April 21, 2022 | 11:19 GMT+7

Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 388 tỷ USD

Vũ Khuê -

Rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tăng qua từng năm từ 28% năm 2018 lên 34% năm 2021...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Lễ khai mạc.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Lễ khai mạc.

Theo báo cáo từ Brance Finance, năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, lên 388 tỉ USD, vẫn duy trì được ở hạng 33 thế giới trong khi dịch bệnh Covid - 19 diễn biến vô cùng phức tạp.

Đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện là một trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỉ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm. Đây là một bước bệ phóng rất lớn để tăng hạng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới.

Việt Nam được coi là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được, khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Tại Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 (diễn ra từ ngày 18/4 – 24/04/2022) và Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, đến nay nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu. Coi thương hiệu như chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp Việt Nam thấy được giá trị thương hiệu quốc gia trong mối tương quan với thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến việc quảng bá hàng hóa và thương hiệu Việt thông qua mạng lưới các Trung tâm thương mại do người Việt Nam ở nước ngoài làm chủ sở hữu để nâng cao cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Minh chứng là rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tăng qua từng năm từ 28% năm 2018 lên 34% năm 2021.

Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị lớn nhất Việt Nam tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tăng mạnh mẽ từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2021.

Bên cạnh gia tăng về số lượng, tỷ trọng gia tăng về giá trị của các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam theo đánh giá của Brand Finance cũng tăng đáng kể, từ 21,9% năm 2018 lên gần 68% năm 2021.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cũng cho rằng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, thương hiệu Việt Nam lớn mạnh, vươn mình ra sân chơi quốc tế.

Sức mạnh của kiều bào nước ngoài (5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là cộng đồng các doanh nhân người Việt đang hoạt động ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ) chính là đòn bẩy giúp thương hiệu Việt Nam lan toả ra thế giới.

Ông Hiệu nhấn mạnh, doanh nhân kiều bào có vai trò lớn trong thúc đẩy hội nhập quốc tế. Nhất là trong những hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp của nhiều nước ở các khu vực trên thế giới.

Cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài với kiến thức, kinh nghiệm ở sở tại, và tình yêu quê hương đã vượt qua nhiều thách thức để đưa hàng hóa từ Việt Nam đến các nước sở tại.

Các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Trong đó, một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa để hợp tác với trong nước. Bên cạnh đó, cộng đồng cũng hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp trong nước tìm hiểu về hệ thống luật pháp các nước, thị hiếu của người bản địa nhằm chọn lọc và đưa những sản phẩm Việt Nam vào hệ thống phân phối nước bạn, thậm chí đưa cả các sản phẩm Việt Nam lên nền tảng giao dịch trực tuyến quốc tế, giúp những sản phẩm đậm chất Việt được biết đến rộng rãi hơn.

Song tại diễn đàn, nhiều ý kiến đề xuất, các cơ quan ban ngành liên quan, doanh nghiệp, hiệp hội cần tham mưu cho Chính phủ và các cơ quan, đơn vị có những giải pháp định hướng cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam lan toả trong thời kỳ mới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate