Mỗi năm nước ta sản xuất được từ 12 - 14 triệu tấn trái cây. Trong 5 năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu trái cây liên tục tăng mạnh ở mức hai con số mỗi năm, đưa mặt hàng này vào “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD” của ngành nông nghiệp Việt Nam. Năm 2024, xuất khẩu trái cây và rau quả của Việt Nam tăng kỷ lục, đạt 7,12 tỷ USD.
Hiện các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu đều có sự hiện diện của trái cây Việt Nam, bao gồm: Thanh long, mít, dưa hấu, nhãn, vải, chuối, xoài, chôm chôm, măng cụt, chanh leo, sầu riêng tươi, dừa, sầu riêng đông lạnh, vú sữa, bưởi, chanh....
Tuy nhiên, ngay tại thị trường trong nước, việc kết nối đầu ra của nhiều loại trái cây, nhất là các đô thị, thành phố lớn vẫn còn những khó khăn mặc dù thương mại điện tử đã phát triển.
PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Đặc biệt là tập trung hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản, đẩy mạnh sản xuất xanh, sạch và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đại diện của các kênh phân phối trong nước, hiện có từ 80 đến 90% nông sản được bày bán tại hệ thống siêu thị là nông sản Việt, vì thế việc kết nối tiêu thụ nông sản từ vùng trồng, tới các siêu thị có vai trò quan trọng để đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng. Điều này cũng thúc đẩy sản xuất tại các vùng chuyên canh.
Các siêu thị cho biết, để đảm bảo mùa nào quả nấy và giá luôn tốt, họ phải lên kế hoạch chi tiết với các nhà cung cấp từ vài tháng, đảm bảo sản lượng nhập hàng và lên kế hoạch bảo quản, các chương trình khuyến mại phù hợp với từng loại nông sản tươi.
Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc Điều hành Các cửa hàng siêu thị và Đại siêu thị GO và Tops market Hà Nội, cho biết: "Chúng tôi có xây dựng 3 kho trung chuyển ở ba miền Bắc – Trung - Nam để tạo thuận lợi cho việc đưa nông sản vào hệ thống. Tại Hà Nội khách hàng cũng dễ dàng tìm kiếm các sản phẩm không chỉ của miền Bắc, mà còn mua được những sản phẩm từ Đà Lạt, miền Tây...".
Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Nội, cho biết: "Hiện tại các sản phẩm nông sản chiếm tới trên 90% ở tại siêu thị Coop mart Hà Nội. Các sản phẩm nông sản của Việt Nam được khách hàng người tiêu dùng của Hà Nội rất là ưu chuộng, đặc biệt là các sản phẩm từ các tỉnh phía Nam mang ra".
Trao đổi tại sự kiện khai mạc phòng trưng bày trái cây Việt mới đây, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, cho biết với đặc trưng thổ nhưỡng, khí hậu đã tạo ra chất lượng, hương vị trái cây của Việt Nam mà không phải quốc gia nào cũng có được.
Mặt khác, mỗi loại trái cây theo mùa đều sở hữu những hương vị đặc trưng và giá trị dinh dưỡng riêng, phản ánh sự đa dạng của thiên nhiên. Việc lựa chọn trái cây theo mùa không chỉ giúp người tiêu dùng thưởng thức sản phẩm tươi ngon nhất mà còn hỗ trợ các nhà nông phát triển bền vững.

“Các hợp tác xã thường quy mô nhỏ, nhưng sự cộng gộp của các hợp tác xã sẽ tạo ra không gian, sản lượng lớn. Từ đó, chúng ta có thể xúc tiến, xây dựng thương hiệu nông sản, trái cây của Việt Nam”, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
TINH HOA TRÁI CÂY VIỆT
Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Cục Quản lý và Phát triển Thị trường trong nước đã khai mạc Phòng trưng bày chuyên đề với chủ đề “Tinh hoa trái cây Việt”. Sự kiện là hoạt động ý nghĩa tôn vinh giá trị văn hóa, kinh tế và sinh thái gắn liền với các loại trái cây đặc sản, góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa, phát triển thị trường trong nước, lan tỏa niềm tự hào đối với nông sản Việt.
Không gian trưng bày được thiết kế sinh động, hiện đại, giới thiệu hàng chục loại trái cây đặc sản tiêu biểu đến từ nhiều vùng miền trên cả nước. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm đến từ các địa phương như Tiền Giang, Long An, Bình Thuận, Sơn La…, với những loại trái cây được người tiêu dùng ưa chuộng như xoài cát, sầu riêng, thanh long đỏ, mận hậu…
Một điểm nhấn đáng chú ý của sự kiện là việc ứng dụng mã QR code trên từng sản phẩm trưng bày. Thông qua việc quét mã, khách tham quan có thể dễ dàng tiếp cận thông tin chi tiết về sản phẩm như: nguồn gốc xuất xứ, vùng trồng, quy trình sản xuất – bảo quản, và các địa chỉ bán hàng chính hãng. Đây là giải pháp thiết thực nhằm tăng cường tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc, góp phần xây dựng niềm tin với người tiêu dùng trong nước đối với hàng Việt chất lượng cao.

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, chia sẻ ngoài mục tiêu mở rộng xuất khẩu, việc định hướng lại sản xuất nông nghiệp để phù hợp với nhu cầu thị trường là rất cần thiết. Doanh nghiệp và người nông dân phải "trồng đúng cái người tiêu dùng cần", thay vì chỉ trồng theo thói quen. Bởi nếu sản xuất không gắn liền với đầu ra bền vững thì rất khó để phát triển lâu dài.
“Thông qua việc trưng bày, Cục sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá sản phẩm cũng như định hướng việc trồng cây ăn trái phù hợp với thị hiếu và kênh tiêu thụ,” ông Trần Hữu Linh khẳng định.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, nhấn mạnh trước những khó khăn trong xuất khẩu, việc khai thác thị trường nội địa là một hướng đi tất yếu. Bộ Công Thương hiện đang gấp rút hoàn thiện dự thảo báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề xuất hàng loạt giải pháp như: kích cầu tiêu dùng nội địa, tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối thị trường từ trung ương đến địa phương.
Song song đó, việc nâng cao giá trị thương hiệu nông sản Việt cũng được đẩy mạnh thông qua việc tổ chức các phòng trưng bày, chọn lọc những đặc sản trái cây tiêu biểu, không chỉ hỗ trợ tiêu thụ cho bà con nông dân mà còn tạo ra một bộ sưu tập đại diện cho tinh hoa nông sản quốc gia. Đây là tiền đề để xây dựng hình ảnh Việt Nam trở thành “giỏ trái cây của thế giới”.
“Bằng cách đó, chúng ta không chỉ khai thác hiệu quả thị trường trong nước, mà còn có thể đưa nông sản Việt vào các hệ thống phân phối toàn cầu, từng bước nâng cao giá trị từ sản phẩm tươi đến chế biến sâu, tạo nên sức cạnh tranh mới cho nông sản Việt,” ông Tuấn cho biết.




Không chỉ là nơi giới thiệu, quảng bá sản phẩm, phòng trưng bày còn tạo điều kiện cho các nhà quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng gặp gỡ, trao đổi về xu hướng phát triển thị trường nông sản, đồng thời lan tỏa tình yêu đối với nông sản Việt Nam, nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị trái cây nội địa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong dịp kỷ niệm trọng đại của đất nước.
Phòng trưng bày sẽ mở cửa đón khách từ ngày 23/4 đến hết ngày 27/4/2025 tại địa chỉ số 62 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.