Khó có thể kỳ vọng ngăn chặn hiện tượng đầu cơ đầu nhà đất với mức thuế suất do Chính phủ đề xuất.
Quan điểm trên được Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đưa ra trong báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế nhà đất, trình Quốc hội chiều 5/11.
Chưa ngăn được đầu cơ
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho hay, một trong những yêu cầu đặt ra đối với việc ban hành luật là tạo công cụ quản lý vĩ mô, hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, đất. Tuy nhiên, khi xác định thuế suất, mặc dù dự thảo luật đã có sự phân biệt giữa đất được đưa vào sử dụng với đất bỏ hoang, đất sử dụng sai mục đích, song mức chênh lệch về thuế suất không đáng kể, nên chưa có tác dụng ngăn chặn đầu cơ.
Theo ông Hiển, do số tiền thuế phải nộp không đáng kể so với lợi nhuận thu được từ đầu cơ nhà, đất nên trên thực tế dự thảo luật sẽ chưa đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất đai, khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Do đó, có nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị phải tăng mức thuế suất thứ 3 lên cao hơn 0,09%, nhằm khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, chống đầu cơ...
Đối với nhà ở, đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành phương án dự thảo. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị thuế suất đối với nhà cần có tính đột phá (quy định mức khởi điểm cao hơn mức 0,03%, đặc biệt mức lũy tiến cần tăng) và cần tính đến yếu tố địa lý, vùng, miền để có các mức thuế suất phù hợp.
Theo một số ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, vì với mức thuế suất thấp và chỉ đánh thuế đối với nhà ở có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, thì mục tiêu hạn chế đầu cơ thông qua việc sử dụng công cụ thuế là không khả thi, do lợi nhuận thu được lớn gấp nhiều lần so với số thuế phải nộp. Mặt khác, số thuế thu được sẽ rất thấp, không đủ bù đắp chi phí cho công tác hành thu.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho ý kiến về việc dự luật quy định trường hợp người có quyền sở hữu nhiều nhà, quyền sử dụng nhiều thửa đất thì giá tính thuế là tổng giá trị các nhà ở chịu thuế, diện tích chịu thuế là tổng diện tích các thửa đất ở có quyền sử dụng.
Quan điểm của Ủy ban cho rằng, quy định này chưa hợp lý và khó triển khai trên thực tiễn, bởi: nhà, đất ở mỗi địa bàn khác nhau, có hạn mức sử dụng khác nhau và có giá tính thuế khác nhau.
Do vậy, theo ông Hiển, việc cộng dồn để tính thuế sẽ rất phức tạp và không công bằng. Mặt khác, với hệ thống thông tin quản lý nhà, đất chưa được cập nhật, kết nối như hiện nay, việc thống kê, quản lý để tính tổng giá trị nhà, tổng diện tích đất của một tổ chức, cá nhân tại nhiều địa phương khác nhau là không dễ.
Do đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề xuất chỉ tính tổng giá trị nhà, tổng diện tích đất chịu thuế thuộc sở hữu của người nộp thuế tại từng địa phương, không cộng dồn trên mọi địa phương như quy định của dự luật.
Ngoài ra, theo cơ quan này, dự luật thuế nhà đất do Chính phủ trình chưa có quy định về trường hợp nhà, đất đang bị tranh chấp. Đồng thời, dự luật cũng chưa có nhiều điểm quy định cụ thể, vì trong tổng số 13 điều thì có tới 8 điều giao Chính phủ hướng dẫn.
“Nhà, đất là lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp. Việc không quy định cụ thể các vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của luật vừa không bảo đảm nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vừa làm giảm hiệu lực thực tế trong thực thi pháp luật, ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế”, ông Hiển nhận xét.
Nhà trên 500 triệu phải nộp thuế
Theo dự luật thuế nhà đất trình Quốc hội thông qua, Chính phủ đưa ra 3 phương án tính thuế đối với đất ở. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội thực hiện theo phương án 3, tức là căn cứ vào hạn mức đất để phân loại thuế suất. Trong đó, hạn mức diện tích đất ở làm căn cứ tính thuế là hạn mức giao đất ở (đối với trường hợp giao mới) hoặc hạn mức công nhận đất ở (đối với trường hợp đang sử dụng đất) theo quy định của ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Theo phương án 3, đối với diện tích trong hạn mức thì chịu thuế suất 0,03%, đối với phần diện tích vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần thì mức thuế suất là 0,06%; đối với phần diện tích vượt trên 3 lân hạn mức thì chịu thuế suất 0,09%.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, sau khi thẩm tra, cơ quan này cũng tán thành với đề xuất của Chính phủ thực hiện theo phương án 3 nêu trên bởi, phần lớn hộ gia đình hiện nay có diện tích không vượt quá hạn mức và thuế suất 0,03% cũng không quá cao so với điều kiện thu nhập bình quân của người dân.
Đồng thời, theo ông Hiển, trong điều kiện đất đai hạn hẹp, việc quy định thuế lũy tiến sẽ khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo công bằng trong nghĩa vụ thuế, góp phần điều tiết thu nhập…
Về thuế suất đối với nhà ở, Chính phủ cũng đưa ra 3 phương án. Thứ nhất là áp dụng một mức thuế suất (0,03%) cho nhà có giá tính thuế từ 500 triệu đồng trở lên; thứ hai, không đánh thuế với nhà cấp 4 trở xuống, các loại nhà còn lại áp thuế theo diện tích, phần trên 120m2 thuế suất 0,03%; phương án 3 là nhà giá trị đến 500 triệu đồng thuế suất bằng 0%, phần trên 500 triệu đồng thuế suất bằng 0,03%. Chính phủ đề xuất chọn phương án 3.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, phương án này cũng có điểm hạn chế, đó là cùng một căn nhà, kỳ này không nộp thuế, nhưng kỳ sau có thể phải nộp thuế và ngược lại, bởi giá tính thuế đối với nhà ở sẽ bị tác động do biến động của đơn giá xây dựng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate