Được ban hành từ hơn một thập kỷ trước, chính sách thuế tài sản tại Việt Nam đang ngày càng lộ rõ nhiều bất cập.
Xung quanh vấn đề này, VnEconomy vừa có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính.
Mới chiếm 0,7% tổng thu ngân sách
Thưa ông, khái niệm về thuế tài sản dường như vẫn còn khá xa lạ với nhiều người dân?
Thực ra, thuế tài sản đã được chúng ta áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, trước đây chúng ta lại không gọi là thuế tài sản. Vì vậy hiện nay vẫn còn rất nhiều người xem đó là một loại thuế mới và chưa hiểu đó là loại thuế gì, đối tượng chịu thuế là ai…Và thực tế thì trên thế giới hiện nay vẫn chưa có một luật nào gọi là luật thuế tài sản.
Hiện nay, người ta thường gọi là thuế tài sản nhưng đối tượng chính của nó chủ yếu là nhà, đất, bất động sản và một số tài sản có khả năng quản lý được như ôtô, tàu thuyền, máy bay…
Còn ở Việt Nam, khái niệm thuế tài sản cũng chỉ được hiểu một cách chung chung, đó là những loại thuế đánh vào tài sản thuộc sở hữu cá nhân hoặc tổ chức.
Ngoài ra, hiện nay chúng ta cũng đang có một số thuế, phí, lệ phí liên quan đến tài sản như: thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế chuyển quyền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, tiền thuê đất và tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.
Còn các loại thuế không quy định riêng cho nhà và đất, chẳng hạn như thuế của cải hoặc thuế lãi vốn nói chung thì thường không được phân thành thuế tài sản.
Trên thế giới, thuế liên quan đến tài sản thường có phạm vi rộng hơn, chẳng hạn như: nhà, đất, tàu thuyền, ôtô, máy bay, thuyền du lịch, chứng khoán và các động sản tài chính khác. Tuy nhiên, mỗi nước lại có một cách xác định đối tượng chịu thuế khác nhau và tùy thuộc vào điều kiện của từng nước mà người ta áp dụng ít hay nhiều, sớm hay muộn.
Thuế tài sản được xác định và thu hàng năm dựa trên giá trị vốn thực tế theo thị trường của tài sản nhà, đất hoặc giá trị đại diện của giá trị này. Tại các nước phát triển, thuế tài sản là nguồn thu chính chiếm 40 - 50% tổng số thu thuế tại các đô thị như Mexico, Brazil, Ấn Độ, Indonesia… và nó thường chiếm từ 15% - 40% trong thu ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, loại thuế này mới chỉ chiếm khoảng 0,7% tổng thu ngân sách địa phương.
Chủ yếu thu từ nhà đất
Ông có thể cho biết thực trạng của việc thực thi thuế tài sản ở nước ta hiện nay?
Việc triển khai thuế tài sản ở nước ta hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sự nhận thức của xã hội, thậm chí là nhận thức của nhiều tầng lớp cán bộ, công chức. Tư tưởng nói chung của người dân hiện nay vẫn là “cứ đánh thuế thiên hạ chứ đừng đánh thuế tôi”.
Vì vậy cần phải làm cho những người có tài sản hiểu: mình là người có tài sản thì có nghĩa là mình giàu hơn người không có tài sản, cho nên anh ta cũng nên đóng góp một phần thông qua thuế.
Nhưng quan trọng hơn là phải làm cho người dân hiểu được mình có tài sản thì có nghĩa là mình được thừa hưởng thành quả của xã hội nhiều hơn người không có tài sản, cho nên cũng cần phải đóng góp trở lại cho xã hội một phần, dù rất nhỏ.
Ngoài ra, do những hạn chế và bất cập của một số điều khoản quy định trong chính sách thuế tài sản hiện nay cho nên việc triển khai chính sách thuế này cũng bộc lộ nhiều vấn đề phát sinh. Hiện nay, thuế tài sản cũng chỉ chủ yếu thu từ nhà đất. Còn một số tài sản khác chúng ta chưa có được chế tài cụ thể.
Cần hệ thống chuyên sâu về định giá tài sản
Vậy, chính sách thuế tài sản có những hạn chế và bất cập gì trong quá trình triển khai, thưa ông?
Việc triển khai đánh thuế tài sản trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập cần phải được cải cách, chỉnh sửa. Tuy nhiên, bất cập ở đây không phải là so với mục tiêu mà là so với thực trạng kinh tế xã hội.
Dù mới đổi sang tên mới nhưng chính sách thuế tài sản hiện nay chúng ta đang áp dụng lại được ban hành từ hơn một thập kỷ trước. Thế nhưng, hiện nay tình hình kinh tế xã hội đã thay đổi rất nhiều nên nó đã bắt đầu bộc lộ những bất cập khi triển khai trong thực tế.
Ví dụ: chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp, chúng ta ban hành vào những năm đầu thập niên 90, khi đó cả xã hội đang quen với việc xác định hạng đất, mức thuế suất rất ổn định. Nhưng hiện nay chúng ta đã chuyển sang kinh tế thị trường nhưng lại vẫn dùng tiêu chí là dựa trên hạng đất và diện tích để đánh thuế thì rõ ràng là không còn phù hợp.
Ngay cả trong việc đánh thuế nhà đất, việc chúng ta vẫn dựa trên cơ sở là thuế đất nông nghiệp để nhân lên từ 1 đến 32 lần tùy theo vị trí là một điều bất hợp lý và thiếu sức thuyết phục. Điều này đã dẫn đến việc có rất nhiều cá nhân và tổ chức ở các đô thị phản đối. Họ cho rằng họ ở “trên phố” và không làm ruộng vậy thì không có lý do gì để lấy thuế đất nông nghiệp rồi nhân lên 32 lần để đánh thuế. Đây là một điều bất hợp lý nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa có sửa đổi.
Một yếu tố được xem là bất cập nhất của chính sách thuế tài sản là khi chúng ta thực hiện chuyển từ đánh thuế theo hiện vật sang đánh thuế theo thị trường thì chúng ta lại không có cơ sở để xác định giá trị tài sản. Đây là một yếu tố khó khăn và gây nhiều tranh cãi nhất trong triển khai. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có một hệ thống chuyên sâu về định giá tài sản bởi chỉ khi nào định giá đúng thì chúng ta mới đánh thuế đúng được và mới đảm bảo được sự công bằng cho mọi người dân.
Vậy theo ông, chúng ta cần phải cải cách chính sách thuế tài sản theo hướng nào?
Có thể nói rằng cải cách thuế tài sản là hết sức cần thiết trong các chính sách thuế của chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình cải cách thì cần phải xác định đúng những nội dung cần thiết để đảm bảo được cả hai mục tiêu là tính chủ động và ổn định cho ngân sách và không gây ra sự phản đối từ phía người dân.
Cụ thể, khi cải cách thuế tài sản cần phải xác định rõ phạm vi áp dụng, cụ thể là nên tập trung vào thuế nhà và đất. Ngay cả tên gọi loại thuế cũng cần phải sử dụng tên thuế nhà và thuế đất cho rõ ràng. Đồng thời cần phải quy định rõ một mức, ngưỡng chịu và miễn thuế phù hợp đối với nhà, đất thuộc các khu vực thành thị, nông thôn và cho các mục đích sử dụng khác nhau.
Đặc biệt, thuế tài sản là loại thuế có ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động của nền sản xuất xã hội, đặc biệt là thị trường bất động sản. Vì thế cần nghiên cứu kỹ khi hoạch định và ban hành chính sách thuế mới hoặc sửa đổi các chính sách thuế hiện hành.
Một yếu tố nữa cũng hết sức cần thiết trong việc cải cách thuế tài sản là việc chuẩn bị điều kiện quản lý thuế tài sản cũng như việc xem xét kinh nghiệm của các nước để chính sách thuế tài sản Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate