October 05, 2022 | 12:59 GMT+7

Thương hiệu gạo nội địa đầu tiên xuất khẩu thành công vào Nhật Bản

Khánh Linh

Đối với Tân Long, thành quả này là “quả ngọt” của quá trình đầu tư bài bản, xây dựng thành công quy trình canh tác, sản xuất khép kín để kiểm soát hiệu quả chất lượng lúa gạo từ nguồn giống đầu vào đến gạo thành phẩm...

Gạo ST25 A An tại các siêu thị Nhật Bản.
Gạo ST25 A An tại các siêu thị Nhật Bản.

Cuối tháng 6/2022, Tập đoàn Tân Long thông báo gạo ST25 thương hiệu A An ra mắt thành công và chính thức được phân phối trên kệ hàng các siêu thị tại Nhật Bản. Trong tháng 10, gạo ST25 A An lúa tôm sẽ tiếp tục tham dự hội chợ tại Paris (Pháp). Có thể thấy thương hiệu gạo Việt ngày càng có nhiều triển vọng và cơ hội tiến sâu vào các thị trường khó tính.

DẤU ẤN KHỞI SẮC CỦA GẠO THƯƠNG HIỆU CHẤT LƯỢNG CAO 

Gạo Việt từng bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Vì thế, sản lượng xuất khẩu vào Nhật Bản rất hạn chế và chủ yếu chỉ được sử dụng làm nguyên liệu để chế biến bánh hoặc tương miso. Ngoài ra, các chính sách xuất khẩu, vấn đề kiểm định chất lượng và chi phí lớn là những trở ngại để các thương hiệu gạo Việt có thể tự tin xuất hiện tại quốc gia cực kỳ khó tính như Nhật Bản.

Do đó, sự kiện xuất khẩu thành công một thương hiệu gạo nội địa ra quốc tế là tin vui, cũng là một dấu ấn khởi sắc đối với câu chuyện nỗ lực nâng cao giá trị hạt gạo, đưa thương hiệu gạo Việt tiến ra thế giới. Bởi lẽ sau rất nhiều năm phải đóng gói dưới tên tuổi của nhà nhập khẩu nước ngoài, gạo mang thương hiệu Việt Nam đã có cơ hội được nhận diện và xây dựng tên tuổi.

Đối với các doanh nghiệp như Tân Long, thành quả này là “quả ngọt” của quá trình đầu tư bài bản, xây dựng thành công quy trình canh tác, sản xuất khép kín để kiểm soát hiệu quả chất lượng lúa gạo từ nguồn giống đầu vào đến gạo thành phẩm.

Theo chia sẻ từ ông Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long, đơn vị đã đưa thành công gạo A An ST25 vào Nhật Bản - Gạo A An phải trải qua hơn 1 năm lựa chọn sản phẩm đạt yêu cầu về kỹ thuật và vượt qua đánh giá, phân tích kiểm định trên 450 tiêu chí dưới sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản để có thể chính thức xuất khẩu thành công vào thị trường này.

Đối với người tiêu dùng Nhật Bản, họ luôn đặt ra những yêu cầu rất cao về tính thẩm mỹ và cả chất lượng của loại gạo mà mình tin tưởng lựa chọn, sử dụng. Ngoài vấn đề về an toàn thực phẩm, gạo khi nấu phải đảm bảo được hương thơm tự nhiên, độ dẻo, vị ngọt, hạt cơm chắc. Việc này yêu cầu từ khâu chọn vùng đất để canh tác đến chọn giống, theo dõi từng kỹ thuật gieo trồng; từ thu hoạch đến đóng gói, bảo quản đều được kiểm soát chặt chẽ để giữ cho chất lượng hạt gạo luôn được đảm bảo.

NỐI TIẾP TRIỂN VỌNG ĐẾN VỚI QUỐC TẾ CỦA GẠO VIỆT CHẤT LƯỢNG CAO 

Một tin vui khác là gạo A An ST25 vừa qua cũng đã xuất hiện trong bữa ăn của Văn phòng Nội các Nhật Bản. Đây không chỉ là thành quả của riêng A An mà còn là thành công trong nỗ lực của các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Nhật Bản; doanh nghiệp chuyên cung cấp suất ăn tại các trường học, cơ quan công sở Nikokutrust và mối quan hệ tốt đẹp giữa A An với các đối tác Nhật Bản thông qua sự xúc tiến của Ngân hàng Kiraboshi.

Sau đợt xuất khẩu đầu tiên, Tập đoàn Tân Long đang chuẩn bị kế hoạch cho những lô hàng gạo ST25 mang thương hiệu A An tiếp theo vào Nhật Bản vào đầu năm 2023 với mức giá cao hơn gạo Thái Lan, thuộc phân khúc cao cấp bậc nhất thị trường này, sản lượng từ 100 - 200 tấn/chuyến và đều đặn trong năm.

“Thay vì đặt kỳ vọng quá lớn vào số lượng, chúng tôi muốn duy trì thị trường thật tốt vì chất lượng là cốt lõi và là yếu tố quan trọng nhất. Về phía đối tác tại Nhật Bản, gạo khi đã đưa vào thị trường phải được lưu trữ trong kho mát để bảo quản chất lượng. Về phía công ty, sản lượng xuất khẩu càng lớn đồng nghĩa với việc chuẩn bị và kiểm định chất lượng cho từng khâu trong toàn chuỗi từ nguồn đầu vào lúa gạo, sản xuất chế biến càng phải được đảm bảo trong quy mô lớn”, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long chia sẻ thêm.

Để đảm bảo chất lượng gạo đáp ứng được các thị trường xuất khẩu khó tính, Tập đoàn Tân Long cho biết đã, đang và sẽ đầu tư vào phát triển các cánh đồng lớn thông qua mối liên kết sản xuất - tiêu thụ với các hợp tác xã.

A An đang tích cực liên kết sản xuất - tiêu thụ với các HTX ở nhiều địa phương tại ĐBSCL để bắt đầu một vụ mùa mới.
A An đang tích cực liên kết sản xuất - tiêu thụ với các HTX ở nhiều địa phương tại ĐBSCL để bắt đầu một vụ mùa mới.

Tân Long cũng hoàn thiện và mở rộng hệ thống các nhà máy chế biến công nghệ cao, trong đó có nhà máy gạo Hạnh Phúc (Tri Tôn - An Giang) với quy mô lớn nhất và hiện đại nhất châu Á. Đó là điều kiện để đảm bảo được chất lượng sản phẩm luôn được kiểm soát, đáp ứng khả năng lưu trữ và sản xuất gạo quy mô lớn theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh Nhật Bản, gạo ST24 A An cũng được xuất thành công sang thị trường Thụy Điển vào đầu năm 2022. Sắp tới, gạo ST25 lúa tôm A An sẽ tham dự hội chợ tại Paris (Pháp) vào tháng 10 sắp tới, đồng thời tiếp tục làm việc với các đơn vị phân phối bán lẻ để có những chương trình xúc tiến, tạo tiền đề để sản phẩm gạo chất lượng cao tiến sâu hơn vào các thị trường cao cấp quốc tế bằng chính thương hiệu Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate