December 22, 2009 | 09:33 GMT+7

Thủy sản trước "rào cản" IUU

Chu Khôi

Doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản ở châu Âu vẫn đang trì hoãn việc đặt hàng chờ các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện IUU

Thủ tục xin chứng nhận khai thác thủy sản còn phức tạp.
Thủ tục xin chứng nhận khai thác thủy sản còn phức tạp.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), thông thường, đến giữa tháng 12 hàng năm là thời điểm các khách hàng nhập khẩu thủy sản ở châu Âu đặt hàng cho năm sau.

Thế nhưng năm nay, đã sang nửa sau của tháng cuối năm, các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản ở châu Âu vẫn đang trì hoãn việc đặt hàng để chờ các doanh nghiệp Việt Nam có thông tin rõ ràng về việc thực hiện quy định quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không kiểm soát (IUU).

Ông Bùi Quang Sơn, Trưởng bộ phận Kiểm tra chất lượng của Công ty TNHH thuỷ sản Nigico cho biết, hiện công ty đang gặp khó khăn từ một số khách hàng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha do quy định IUU. Mặc dù đến nay, những khách hàng này đã nhận được thông báo của công ty về Quy chế Chứng nhận thuỷ sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu, nhưng họ vẫn chưa gửi đơn đặt hàng mới, vì còn bàn thảo.

Tăng tính chủ động của doanh nghiệp

Mặc dù quy chế chứng nhận thủy sản xuất khẩu vào EU đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành vào ngày 4/12/2009. Nhưng theo ông Sơn, quy chế chứng nhận mới ban hành này vẫn còn nhiều bất cập đối với doanh nghiệp và ngư dân.

Thủ  tục xin chứng nhận khai thác nhiều khâu, phức tạp, không tập trung vào một mối, làm mất nhiều thời gian. Việc xin chứng nhận cho các tàu khai thác có công suất trên 90CV thì còn dễ dàng, song với tàu công suất nhỏ dưới 90CV là rất khó khăn vì đa số là tàu khai thác nhỏ lẻ khó khai báo.

Ông Sơn đề xuất, đối với những tàu công suất nhỏ, nên cho phép doanh nghiệp xin giấy chứng nhận chung cho một nhóm tàu đánh bắt ở cùng một khu vực. Hiện nay sản phẩm hải sản thu mua từ các tàu công suất trên 90CV của công ty chiếm 60%, 40% còn lại là mua từ các tàu nhỏ. Bên cạnh đó, việc thông tin tuyên truyền về quy định IUU và Quy chế chứng nhận cần được phát huy nhiều hơn, vì cho đến thời điểm này, vẫn có những chi cục địa phương và doanh nghiệp chưa nắm rõ về việc thực hiện quy định và quy chế như thế nào.

Theo Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ  sản (Nafiqad), thủy sản được đánh bắt trước ngày 1/1/2010 mà xuất khẩu vào sau ngày 1/1/2010 thì vẫn chưa cần phải tuân thủ IUU. Nafiqad đã yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu vào EU rà soát, thống kê chính xác khối lượng nguyên liệu, thành phẩm có nguồn gốc khai thác năm 2009 nhưng dự kiến xuất khẩu vào EU sau ngày 1/1/2010. Các báo cáo này phải gửi về Cục và Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng phụ trách tại địa bàn trước ngày 20/12/2009 để tổng hợp gửi cơ quan thẩm quyền EU.

Nếu doanh nghiệp không gửi báo cáo, khi phát sinh vướng mắc trong việc xuất khẩu các lô hàng sau thời điểm quy định IUU có hiệu lực, doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm giải trình với Cơ quan thẩm quyền EU. Nhằm đốc thúc việc triển khai IUU nhanh hơn nữa cho kịp thời điểm có hiệu lực, Nafiqad cũng yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu vào EU chỉ được phép chế biến nguyên liệu nhập khẩu có đầy đủ giấy chứng nhận khai thác hợp pháp và đáp ứng Quy định IUU do Cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp để xuất khẩu vào EU.

Các doanh nghiệp phải chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu EU để có những yêu cầu cụ thể về chứng nhận khai thác theo Quy định IUU kèm theo lô hàng xuất khẩu vào EU sau khi quy định này có hiệu lực.

Chuyển mạnh sang kinh doanh chuyên nghiệp

Theo ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn , IUU là một rào cản kỹ thuật mà nếu thực hiện không đúng và không nghiêm, chúng ta có nguy cơ mất thị trường số một này. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện để ngành thủy sản nhìn lại mình, phải chấn chỉnh lại từng khâu từ khai thác đến chế biến, xuất khẩu. Cụ thể là chấn chỉnh các quy định của Nhà nước; của doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu; ngư dân và đặc biệt là phải thay đổi tập quán sản xuất từ tự phát sang có quy định.

Đã đến lúc phải thay đổi phương thức quản lý sản xuất, tiến lên "chuyên nghiệp" thực sự. Thời gian qua, Việt Nam và một đơn vị quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của Châu Âu có quan hệ rất tốt. Bằng chứng là họ đã giúp nước ta đào tạo cán bộ, tập huấn phương pháp kiểm nghiệm, cung cấp trang thiết bị kiểm nghiệm hiện đại.

Đặc biệt, cơ quan này cũng chọn Việt Nam là nước đăng cai tập huấn cho các nước ASEAN về vấn đề kiểm nghiệm chất lượng các mặt hàng nông sản. Ngoài ra, họ còn uỷ quyền cho Việt Nam thành lập phòng kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm của các nước ASEAN trước khi xuất sang châu Âu. Theo đó, những kết quả kiểm nghiệm đó đa số được phía EU chấp nhận và họ chỉ kiểm tra lại các lô hàng của các doanh nghiệp có nghi ngờ. Điều này cho thấy sự tín nhiệm của EU đối với các cơ quan giám sát chất lượng của Việt Nam.

Bên cạnh những thách thức mà thủy sản Việt Nam đang trong giai đoạn nước rút để vượt qua, thì tháng 12/2009, ngành thủy sản Việt Nam cũng đón nhận những tin vui. Đó là, Uỷ  ban nghề cá Trung và Tây Thái Bình Dương đã chấp nhận đơn xin gia nhập tổ chức này của Việt Nam. Tuy chỉ được cấp quy chế thành viên không chính thức nhưng có hợp tác (cooperating non-member), từ nay trở đi, các sản phẩm chế biến từ cá di cư như cá ngừ và cá kiếm của Việt Nam có thể xuất khẩu sang mọi thị trường mà không phải gặp trở ngại nào như trước đây từng bị Tây Ban Nha và Mỹ từ chối nhập khẩu với lý do là Việt Nam chưa tham gia tổ chức quốc tế về quản lý nghề cá khu vực.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate