May 21, 2025 | 13:53 GMT+7

Thụy Điển tăng cường giám sát hàng hóa nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ quy tắc xuất xứ

Vũ Khuê -

Cơ quan Hải quan Thụy Điển vừa công bố một loạt biện pháp tăng cường giám sát hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là các lô hàng có dấu hiệu khai báo sai nguồn gốc xuất xứ nhằm né tránh mức thuế cao do EU áp lên hàng hóa Hoa Kỳ...

Thụy Điển công bố một loạt biện pháp tăng cường giám sát hàng hóa nhập khẩu.
Thụy Điển công bố một loạt biện pháp tăng cường giám sát hàng hóa nhập khẩu.

Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia, cho biết trước tác động từ cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và EU, Cơ quan Hải quan Thụy Điển vừa công bố một loạt biện pháp tăng cường giám sát hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là các lô hàng có dấu hiệu khai báo sai nguồn gốc xuất xứ nhằm né tránh mức thuế cao do EU áp lên hàng hóa Hoa Kỳ.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp bị phát hiện trung chuyển hàng qua nước thứ ba hoặc sử dụng nhà cung cấp kê khai sai xuất xứ để lách thuế, đặc biệt trong các mặt hàng có giá trị cao như phụ tùng ô tô, mỹ phẩm, thiết bị điện tử và thời trang. Những hành vi này không chỉ gây bóp méo thị trường, mà còn đe dọa tính công bằng và hiệu lực của hệ thống thuế quan EU.

Thụy Điển là quốc gia có tỷ trọng thương mại trong GDP thuộc nhóm cao nhất EU đã bắt đầu áp dụng các biện pháp kiểm tra ngẫu nhiên, mở rộng đối chiếu tờ khai và triển khai kiểm toán hải quan chuyên sâu đối với các nhà nhập khẩu nghi vấn. Các trường hợp vi phạm có thể bị xử lý hình sự hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh.

Căng thẳng thương mại hiện tại đang khiến người tiêu dùng châu Âu gánh mức giá cao hơn, trong khi doanh nghiệp nội khối tuân thủ đầy đủ quy định bị cạnh tranh không lành mạnh bởi hàng hóa nhập khẩu gian lận.

Trước các chính sách này, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia, cho rằng dù Việt Nam không phải là đối tượng trong cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ–EU, song đây là lời cảnh báo rõ ràng về tầm quan trọng của việc tuân thủ đầy đủ quy tắc xuất xứ và tiêu chuẩn hải quan EU, đặc biệt khi Việt Nam đang hưởng nhiều ưu đãi từ Hiệp định EVFTA.

Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo minh bạch trong chuỗi cung ứng và chứng từ xuất xứ (CO). Áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc kỹ thuật số (blockchain, QR truy xuất) trong các nhóm hàng nhạy cảm như dệt may, nông sản, linh kiện điện tử.

Doanh nghiệp Việt Nam cần làm việc trực tiếp với các nhà nhập khẩu uy tín tại Thụy Điển, tránh trung gian không rõ ràng.

Đồng thời thường xuyên cập nhật thay đổi quy định từ EU và Thụy Điển, thông qua thương vụ, hiệp hội ngành hàng và hệ thống cảnh báo RASFF (Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi).

Thương vụ cũng cho rằng trong bối cảnh EU đang tăng tốc xây dựng hệ thống thương mại có trách nhiệm, những doanh nghiệp Việt Nam có năng lực tuân thủ cao, sản phẩm minh bạch, và thân thiện với môi trường sẽ được đánh giá cao và có thể thay thế các nguồn cung không đạt chuẩn trong dài hạn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate