June 06, 2022 | 15:58 GMT+7

Thương hiệu xa xỉ trông chờ vào làn sóng “mua sắm trả thù” tại Thượng Hải

Băng Hảo -

Khi các cửa hàng không thể hoạt động, các thương hiệu xa xỉ ở Thượng Hải đang tặng đồ ăn, các khóa học miễn phí cho khách hàng VIP. Điều này hướng tới mục tiêu các khách hàng sẽ tìm đến nhãn hàng và chi tiêu nhiều hơn khi khoảng thời gian giãn cách kết thúc…

Chiều tối 30/5, thông tin dỡ phong tỏa lan truyền với vận tốc ánh sáng trên mạng. Cư dân Thượng Hải phấn khích, vỡ òa sau hơn 70 ngày cách ly tại nhà (từ ngày 28/3). Cùng với Thượng Hải, Bắc Kinh cũng dỡ bỏ một số hạn chế như ngày 29/5 cho mở lại các trung tâm thương mại Quốc Mậu, Huê Mậu, Hữu nghị Yến Sa hay các vườn thú hoang dã Bắc Kinh, công viên Triều Dương, công viên Olympic... Các khu biểu diễn, rạp chiếu phim thì được bán 50% số chỗ ngồi.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), cư dân Thượng Hải đã đổ xô tới các cửa hàng xa xỉ để xếp hàng chờ vào mua đồ trong ngày đầu tiên thành phố tái mở cửa sau 2 tháng thi hành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Khi các trung tâm thương mại mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 1/6, nhiều cửa hàng thời trang của các thương hiệu đắt đỏ như Prada, Dior và Louis Vuitton đều ghi nhận hình ảnh khách hàng đứng xếp hàng dài chờ tới lượt mua sắm.

Không chỉ quần áo, những món đồ xa xỉ như trang sức cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của những khách hàng nhiều tiền trong ngày đầu mở cửa trở lại. Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, nhiều người dùng đã chia sẻ các bức ảnh bản thân đi mua sắm đồ hiệu sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ. Theo đó, hashtag “Thượng Hải đang trở lại” đã có hơn 830 triệu lượt xem trên Weibo.

Người dùng mạng xã hội thậm chí còn lên kế hoạch chi tiêu mạnh tay sau phong tỏa với một danh sách dài các nhà hàng họ sẽ lui tới. Trong một bài đăng trên Weibo, tài khoản Shanghai Hot Information, với hơn 1 triệu lượt theo dõi, chia sẻ hình ảnh hàng dài tín đồ mua sắm tụ tập trước các cửa hàng Hermès, Céline trong trung tâm mua sắm cao cấp Plaza 66.

Cư dân Thượng Hải đã đổ xô tới các cửa hàng xa xỉ để xếp hàng chờ vào mua đồ trong ngày đầu tiên thành phố tái mở cửa. Ảnh: SCMP
Cư dân Thượng Hải đã đổ xô tới các cửa hàng xa xỉ để xếp hàng chờ vào mua đồ trong ngày đầu tiên thành phố tái mở cửa. Ảnh: SCMP

“Nhiều cửa hàng đưa ra những ưu đãi để thu hút người tiêu dùng trở lại, bao gồm tăng gấp ba lần số điểm tích lũy mà khách hàng có thể kiếm được trong các chương trình khách hàng thân thiết”, Amrita Banta, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Agility Research and Strategy, cho biết. Tuy nhiên, Amrita cũng cho rằng các thương hiệu không nên quá trông mong vào doanh thu từ đợt chi tiêu trả thù lần này. “Những ngày đầu có thể đông khách, song điều này cũng khiến những khách hàng khác ở nhà vì họ không muốn mạo hiểm đến nơi nơi đông đúc,” cô giải thích.

Dù nhiều cửa hàng truyền thống đã mở cửa trở lại, nhưng sự quan tâm dành cho hình thức mua sắm trực tuyến vẫn không hề thuyên giảm, nhất là khi lễ hội mua sắm lớn thứ 2 trong năm với tên gọi “618” đang tới gần. JD.com, một doanh nghiệp thương mại điện tử của Trung Quốc, cho biết doanh thu của một số thương hiệu công nghệ như Xiaomi, Lenovo, Apple và Huawei đã vượt ngưỡng 100 triệu nhân dân tệ (tương đương 15 triệu USD) chỉ sau 10 phút mở bán trong ngày 31/5.

Ông Zhou Yu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Quốc tế tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết ông cảm thấy chuyện này giống như một giấc mơ khi được chứng kiến những con phố và cuộc sống ở Thượng Hải quay trở lại nhịp độ nhanh như bình thường. “Tôi có thể nhìn thấy mọi người xếp hàng khắp nơi để mua đồ. Đó giống như mua sắm trả thù sau thời gian kìm nén nhu cầu mua sắm suốt 2 tháng,” ông Zhou nhận định. Ông Zhou cho rằng nhu cầu mua sắm bị dồn nén một thời gian dài kết hợp với sự hỗ trợ kích thích tiêu dùng của chính phủ Trung Quốc sẽ giúp nền kinh tế Thượng Hải nhanh chóng phục hồi.

Nhiều cửa hàng thời trang của các thương hiệu đắt đỏ đều ghi nhận hình ảnh khách hàng đứng xếp hàng chờ tới lượt mua sắm. Ảnh: SCMP
Nhiều cửa hàng thời trang của các thương hiệu đắt đỏ đều ghi nhận hình ảnh khách hàng đứng xếp hàng chờ tới lượt mua sắm. Ảnh: SCMP

Jason Yu, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, dự đoán sự phục hồi chi tiêu ban đầu sẽ diễn ra tại các cửa hàng thực phẩm và đồ uống như cà phê, trà sữa, bánh ngọt và các “danh mục liên quan đến sự hưởng thụ”. Các sản phẩm làm đẹp cũng sẵn sàng hưởng lợi từ việc cuộc sống đời thường trở lại.

Ông Yu dự báo lễ hội mua sắm “618” sắp tới, với sự tham gia của tất cả các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc cùng nhiều thương hiệu lớn khác có thể thúc đẩy doanh số bán hàng. “Nhu cầu về dưỡng da và làm đẹp sẽ tăng, đặc biệt là những thương hiệu cao cấp sẽ quảng bá với nhiều mặt hàng giảm giá mạnh”, Giám đốc Yu lí giải.

Tuy nhiên, vào ngày 1/6, người dân Thượng Hải vẫn cần phải trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 72 giờ mới được vào bên trong các địa điểm công cộng, và sử dụng dịch vụ giao thông công cộng. Các cửa hàng tại Thượng Hải sẽ chỉ mở cửa hoạt động tối đa 75% công suất, trong khi nhiều dịch vụ khác, trong đó có nhà hàng, tiếp tục đóng cửa. Người dân sống trong các khu vực dân cư có ghi nhận ca nhiễm vẫn sẽ tiếp tục sống trong cảnh phong tỏa.

Thượng Hải là trung tâm tài chính và là nơi sinh sống của 26 triệu người, hiện là thành phố giàu nhất ở Trung Quốc. Người dân thành phố thường được nhắc tới là những con người thời thượng. Do đó, Thượng Hải từ lâu đã trở thành cây nam châm hút các nhãn hiệu xa xỉ. Thành phố này là nơi tập trung 12% tổng số cửa hàng đồ xa xỉ trên toàn quốc. Ngay cả giữa lúc lệnh phong tỏa được thi hành vào tháng Tư, nhiều cư dân ở Thượng Hải vẫn có cách để khoe sự giàu sang và vị thế như treo những chiếc túi giấy của các thương hiệu đắt tiền ở ngoài cửa để nhận kit xét nghiệm Covid-19 từ nhân viên y tế cộng đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate