Đầu tư chứng khoán đã “nằm ngoài vùng phủ sóng” của thuế thu nhập cá nhân suốt tám năm qua. Từ 1/1/2009 lợi nhuận thu được từ chứng khoán sẽ phải chịu thuế có lẽ không phải là quá muộn.
Những nhà đầu tư có lợi nhuận sẵn sàng nộp thuế. Chỉ có điều thu và nộp sao cho công bằng. Điểm này vẫn còn gây nhiều băn khoăn cho những người sắp phải nộp thuế.
Không bỏ sót
Theo bản dự thảo mới nhất ngày 29/8/2008 của Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật trên, các khoản thu nhập chịu thuế liên quan đến chứng khoán được liệt kê cụ thể, rành mạch và đầy đủ, không bỏ sót một chi tiết nào.
Thu nhập từ góp vốn mua cổ phần, cổ phiếu, tín phiếu, trái phiếu (trừ trái phiếu Chính phủ), cổ phiếu thưởng đều phải nộp thuế. Thu nhập chuyển nhượng chứng khoán phải chịu thuế không phải chỉ có ở thì hiện tại, mà cả tương lai, bao gồm chứng quyền, hợp đồng tương lai, quyền chọn mua, chọn bán. Thậm chí nhận thừa kế từ chứng khoán cũng phải nộp thuế.
Phương thức tính thu nhập chịu thuế căn cứ trên giá mua - giá bán chứng khoán. Nhưng có những khoản mua bán mà giá cả khó kiểm soát (chẳng hạn cổ phiếu OTC), thì dự thảo Thông tư cho phép cơ quan hành thu được quyền ấn định giá. Đây là điểm dễ gây thiệt thòi cho nhà đầu tư.
Chẳng hạn “thu nhập từ cổ phiếu được mua thêm cho cổ đông hiện hữu theo giá thấp hơn giá thị trường, thì thu nhập được xác định bằng giá thị trường của cổ phiếu trừ đi giá vốn của cổ phiếu thưởng mà cổ đông phải đóng góp”.
Ở đây dự thảo đã quên rằng vào ngày được hưởng quyền mua cổ phiếu giá thấp đó, giá cổ phiếu mà cổ đông đang nắm giữ đã được điều chỉnh giảm tương ứng. Cho nên số lượng cổ phiếu cổ đông có tăng lên, nhưng tổng giá trị vẫn giữ nguyên (bình quân số tiền mua thêm cổ phiếu giá thấp). Đánh thuế thu nhập từ sự chênh lệch mua bán cổ phiếu giá thấp, do đó, là không công bằng.
Hoặc giao dịch chứng khoán OTC. “Trường hợp trên hợp đồng không ghi giá chuyển nhượng, hoặc ghi giá chuyển nhượng thấp hơn giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán được chuyển nhượng tại thời điểm bán, thì giá chuyển nhượng chứng khoán được xác định theo sổ sách kế toán của công ty phát hành tại thời điểm bán”.
“Trường hợp giá mua trên hợp đồng ghi cao hơn giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán tại thời điểm mua, thì giá mua được xác định căn cứ giá theo sổ sách kế toán”.
“Trường hợp trên hợp đồng không ghi giá chuyển nhượng hoặc ghi giá chuyển nhượng thấp hơn giá thị trường, thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng. Căn cứ ấn định giá chuyển nhượng là giá chứng khoán theo điều tra của cơ quan thuế hoặc giá trị chứng khoán theo sổ sách kế toán của công ty phát hành”.
Quy định như vậy là không chính xác. Vừa qua, khi VN-Index sụt giảm, nhiều nhà đầu tư đã chấp nhận bán cổ phiếu thấp hơn cả giá sổ sách kế toán của doanh nghiệp.
Trên sàn, nhiều cổ phiếu có giá thấp hơn mệnh giá, ngoài OTC cũng vậy. Lấy giá sổ sách kế toán để làm căn cứ là không hiện thực, bởi giá này cũng xê dịch, phụ thuộc vào hiệu quả làm ăn của công ty (có doanh nghiệp lỗ, mất hết cả vốn, giá trị sổ sách tính thế nào?).
Thí dụ cổ phiếu ngân hàng X đang được mua bán OTC với giá 9.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá trị sổ sách là 12.000 đồng. Nhà đầu tư ghi giá mua bán trên hợp đồng là 9.000 đồng/cổ phiếu, sẽ không được cơ quan hành thu chấp nhận. Giá áp để tính thuế sẽ là 12.000 đồng/cổ phiếu, hoàn toàn không thực tế.
Hơn nữa việc cơ quan thuế được quyền ấn định giá chuyển nhượng sẽ dễ làm phát sinh tiêu cực. Ai dám đảm bảo cán bộ thu thuế 100% liêm khiết và không xảy ra trường hợp cán bộ thuế thông đồng với nhà đầu tư để đưa ra một mức giá chuyển nhượng có lợi cho cả đôi bên, mà chỉ ngân sách nhà nước thiệt?
Có thể những nhà soạn thảo thông tư đưa ra quy định này để tránh việc nhà đầu tư khai thấp giá bán, khai cao giá mua chứng khoán để giảm bớt mức thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên việc chống thất thu thuế nào cũng phải dựa trên thực tế cuộc sống, nếu không nó sẽ không khả thi.
Đơn giản thì thiệt
Nhà đầu tư chứng khoán có thể chọn một trong hai phương thức tính thuế và thuế suất: hoặc đăng ký tạm nộp thuế thu nhập cá nhân theo từng lần chuyển nhượng, quyết toán theo năm, áp dụng thuế suất 20%/năm (phương thức 1); hoặc áp dụng thuế suất 0,1% trên giá trị mỗi lần chuyển nhượng (phương thức 2).
Theo phương thức 1 nhà đầu tư phải: đăng ký thuế và có mã số thuế; mở sổ sách kế toán và lưu giữ toàn bộ chứng từ liên quan; thực hiện đăng ký với cơ quan thuế phương pháp nộp trên chênh lệch (chậm nhất là ngày cuối cùng của quí 1/2009 nếu đang đầu tư, còn mới bắt đầu đầu tư thì chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày phát sinh giao dịch đầu tiên).
Theo phương thức 2, bất kể đầu tư lãi hay lỗ, cứ phát sinh chuyển nhượng chứng khoán là nhà đầu tư nộp thuế. Rõ ràng nhiều nhà đầu tư sẽ chọn phương thức 2 vì đơn giản. 0,1% giá trị cổ phiếu khi mua, 0,1% khi bán không phải là quá cao trong điều kiện các công ty chứng khoán đang giảm phí môi giới để khuyến mại hiện nay.
Thế nhưng khi chứng khoán phát triển ổn định, phí môi giới trở về mức 0,5% giá trị /lần giao dịch, thì việc nộp thuế 0,1%/lần sẽ không còn là khoản nhỏ. Đấy là chưa kể theo phương thức 2, đầu tư lỗ cũng phải đóng thuế. Chọn lựa sự đơn giản là thiệt. Còn chọn phương thức 1, việc tốn kém thời gian để mở sổ sách, quản lý chứng từ cả năm, quyết toán thuế, đi lại làm việc với cơ quan hành thu, giải quyết tranh chấp nếu có… sẽ quá phức tạp.
Chỉ khi nào một quy trình thu thuế hiện đại hóa cao, tiện lợi, dựa chủ yếu trên lòng tin vào đối tượng nộp thuế được ban hành, khi ấy sự công bằng đích thực trong hành thu và nộp thuế chứng khoán mới thể hiện đúng ý nghĩa của nó và mới thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển.
Hải Lý (TBKTSG)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate