy có ba câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp. Một, các nhà lãnh đạo của hai đảng tại Mỹ sẽ chấp thuận những nội dung nào trong đề xuất GMT? Hai, liệu họ có chấp nhận hy sinh các đại gia công nghệ của mình dẫu rằng tỷ lệ ủng hộ dành cho các Big Tech tại Mỹ đang rất thấp? Ba, liệu họ có chấp nhận việc Mỹ áp mức thuế cao hơn so với các nước khác khiến các đối thủ kinh tế của Mỹ trở nên có lợi thế hay không?
Trái ngược với tuyên bố của bà Yellen, Đạo luật Cắt giảm thuế và việc làm năm 2017 của ông Trump đã khuyến khích nhiều doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư ở nước ngoài hồi hương, mang về cho nước Mỹ khoản vốn đầu tư 1.000 tỷ USD (tuy nhiên vẫn đang thiếu 3.000 tỷ USD so với dự kiến). Nhiều người cho rằng chính điều đó đã giúp cho nước Mỹ có được một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất từ trước đến nay (cho đến khi đại dịch xảy ra).
Tờ Wall Street Journal tin rằng GMT là một “mánh khoé” của bà Yellen trong nỗ lực tăng thuế thu nhập cá nhân để có tiền trả cho các khoản chi tiêu mới trị giá từ 6-10 nghìn tỷ USD thời kỳ sau đại dịch. Trong mọi kịch bản được đưa ra, khoản tiền thuế nước Mỹ thu về từ GMT sẽ chỉ khoảng vài tỷ USD, hầu như không có ảnh hưởng gì đến các luật thuế trong tương lai. Vì vậy, bà Yellen đã đưa ra những lập luận kiểu như “đã đến lúc các tập đoàn phải nộp đủ thuế cần nộp” và rằng “tất cả công dân phải chia sẻ một cách công bằng gánh nặng tài chính của chính phủ”...
LẬP TRƯỜNG CỦA TRUNG QUỐC
Trung Quốc không phải là thành viên của nhóm G7, nhưng thuộc nhóm G20. Mặc dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, song cho đến lúc này Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ lập trường của mình về GMT. Nước này đang còn phải lo giải quyết rất nhiều vấn đề. Hồng Kông là “thiên đường thuế” lớn thứ bảy trên thế giới và lớn nhất ở châu Á. Hồng Kông cũng nhận được hàng tỷ USD đầu tư của Trung Quốc và là một trong những nơi tiếp nhận đầu tư nước ngoài lớn nhất.
Cùng với đó, các tập đoàn đa quốc gia đang thoái vốn khỏi Trung Quốc. Trung Quốc đang áp mức thuế doanh nghiệp là 25%, riêng thuế suất dành cho các công ty công nghệ là 15%. Khoản nợ công của nước này cũng đang ở mức rất cao.
Tờ báo South China Morning Post cho rằng giờ là lúc Trung Quốc phải cải cách hệ thống thuế để có thể hòa nhập tốt hơn vào trật tự thế giới.
Nhiều khả năng chặng cuối sẽ là cuộc cạnh tranh về GMT giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh của một mối quan hệ vốn dĩ đã rất căng thẳng. Đòn bẩy của Trung Quốc là các khoản thuế quan được thiết lập từ thời chính quyền Tổng thống Trump, các khoản đầu tư trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường, Biến đổi khí hậu và Hợp tác quân sự. Trong khi đó lợi thế của Mỹ là các vấn đề nhân quyền, Hồng Kông và Đài Loan. Quyết định cuối cùng về GMT sẽ phụ thuộc vào việc các vấn đề này được giải quyết theo hướng có lợi cho bên nào.
Ấn Độ có thể là một nhân tố, nhưng nước này cho đến nay vẫn chưa đưa ra tuyên bố lập trường về GMT.
CẠM BẪY CHÍNH SÁCH VÀ CHÍNH TRỊ GMT
Nếu GMT chỉ được áp dụng cho các công ty đa quốc gia có doanh thu hàng năm đạt ít nhất 1 tỷ USD, theo một đề xuất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), thì Mỹ sẽ là nước bị đánh thuế nhiều nhất. Nước Mỹ hiện có 288 tập đoàn ở quy mô đó. Nước tiếp theo sẽ là Trung Quốc với 135 tập đoàn. Các nước khác, ví dụ như Anh chỉ có 27 tập đoàn và Pháp chỉ có 15 tập đoàn, sẽ không bị ảnh hưởng gì nhiều từ việc áp dụng GMT.
Một số ước tính cho thấy rằng hiện giờ 80% lợi nhuận đa quốc gia đang chảy về túi của 10 quốc gia. Như vậy tới đây sẽ là cuộc chiến của các nước nhỏ cạnh tranh nhau để giành được một khoản rất nhỏ từ miếng bánh nhỏ còn lại. Vậy câu hỏi lúc này là, liệu có phải các nước đang chộn rộn lên vì một chuyện cỏn con hay không?
Các công ty đa quốc gia, như được khẳng định trong các nghiên cứu kinh tế, không thiệt thòi gì khi thuế tăng. Người lao động, cổ đông và người tiêu dùng mới chính là người phải trả giá. Nhóm phản đối GMT rất có thể sẽ chính là người lao động.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi các công ty đa quốc gia bị giảm doanh thu do tăng thuế thì bước đầu tiên là họ sẽ giảm đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Kế hoạch chi tiêu cho hệ thống cơ sở hạ tầng của Gói giải cứu Covid của ông Biden kêu gọi chi hàng tỷ đô la dành cho R&D, tuy nhiên chủ yếu dành cho các công ty môi trường và năng lượng.
Ở một mức độ nào đó, GMT có thể dẫn đến thất thoát đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ngân hàng Thế giới (WB) đã thực hiện một nghiên cứu với nhóm đối tượng là các nhà đầu tư và các tập đoàn. Kết quả cho thấy 58% số người và công ty được hỏi cho rằng thuế suất thấp có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, sự ổn định, an toàn, quy định và thị trường có vai trò quan trọng hơn. Nếu tất cả mọi công ty đều áp mức thuế suất như nhau thì sẽ không còn tình trạng các công ty dịch chuyển đến những nước có chính sách thuế tốt hơn.
GMT được áp dụng ở cấp quốc gia, trong khi đó như ở Mỹ, ngoài khoản thuế liên bang thì các doanh nghiệp còn phải chịu thêm khoản thuế tiểu bang ở mức 12%. Các quốc gia có thuế địa phương ở mức cao sẽ bị thiệt thòi khi GMT được đưa vào áp dụng nếu luật thuế quốc gia cấm các công ty khấu trừ thuế địa phương.
Còn một vấn đề chưa được là rõ tại cuộc họp G7 là liệu các quỹ đầu tư và quỹ tín thác đầu tư bất động sản có bị đánh thuế hay không?
CÁC ĐỘNG THÁI TIẾP THEO
Các hội nghị tới đây vào mùa hè và mùa thu sẽ tiếp tục bổ sung hoàn thiện đề xuất GMT. Các bộ trưởng tài chính G20 sẽ họp vào tháng 7 tại Venice, sau đó các nhà lãnh đạo G20 sẽ họp vào tháng 10 tại Rome. Lãnh đạo các nước sẽ thảo luận để đưa ra định hình cụ thể về GMT và quyết định có tiến hành thực hiện GMT hay không. Các bộ trưởng tài chính và các quan chức OECD, IMF và Bộ Tài chính Mỹ sẽ đưa ra các phương án thực hiện.
Một số nhà phân tích cho rằng Mỹ - nước khởi xướng GMT, rất có thể lại chính là trở ngại lớn nhất cho việc thông qua đề xuất này. Hiện tại, ông Biden và bà Yellen đang vận động chính sách cho GMT bên ngoài nước Mỹ, có được sự chấp thuận của các nước G7 trong khi đề xuất này chưa được đưa ra thảo luận tại Quốc hội Mỹ và chưa được chuyển lên Thượng viện để xin phê chuẩn.
Đảng Cộng hòa và một số đảng viên Dân chủ đã ra tín hiệu rằng họ sẽ không chấp nhận các đề xuất về thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu của bà Yellen, chưa nói đến chính sách tăng thuế thu nhập cá nhân. Đảng Cộng hòa không muốn từ bỏ chủ quyền vào tay của các tổ chức đa phương bởi họ đã thấy cái giá phải trả trong Hiệp định Khí hậu Paris và Thoả thuận Vũ khí hạt nhân Iran. Thêm vào đó, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đều lo ngại về khoản nợ công của Mỹ đang ở mức kỷ lục cả ở hiện tại và trong tương lai.
Có thể sẽ phải cần đến một phép màu để hệ thống chính trị Mỹ chấp nhận thực hiện GMT.