Sáng 1/12 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (TP. Hà Nội) đã diễn ra ngày làm việc thứ nhất Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đại hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 1/12 - 3/12/2023. Đại hội có sự tham dự của 1.100 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn trong cả nước.
TIẾP TỤC ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Công đoàn Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn so với dự báo.
“Tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống, trong đó có việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động và hoạt động công đoàn”, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang cho hay.
Trong bối cảnh đó, các cấp công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, tổ chức thực hiện và hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.
Theo ông Khang, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 1 – 3/12/2023, có nhiệm vụ đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh, kiểm điểm vai trò lãnh đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII.
Đồng thời, Đại hội cũng xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn 5 năm tới; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn; bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa mới thực sự tiêu biểu về phẩm chất, chính trị, đạo đức, năng lực công tác, có bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam.
“Trong những ngày này, hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn và người lao động cả nước đang hướng về Đại hội, gửi trọn niềm tin và đặt kỳ vọng vào những quyết định sáng suốt của Đại hội. Tôi đề nghị mỗi đại biểu tập trung trí tuệ với tất cả tâm huyết, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện tốt nhất nội dung, chương trình, quy chế Đại hội, góp phần vào thành công của Đại hội”, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.
LỰA CHỌN NHỮNG VẤN ĐỀ THIẾT THỰC ĐỐI VỚI ĐOÀN VIÊN, NGƯỜI LAO ĐỘNG
Trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động đạt kết quả nổi bật, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Công đoàn tập trung nguồn lực, triển khai nhiều mô hình mới trong chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động; công tác tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng hành với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để lại nhiều dấu ấn.
Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục có nhiều đổi mới, giúp nâng cao nhận thức và lòng tin của đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh.
Cùng với đó, phong trào thi đua yêu nước được triển khai sâu rộng, tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức, bám sát thực tiễn. Công tác quản lý tài chính, tài sản được quan tâm, tạo nguồn lực để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường…
Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu cũng nêu 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2023-2028 để các đại biểu thảo luận đó là: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động.
Đồng thời, tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Cũng tại phiên làm việc sáng 1/12, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải đã trình bày báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII.
Theo ông Trần Thanh Hải, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam quyết định số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là 175 ủy viên, tại đại hội đã bầu 161 ủy viên. Hiện nay Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn có 171 ủy viên, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn có 25 ủy viên, Thường trực Đoàn Chủ tịch có 6 đồng chí.
Triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XII, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và đất nước có cả thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen.
Đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tình hình sản xuất kinh doanh, việc làm, thu nhập của người lao động, nhằm chia sẻ khó khăn với đoàn viên bị ảnh hưởng, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo tiến hành sơ kết sớm Nghị quyết số 9c/NQ-BCH ngày 18.10.2016, quyết định dừng việc thực hiện Nghị quyết đối với công đoàn cơ sở khu vực sản xuất kinh doanh từ ngày 1.1.2020.
Đồng thời, đã thông qua chủ trương về việc miễn đóng đoàn phí công đoàn đối với đoàn viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có mức lương thấp hơn mức lương cơ sở đồng thời ủy quyền cho Đoàn Chủ tịch nghiên cứu, ban hành cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho đoàn viên, người lao động từ nguồn tài chính công đoàn.
Về hạn chế, ông Trần Thanh Hải cho biết, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số lĩnh vực trong đó có khâu đột phá còn chậm. Có 4 chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đề ra chưa hoàn thành. Việc đánh giá, kiểm tra, giám sát việc triển khai một số chủ trương, nội dung lớn, quan trọng chưa thường xuyên dẫn đến hiệu quả chưa đáp ứng mục tiêu, kỳ vọng…
Qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, rút ra một số bài học kinh nghiệm sau như: Việc xác định nội dung hoạt động phải bám sát Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam và Quy chế làm việc của Ban Chấp hành đồng thời phải theo kịp tình hình thực tiễn; nâng cao khả năng dự báo, chủ động phát hiện những vấn đề phát sinh để đề ra chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp.
Cùng với đó, cần lựa chọn những vấn đề thiết thân, thiết thực của đoàn viên, người lao động làm trọng tâm ưu tiên trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội; đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, tập trung thực hiện tốt chức năng cốt lõi là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động…
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, người lao động cả nước.
Đại hội diễn ra vào thời điểm đoàn viên, người lao động cả nước cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, khắc phục mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; xác định mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023 - 2028; kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII; đánh giá việc thi hành và thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).
Đại hội sẽ diễn ra trong 3 ngày (1-3/12/2023). Phiên trọng thể Đại hội sẽ diễn ra vào sáng thứ Bảy, ngày 2/12/2023, dự kiến Tổng Bí thư sẽ dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.