June 07, 2024 | 18:32 GMT+7

“Tích hợp tiêu chí xanh vào hoạt động sản xuất, không khó như doanh nghiệp nghĩ”

Gia Huy -

Theo góc nhìn của ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu như Việt Nam không chủ động đẩy mạnh quá trình chuyển đổi nâu sang xanh, Việt Nam sẽ có thể mất thị phần trong nhiều lĩnh vực trên thị trường quốc tế....

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ tại Tọa đàm “Doanh nghiệp tiên phong thực thi ESG và kinh tế tuần hoàn”. Ảnh: Việt Dũng.
Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ tại Tọa đàm “Doanh nghiệp tiên phong thực thi ESG và kinh tế tuần hoàn”. Ảnh: Việt Dũng.

Hiện nay, các quốc gia phát triển đã đưa ra nhiều quy định về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Như từ tháng 1 năm 2023, châu Âu đã đưa ra quy định là tất cả các doanh nghiệp niêm yết phải có báo cáo bền vững và báo cáo này bắt buộc phải thực hiện từ tháng 6 năm 2024. Các nước như Anh, Mỹ, Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Nhật Bản, Úc và New Zealand cũng đã bắt buộc thực hiện báo cáo phát triển bền vững này.

“Các doanh nghiệp đa quốc gia chỉ chiếm 1% thị phần tại Việt Nam và họ sẵn sàng hy sinh thị phần tại Việt Nam để bảo vệ 99% thị phần còn lại. Nếu Việt Nam không có báo cáo phát thải, họ sẽ không tiếp tục thương mại và đầu tư với chúng ta”, ông Thọ cho hay.

Trong lĩnh vực dệt may, việc chuyển từ nâu sang xanh không làm giảm cạnh tranh mà thực tế cho thấy nếu không chuyển đổi sang kinh tế xanh, chúng ta sẽ mất thị phần. Ví dụ, Bangladesh đã vượt qua Việt Nam về xuất khẩu do họ đã áp dụng các tiêu chuẩn xanh như LEED và sử dụng năng lượng mặt trời, trong khi Việt Nam giảm 75% đơn hàng vào cuối năm 2022 và 10% trong năm 2023.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (thứ hai từ bên trái), cùng các chuyên gia tại tọa đàm. Ảnh: Việt Dũng.
Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (thứ hai từ bên trái), cùng các chuyên gia tại tọa đàm. Ảnh: Việt Dũng.

“Điều này cho thấy nếu kết hợp việc chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tài chính từ các cơ chế tài chính khí hậu và tài chính xanh, bù đắp chi phí chuyển đổi xanh”, ông Thọ nhấn mạnh

Bên cạnh đó, trao đổi tín chỉ carbon giữa các doanh nghiệp phát triển với nhau cũng đóng vai trò rất quan trọng. Ông Thọ dẫn chứng rằng trong lĩnh vực sản xuất xe hơi tại Mỹ, Tesla đã tiên phong trong việc sử dụng phạm vi 4, giảm phát thải trong toàn bộ chuỗi giá trị từ thăm dò, khai thác, chế biến, sản xuất, phân phối, tiêu dùng, thu gom, tái chế và tái khai thác chất thải. Tesla bán được tín chỉ carbon vì sản xuất xe điện và giảm thiểu phát thải tối đa trong quá trình vận hành. Chrysler phải mua tín chỉ carbon từ Tesla vì họ sản xuất xe xăng. 

“Đặc biệt, chúng ta đầu tư càng nhiều vào việc chuyển đổi xanh là  ‘E - Môi trường’ và  đầu tư càng nhiều vào việc nâng cao các cái tiêu chuẩn xã hội là ‘S - Social’ thì giá trị tín chỉ Carbon của chúng ta càng lớn và điều này sẽ giúp chúng ta giảm được chi phí đầu tư của doanh nghiệp”, ông Thọ chia sẻ.

Hiện, các doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn, đặc biệt liên quan đến chi phí khi thực hành ESG và phát triển bền vững. Việc này cũng cho thấy rằng cần có chiến lược để thực hiện quá trình chuyển đổi xanh. Các tiêu chuẩn ESG, đặc biệt là liên quan đến phát thải, có thể khó khăn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể gặp trở ngại, nhưng theo ông Thọ, nếu thực hiện tốt việc chuyển đổi số, quá trình này sẽ không khó.

“Giống như việc sử dụng dữ liệu lớn (big data) của Google, việc nông dân chủ động ghi nhật ký hàng ngày và xác nhận nguồn gốc sản phẩm cũng là bắt buộc để tương lai có thể thực hiện các yêu cầu báo cáo phát thải và phát triển bền vững”, ông Thọ chia sẻ.

Không những thế, các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động nhận thức rằng cần phải ghi nhận mọi hoạt động phát thải qua nhật ký hàng ngày. Đây không phải việc khó, nhưng cần trở thành một thói quen. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần kết hợp đẩy mạnh chuyển đổi số trong quá trình chuyển đổi xanh của mình để có thể đạt được hiểu quả tốt nhất.

“Với sự tham gia của các công ty công nghệ chuyển đổi số, quá trình này sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều bởi vì công nghệ sẽ đảm nhận các phần phức tạp, cho phép doanh nghiệp chỉ cần nhập và lưu giữ thông tin về các hoạt động giảm phát thải của mình”, ông Thọ nói.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate