Đối tượng bị thua thiệt nhiều nhất vẫn là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, khi việc tích tụ ruộng đất ở một số địa phương đang có chiều hướng gia tăng.
Đây là điều hơn một lần được nhấn mạnh tại báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa được gửi đến các vị đại biểu trước thềm kỳ họp thứ tư, khai mạc sáng 22/10.
Báo cáo khẳng định, kết quả, ý nghĩa quan trọng nhất của chính sách này là hàng trăm ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, không có đất ở, nhà ở, không có hoặc thiếu đất sản xuất, nhiều hộ nghèo đói, du canh, du cư, di cư tự do, sinh sống trong vùng thiên tai, nguy hiểm..., nay đã có đất ở, nhà ở, cuộc sống ổn định hơn.
Khá nhiều con số ấn tượng được đưa ra qua 10 năm (2002 - 2011), thực hiện, như đã có 333.995 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất (148.059 hộ được hỗ trợ đất ở, 185.936 hộ được hỗ trợ đất sản xuất).
Để làm được việc này, ngân sách nhà nước đã bố trí 23.023,37 tỷ đồng (chủ yếu là vốn đầu tư). Nếu tính cả các nguồn vốn ngân sách địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng ưu đãi...thì tổng số vốn cân đối là gần 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo kết quả giám sát, đến nay vẫn còn trên 300.000 hộ dân tộc thiểu số nghèo thiếu và không có đất ở, đất sản xuất, gần bằng số hộ cần đầu tư của giai đoạn khởi đầu chính sách (2002 - 2008).
Điều này, đồng nghĩa với việc một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số đang có cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn; vùng miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn vẫn đang tiềm ẩn những bất ổn, vẫn còn khoảng cách khá xa so với các vùng khác của cả nước, báo cáo phân tích.
Báo cáo giám sát cũng nhắc lại yêu cầu tại nghị quyết số 24 của Ban chấp hành Trung ương khóa IX là đến năm 2010 giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở Tây Nguyên, Tây Bắc và vùng đồng bào dân tộc Kh'mer Nam Bộ. Nay, đã cuối năm 2012, mục tiêu vẫn không thể hoàn thành.
Một trong những nguyên nhân khiến cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất được chỉ rõ là đang xuất hiện và ngày càng tăng hoạt động tích tụ đất sản xuất nông, lâm nghiệp để mở rộng sản xuất hàng hóa của một số cá nhân, doanh nghiệp. Hoạt động này làm phức tạp tình hình mua bán, sang nhượng, cầm cố đất đai mà đối tượng bị thiệt thòi nhiều nhất là người dân tộc tại chỗ.
Từ năm 1986 đến nay, trọng điểm là các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết việc sang nhượng đất đai không được các cấp có thẩm quyền cho phép, báo cáo viết.
Vẫn liên quan đến bất cập này, ở phần nhận xét đánh giá chung, báo cáo giám sát thêm một lần đề cập hiện trạng tại một số địa phương vùng Tây Nguyên, Bình Phước và đồng bằng sông Cửu Long, đang có nhiều doanh nghiệp, cá nhân ở nơi khác đến mua gom ruộng, đất của các hộ dân tộc thiểu số. Việc tích tụ ruộng, đất ở các vùng này diễn ra ngày càng tăng và khá phổ biến. Một số hộ đã gom được hàng chục, thậm chí hàng trăm ha, nhưng chính quyền và cán bộ quản lý vẫn không có báo cáo và số liệu cụ thể.
Và, "đối tượng bị thua thiệt nhiều nhất vẫn là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số" là quan ngại được nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất trong thực hiện chính sách giải quyết đất ở sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được đoàn giám sát chỉ ra, là hầu hết các chương trình, dự án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đều trong tình trạng chờ vốn và thiếu vốn, dẫn đến tình trạng dang dở, không đạt kế hoạch.
Đáng chú ý, báo cáo giám sát cho rằng, tồn tại này xuất hiện từ lâu, đã nhiều lần các địa phương thụ hưởng chính sách có kiến nghị, nhưng chưa có giải pháp khắc phục, làm ảnh hưởng tới khả năng, tiến độ thực hiện các đề án và ý nghĩa nhân văn của chính sách.
Đoàn giám sát kiến nghị, khi xem xét, sửa đổi Luật Đất đai năm 2003, đề nghị bổ sung quy định, “Nhà nước có chính sách đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà không có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất”. Nghiêm cấm việc đầu cơ, mua bán, bao chiếm đất đai trong vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới.
Đối với các loại đất thuộc diện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước (giao đất không thu tiền), chỉ được mua, bán, chuyển đổi, tặng, cho, khi được các cấp có thẩm quyền cho phép. Việc mua, nhận chuyển nhượng đất do Nhà nước hỗ trợ cho hộ dân tộc thiểu số là trái pháp luật, sẽ bị thu hồi, xử lý theo quy định.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate