December 26, 2021 | 10:15 GMT+7

Thưởng Tết thời đại dịch Covid: Thu hút và giữ chân người lao động

Tuệ Mỹ -

Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, dự đoán, bức tranh thưởng Tết năm 2022 sẽ có nhiều thay đổi. Đặc biệt, TP.HCM là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh nên khó có thể giữ được vị trí dẫn đầu về tiền lương, tiền thưởng như những năm trước...

Theo các chuyên gia, từ câu chuyện lương thưởng nhìn rộng ra có thể thấy, chính sách đầu tư cho người lao động chính là khoản đầu tư sinh lời của doanh nghiệp. Vì khi được quan tâm, chăm sóc chu đáo, người lao động sẽ tận lực cống hiến cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Điều này càng trở nên có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang thiếu lao động để phục hồi sản xuất.

NHỮNG CAM KẾT MANG LẠI NIỀM VUI

Chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm 2021, các doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang tăng tốc để hoàn thành mục tiêu sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Nhờ các chính sách đảm bảo an sinh nên số lao động trở lại làm việc cho đến thời điểm hiện tại đạt tỷ lệ khá cao, đây là yếu tố cơ bản giúp các doanh nghiệp phía Nam nhanh chóng hồi phục sản xuất, kinh doanh.

Bà Hồ Huỳnh Thanh Thảo, Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH DADL, Bình Dương chia sẻ: “Khi trở lại trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp đã mời gọi những lao động đã về quê trở lại bằng cách hỗ trợ chi phí đi đường cùng các chi phí khác cho người lao động. Doanh nghiệp hỗ trợ thiết bị điện tử để công nhân chăm con nhỏ có thể tiếp tục làm việc trực tuyến tại nhà. Sức khỏe của người lao động vẫn được công ty đặt lên trên hết. Đặc biệt, dịp Tết sắp tới, chắc chắn công ty sẽ có những đãi ngộ phù hợp”.

Theo Sở LĐTB&XH Bình Dương, 99% doanh nghiệp trên địa bàn đã trở lại hoạt động bình thường, nhưng chỉ có 80 - 90% lao động trở lại nhà máy. Từ nay đến Tết Nguyên đán, Bình Dương cần 25.000 lao động phổ thông nên đã đưa ra nhiều đãi ngộ lương, thưởng. Tương tự tại TP.HCM, khảo sát của Tổng cục Thống kê về đánh giá tác động của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc cho thấy, TP.HCM có tỉ lệ thiếu hụt lao động xấp xỉ 32%. Cuối năm, đơn hàng nhiều hơn, nhiều đơn vị đã nhanh chóng đưa ra những cam kết ưu đãi để thu hút và giữ chân người lao động. 

Đơn hàng nhiều, các doanh nghiệp đã nhanh chóng đưa ra những cam kết ưu đãi để thu hút và giữ chân người lao động. 
Đơn hàng nhiều, các doanh nghiệp đã nhanh chóng đưa ra những cam kết ưu đãi để thu hút và giữ chân người lao động. 

Lãnh đạo Công ty cổ phần Sài Gòn Food cho biết, ảnh hưởng dịch bệnh, công ty sản xuất cầm chừng khi thực hiện “3 tại chỗ” nhưng vẫn giữ nguyên thưởng Tết 2 tháng lương cho công nhân và nhiều phần quà hỗ trợ khác. Tại Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, Tổng Giám đốc Trương Chí Thiện cho rằng năm 2021 là một năm khá khó khăn đối với doanh nghiệp. “Dẫu vậy, để cảm ơn người lao động, công ty vẫn cố gắng thưởng Tết cho toàn bộ nhân viên, tối thiểu là lương tháng 13. Riêng với những bộ phận hoàn thành kế hoạch sản xuất tốt, mức thưởng là 2 - 3 tháng lương”, ông Trương Chí Thiện cho biết.

Tương tự, tại các doanh nghiệp may, nhìn chung vấn đề lương thưởng Tết, chế độ phúc lợi cho lao động không có gì thay đổi. Công ty CP dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công (quận Tân Phú) hứa thưởng Tết cho 4.000 lao động. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự công ty cho biết thưởng Tết đã được công ty đưa vào quy chế hoạt động và là chính sách động viên công nhân cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc. “Cố gắng thưởng Tết là cách nhà máy giữ chân lao động cho năm tới,” ông Tuấn nói. “Đây cũng là cách cảm ơn người lao động đã đồng hành với công ty suốt 4 tháng thực hiện “3 tại chỗ” với rất nhiều khó khăn”.

ÁP DỤNG MỌI BIỆN PHÁP ĐỂ HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG

Theo ghi nhận của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, dù tình hình chung còn khó khăn nhưng đa số các doanh nghiệp vẫn cố gắng chăm lo cho người lao động. Trừ một số doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp ngừng hoạt động sẽ khó có thể có nguồn thưởng Tết cho lao động, số còn lại vẫn có thưởng dù mức giảm chỉ có thể bằng hoặc thấp hơn các năm trước.

 
Với nhiều doanh nghiệp, thưởng Tết là cách nhà máy giữ chân lao động cho năm tới. Đây cũng là cách doanh nghiệp cảm ơn người lao động đã đồng hành suốt 4 tháng thực hiện “3 tại chỗ” với rất nhiều khó khăn.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo quan sát đánh giá, sẽ có 30 - 50% doanh nghiệp sẽ giảm thưởng Tết năm 2022. Dù vậy, đây vẫn sẽ là nỗ lực lớn của doanh nghiệp. Ông Hiểu cũng cho biết, với các doanh nghiệp khó khăn, không thể thưởng Tết hoặc doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, công nhân, lao động mất việc, Tổng liên đoàn sẽ tính toán có kế hoạch cụ thể hỗ trợ người lao động.

Theo Sở LĐTB&XH TP.HCM, tới nay vẫn nhiều doanh nghiệp chưa báo cáo về mức thưởng Tết 2022, nhưng qua nắm bắt tình hình tại công đoàn cơ sở có thể nhận định mức thưởng Tết năm nay, với nhóm sản xuất hàng tiêu dùng sẽ tương đương năm 2021. Đây cũng là tín hiệu tốt dù doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Riêng với những doanh nghiệp gặp khó khăn trong chi tiền lương, thưởng, có thể trao đổi với tổ chức đại diện tập thể người lao động tại cơ sở và báo cáo Phòng LĐTB&XH quận, huyện, Thành phố Thủ Đức, ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (nơi doanh nghiệp đặt trụ sở) để hỗ trợ người lao động.

Về phương diện ngành nghề, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, một số lĩnh vực vẫn hoạt động tốt trong dịch bệnh như tài chính-ngân hàng, chứng khoán, y tế, dược phẩm, thương mại điện tử... nên khả năng mức thưởng sẽ vẫn khả quan. Nhưng bên cạnh đó, các lĩnh vực vẫn khó khăn là du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ, vận tải khách... khả năng sẽ khó có thưởng Tết. Tương tự, tại nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đang vật lộn để đẩy nhanh sản xuất, lao động vẫn phải chờ thông tin, ít nhất qua Tết Dương lịch năm 2022 mới biết có được thưởng Tết hay không.

Dự đoán tại các doanh nghiệp may, vấn đề lương thưởng Tết, chế độ phúc lợi cho lao động không có gì thay đổi. 
Dự đoán tại các doanh nghiệp may, vấn đề lương thưởng Tết, chế độ phúc lợi cho lao động không có gì thay đổi. 

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, dù Luật Lao động không quy định các doanh nghiệp bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động, nhưng từ lâu người Việt đã có văn hóa thưởng Tết. “Sau một năm đi làm vất vả, người lao động bao giờ cũng mong muốn có một khoản thưởng Tết. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng tiền thưởng như chiến lược để ổn định lực lượng lao động tại chỗ, thu hút người lao động giỏi và phát triển về chất lực lượng lao động trong đơn vị, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường”, ông Quảng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Quảng, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng vừa ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, Tổng liên đoàn sẽ chi 2.400 tỷ đồng chăm lo Tết cho 8 triệu người lao động (mức 300.000 đồng/người). Các hoạt động tổ chức chăm lo Tết, gồm tổ chức thăm, tặng quà, động viên, chúc Tết đoàn viên lao động, nhất là người trong khu cách ly, phong tỏa, mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà hoặc các cơ sở y tế...

Theo kế hoạch, người lao động còn được công đoàn các cấp hỗ trợ tổ chức phương tiện đưa đón hoặc toàn bộ, một phần vé tàu, xe, máy bay, phương tiện để về quê ăn Tết và quay trở lại nơi làm việc đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-19. Với công nhân lao động không về quê, chương trình trực tuyến “Tết không xa nhà” hoặc các chương trình tương tự sẽ được tổ chức.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate