Trên thế giới, các quốc gia đã có những hành động khác nhau đối với thuốc lá mới dựa trên những cân nhắc toàn diện nhằm vừa có thể giải quyết các bất cập về kinh tế - xã hội liên quan đến sản phẩm này vừa khai thác tiềm năng giảm thiểu tác hại đã được khoa học chứng minh của thuốc lá mới.
Khi nói đến thuốc lá thế hệ mới là nói đến hai loại được tiêu thụ phổ biến hiện nay là thuốc lá điện tử (Vaping hay E-cigarette) và thuốc lá làm nóng (HTPs - heated tobacco products). Đây cũng là hai loại phổ biến đã và đang du nhập vào Việt Nam qua các con đường nhập lậu.
CÀNG CẤM CÀNG NHIỀU NGƯỜI SỬ DỤNG, VÌ SAO?
Trước 2023, tại Malaysia thuốc lá điện tử có chứa nicotin chỉ được sử dụng cho mục đích y tế. Điều này có nghĩa trước đó sử dụng thuốc lá điện tử là bất hợp pháp.
Theo Phòng Thương mại Thuốc lá điện tử Malaysia (MVCC - Malaysian Vape Chamber of Commerce), cho dù có lệnh cấm, nhưng số lượng người trưởng thành sử dụng thuốc lá điện tử ở Malaysia vẫn tăng 27%, từ 1,1 triệu vào năm 2019 lên 1,4 triệu vào năm 2022. Giá trị bán lẻ của thị trường thuốc lá điện tử được ghi nhận đã tăng 53%, từ 2,27 tỷ ringit vào năm 2019 lên 3,48 tỷ ringit vào năm 2023.
MVCC đã phản đối đề xuất cấm thuốc lá điện tử theo Dự luật kiểm soát sản phẩm thuốc lá vì sức khỏe cộng đồng năm 2023 vì có những tác động bất lợi tiềm tàng đến nền kinh tế. Đó là nhiều doanh nghiệp bản địa sẽ mất cơ hội kinh doanh, công nhân sẽ thất nghiệp và gia đình người thân của họ cũng sẽ gặp khó khăn khi những nhà máy sản xuất thuốc lá điện tử buộc phải đóng cửa.
Tương tự, Singapore áp đặt lệnh cấm lên thuốc lá điện tử từ năm 2018. Tuy nhiên, số người sử dụng sản phẩm này không ngừng gia tăng. Đồng thời, số người bị bắt vì sử dụng thuốc lá điện tử năm 2022 gấp 4 lần so với năm 2020.
Các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự. Australia cấm bán thuốc lá điện tử ngoại trừ bán thuốc lá điện tử theo kê đơn thuốc. Tuy nhiên, số người sử dụng thuốc lá điện tử tại đây vẫn tăng gần gấp 3 lần trong 2 năm qua.
Liên quan đến vấn đề cấm thuốc lá điện tử này, trong cuộc trả lời báo chí Việt Nam nhân chuyến công tác đến Việt Nam cuối năm ngoái, ông Riccardo Polosa - chuyên gia người Ý nổi tiếng trong lĩnh vực hô hấp - cho hay thực tế đã có minh chứng việc cấm hoàn toàn thuốc lá thế hệ mới là một thất bại.
Ông lấy ví dụ trước đây, chính quyền hai thành phố San Francisco và Califonia (Mỹ) đã từng đưa ra quyết định cấm này với tuyên bố sẽ trở thành một “thành phố không khói.” Tuy nhiên, sau lệnh cấm, tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở hai khu vực này đã tăng đột biến, không thể kiểm soát.
Vì vậy, theo ông cấm, không phải là biện pháp hiệu quả bởi sẽ luôn làm gia tăng tình trạng buôn lậu, phạm tội… Do đó, giảm tác hại bằng những sản phẩm ít tác hại hơn để thay thế thuốc lá điếu là một biện pháp đáng cân nhắc.
CẦN CÓ KHUNG PHÁP LÝ PHÙ HỢP
Có một vài ý kiến tương đồng về vấn đề này, trên bài viết của mình trên tạp chí Lancet, hai vị giáo sư trong lĩnh vực sức khỏe kiêm cựu lãnh đạo WHO - Robert Beaglehole và Ruth Bonita - cũng đồng ý rằng giảm tác hại của việc sử dụng thuốc lá chính là chiến lược trọng tâm của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuy nhiên, WHO cần tư vấn linh động cho các quốc gia khi họ cân nhắc chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới, không áp đặt khuyến nghị FCTC một cách cứng nhắc ở tất cả các thị trường. Bên cạnh đó, thay vì cấm thì các quốc gia cần tập trung mục tiêu sức khỏe cộng đồng: giảm thiểu số ca tử vong do thuốc lá điếu gây ra ở người trưởng thành hút thuốc.
Theo số liệu mới nhất từ FCTC 2023, trong số 182 quốc gia tham gia khảo sát, có đến 74% quốc gia ghi nhận sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, 60% trong số này đã ban hành chính sách quản lý cho thuốc lá điện tử. Bên cạnh đó, các nước chủ chốt ban hành quản lý thuốc lá điện tử là các nước G7 và các quốc gia thuộc liên minh EU.
Trong khi đó, hội thảo “Thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách” do Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam tổ chức ngày 19/2/2024 tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Công An, Bộ Tư pháp, Tổng cục Quản lý thị trường, các Đại biểu Quốc hội đến từ Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và các chuyên gia kinh tế - xã hội đầu ngành, đã cung cấp góc nhìn toàn cảnh về thị trường thuốc lá thế hệ mới, đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết tất cả các văn bản của Bộ Y tế gửi Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành từ trước đến nay đều đề xuất cấm sản xuất kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới trong đó có thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
“Tuy nhiên, Bộ vẫn lắng nghe các ý kiến khác, đặc biệt là những đối tượng đang chịu sự tác động, những lo lắng từ cơ quan quản lý khi hoạch định chính sách, trong đó có tính toán đến các yếu tố kinh tế - xã hội, sự phát triển cho các doanh nghiệp và thuế. Bên cạnh đó cũng phải cân nhắc các vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân. Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu để có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ trình lên Chính phủ, đánh giá một cách khách quan, công bằng, công tâm về các sản phẩm này ở thời điểm hiện nay trước khi ban hành các chính sách phù hợp”, bà Thủy nhấn mạnh.
Mặc dù chưa được phép lưu hành, nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới, đặc biệt là thuốc lá điện tử, đang gia tăng nhanh chóng. Theo khảo sát với gần 5.000 người của VnExpress năm 2021, có hơn 90% người quan tâm và muốn tìm các giải pháp giảm tác hại thuốc lá. Khảo sát của Báo Lao Động vào tháng 10/2022 cũng ghi nhận số người biết hoặc đã từng tiếp cận sản phẩm thuốc lá điện tử là 97% và thuốc lá làm nóng là 50%.
Các số liệu thực tiễn phản ánh nhu cầu rất lớn của một bộ phận người tiêu dùng trong việc tìm kiếm các giải pháp thay thế thuốc lá truyền thống và chuyển đổi sang thuốc lá thế hệ mới. Việc cấm thuốc lá thế hệ mới là khó khả thi trong bối cảnh thế giới có nhiều quốc gia đã hợp pháp hóa sản phẩm, nhưng tại thị trường Việt Nam chưa có sản phẩm hợp pháp thay thế.
Việc cấm thuốc lá thế hệ mới sẽ không giải quyết được tận gốc mọi vấn đề vì khi có nhu cầu mà không thể tìm được nguồn cung hợp pháp, người tiêu dùng đã và sẽ tiếp tục tìm đến các sản phẩm bất hợp pháp với rất nhiều rủi ro.
Các đại diện tham gia đã thống nhất quan điểm là: thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử có chứa nicotin phù hợp với định nghĩa sản phẩm thuốc lá của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và không thuộc danh mục ngành nghề cấm kinh doanh theo Luật Đầu tư. Vì vậy, Việt Nam nên khảo cứu các kinh nghiệm quốc tế và các dữ liệu toàn cầu về xu hướng phát triển và bằng chứng khoa học về giảm thiểu tác hại, rủi ro của thuốc lá thế hệ mới để đưa các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng vào quản lý đồng bộ, đồng thời dưới cùng một khung pháp lý, trên cơ sở phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Các đại diện cũng nhấn mạnh rằng một khung pháp lý toàn diện sẽ bao gồm quy định về tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn sản phẩm, điều kiện kinh doanh, sản xuất, xuất - nhập khẩu và phân phối sản phẩm, chính sách về thuế, các quy định về ghi nhãn hàng hóa…
Hiện nay, Việt Nam đã có khuôn khổ khá đầy đủ và tương đồng, cần đặt ra một số điều chỉnh để phù hợp hơn với yêu cầu thực tế và từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Các nhà hoạch định chính sách cần tham khảo các thông tin cập nhật, thực tế, đa chiều, toàn diện về sản phẩm, thực trạng thị trường cũng như các kinh nghiệm quản lý thuốc lá thế hệ mới trên thế giới… để từ đó có thể xây dựng một chính sách quản lý hiệu quả cho cả thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, góp phần vào mục tiêu giảm thiểu tác hại thuốc lá, đảm bảo trật tự kinh doanh và tăng nguồn thu ngân sách từ thuế.