Hai nhà sản xuất vaccine Covid-19 Moderna và Pfizer cùng công bố dữ liệu mới cho thấy tác dụng của vaccine giảm theo thời gian, theo đó ủng hộ việc tiêm nhắc lại. Trong khi đó, một báo cáo của Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Liên bang Mỹ (FDA) lại nói rằng có thể chưa cần phải tiêm nhắc lại vào thời điểm này.
Phân tích do Moderna đưa ra ngày 15/9 cho thấy tỷ lệ mắc Covid-19 ở những người tiêm đủ hai mũi vaccine Moderna cách đây 13 tháng là cao hơn so với những người tiêm đủ cách đây 8 tháng. Nghiên cứu được thực hiện trong thời gian từ tháng 7-8, khi biến chủng Delta đã trở thành biến chủng chủ đạo trên toàn cầu.
Để thực hiện phân tích này, Moderna so sánh hiệu quả vaccine trên 14.000 tình nguyện viên được tiêm vaccine trong thời gian từ tháng 7-10/2020 và 11.000 tình nguyện viên được tiêm trong thời gian từ tháng 12/2020-3/2021. Trong tháng 7-8/2021, các nhà nghiên cứu ghi nhận 88 ca nhiễm Covid ở những người đã tiêm hai mũi vaccine trong thời gian gần đây hơn, so với 162 ca được tiêm ở những người được tiêm sớm hơn.
“Đây mới chỉ là một ước tính, nhưng chúng tôi thực sự tin rằng điều này có nghĩa là trong mùa thu đông năm nay, sự suy giảm hiệu quả của vaccine sẽ dẫn tới có thêm ít nhất 600.000 ca nhiễm Covid” ở Mỹ - Chủ tịch Stephen Hoge của Moderna phát biểu trong một cuộc điện đàm với cổ đông.
Ông Hoge cũng nói dữ liệu từ các nghiên cứu của Moderna về mũi tiêm nhắc lại cho thấy việc tiêm tăng cường có thể tăng mức kháng thể lên mức thậm chí còn cao hơn so với mức kháng thể có được sau mũi tiêm thứ hai.
“Chúng tôi tin rằng việc tiêm nhắc lại sẽ giúp làm giảm ca mắc Covid-19”, ông Hoge nói. “Chúng tôi cũng tin rằng mũi tiêm thứ ba sẽ làm tăng mạnh mữ miễn dịch trong phần lớn thời gian của năm tới”.
Cùng ngày 15/9, Pfizer gửi dữ liệu lên FED nói rằng mũi tiêm thứ ba vaccine này giúp tăng sự bảo vệ lên 95% trong thế giới thực ở Israel. Pfizer nói hiệu quả của vaccine giảm theo thời gian, nhưng việc tiêm tăng cường nâng mức miễn dịch trở lại mức tương tự như sau mũi tiêm thứ hai. Dữ liệu này được Pfizer thu thập ở Israel trong thời gian từ ngày 1/7-30/8, khi biến chủng Delta hoành hành mạnh ở nước này.
Israel là quốc gia từng dẫn đầu thế giới về tốc độ tiêm chủng và cũng là nước đầu tiên tiêm đại trà mũi nhắc lại.
Trong khi các hãng sản xuất vaccine hối thúc tiêm nhắc lại, giới chuyên gia y tế lại có quan điểm khá trái ngược.
Các nhà khoa học của FDA ngày 15/9 nói rằng mũi tiêm nhắc lại vaccine Covid có thể chưa cần thiết, cho dù mũi tiêm thứ ba có tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn. Trong một tài liệu chuẩn bị cho các cố vấn bên ngoài, FDA nói rằng chưa có gì chứng minh chắc chắn hiệu quả vaccine Pfizer giảm dần.
“Một số nghiên cứu cho thấy sự suy giảm hiệu quả vaccine Pfizer theo thời gian trong việc chống lại các ca nhiễm có triệu chứng hoặc chống lại biến chủng Delta. Nhưng cũng có những nghiên cứu không cho là như vậy”, báo cáo nói. “Tuy nhiên, dữ liệu nói chung cho thấy các vaccine đã được cấp phép ở Mỹ vẫn tạo được sự bảo vệ chống lại Covid thể nặng và tử vong do Covid ở Mỹ”.
Quan điểm này của FDA tương tự quan điểm của nhiều nhà khoa học khác, cho rằng việc tiêm nhắc lại trên diện rộng vaccine Covid-19 có thể chưa cần thiết vào thời điểm này, cho dù Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên kế hoạch cho việc tiêm nhắc lại trong bối cảnh số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong do Covid đều đang tăng mạnh ở Mỹ do biến chủng Delta.
Việc tiêm nhắc lại đại trà ở Mỹ dự kiến bắt đầu từ ngày 20/9, nhưng quyết định cuối cùng còn dựa vào các kết luận của FDA và Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Trước Mỹ, một số nước khác như Israel đã bắt đầu tiêm nhắc lại đại trà vaccine Covid-19.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục kêu gọi các nước giàu hoãn tiêm nhắc lại để nhường nguồn vaccine cho các nước nghèo.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng tổ chức này còn thiếu dữ liệu khoa học để khẳng định sự cần thiết của việc tiêm nhắc lại vaccine Covid trên diện rộng.
“Có những nước còn chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng 2%, phần lớn ở châu Phi”, ông Tedros nói. “Việc tiêm nhắc lại, nhất là tiêm cho những người khoẻ mạnh, thực sự là điều không đúng đắn vào lúc này”.