Đầu năm nay, Alison Toni cảm thấy mình may mắn khi được tiêm vaccine Covid-19 của hãng dược Trung Quốc Sinovac ở Chile. Nhưng một tháng sau, cô đã sang bang Minnesota của Mỹ để tiêm chủng lần nữa.
Toni, một người Mỹ sống ở Chile, có chuyến thăm cha mẹ ở Minneapolis, thành phố lớn nhất ở Minnesota, vào tháng 4. Trong chuyến đi này, cô được được tiêm mũi Pfizer đầu tiên tại một hiệu thuốc thuộc chuỗi CVS. Đến tháng 6, cô trở lại lần nữa để tiêm mũi thứ hai. Khi tiêm vaccine ở Mỹ, cô không tiết lộ việc mình trước đó đã tiêm vaccine Sinovac ở Chile.
“Họ không hỏi, và tôi cũng chẳng nói”, Toni, 55 tuổi, kể với hãng tin Reuters. Cô quyết định tiêm vaccine ở Mỹ sau khi đọc được thông tin nói rằng vaccine Sinovac có hiệu quả thấp hơn vaccine Pfizer và Moderna - hai loại được tiêm phổ biến ở Mỹ. Trước khi sang Mỹ để tiêm Pfizer, Toni cũng tham khảo ý kiến bác sỹ của cô ở Chile.
Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch (CDC) Mỹ ước tính có khoảng 1,2 triệu người Mỹ đã tiêm thêm ít nhất 1 mũi vaccine sau khi đã tiêm đủ 2 mũi.
Toni là một trong những người từ nước ngoài đã hoặc đang có kế hoạch tới Mỹ để được tiêm chủng ngừa Covid thêm lần nữa. Lý do của họ rất đa dạng, từ mối lo về hiệu quả của vaccine mà họ được tiếp cận, mong muốn có thêm sự bảo vệ để chống lại biến chủng Delta, hoặc phải đáp ứng một số quy định cụ thể cho công việc hoặc đi lại. Một số dựa vào sự tư vấn của thầy thuốc, số khác tự mình tìm hiểu thông tin rồi âm thầm đi tiêm.
Hiện tại, một số ít quốc gia trên thế giới cũng đã bắt đầu tiêm nhắc lại vaccine ngừa Covid, trên cơ sở những bằng chứng cho thấy sự bảo vệ ban đầu của vaccine giảm dần theo thời gian, hoặc mũi tiêm tăng cường có thể giúp bảo vệ khỏi biến chủng Delta, đặc biệt là đối với người lớn tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch yếu.
Ngày 17/8, nguồn tin là quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden tiết lộ với tờ New York Times rằng Chính phủ Mỹ đã quyết định tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 cho phần lớn dân số nước này. Quyết định này được đưa ra cho dù chưa có nhiều dữ liệu về rủi ro và lợi ích của việc tiêm nhắc lại, và được xem là một dấu hiệu cho thấy Washington đang lo ngại về làn sóng lây nhiễm do biến chủng Delta.
“Tiêm nhắc chưa chắc đã là một việc cần thiết. Tiêm 4 mũi là lãng phí, còn tiêm 3 mũi có thể là việc không cần thiết đối với nhiều người”, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Jason Gallagher thuộc Trường Dược, Đại học Temple, nhận định.
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia hoãn việc tiêm nhắc lại để nhường nguồn vaccine cho những người trên thế giới còn chưa được tiêm mũi đầu tiên.
Ricardo Dayne, một kỹ sư 36 tuổi người Chile đã được tiêm mũi Sinovac đầu tiên ở quê nhà hồi tháng 4, đã tới New York hồi tháng để tiêm vaccine Pfizer. “Ai cũng nói về sự cần thiết của tiêm nhắc lại, nên tôi đã quyết định tiêm”, Dayne nói.
Nguồn vaccine dồi dào ở Mỹ, cùng với hệ thống y tế phi tập trung ở nước này, khiến mọi người dễ dàng tới các hiệu thuốc và trung tâm tiêm chủng để tiêm thêm. Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch (CDC) Mỹ ước tính có khoảng 1,2 triệu người Mỹ đã tiêm thêm ít nhất 1 mũi vaccine sau khi đã tiêm đủ 2 mũi.
Khi được hỏi về người từ nước ngoài vào Mỹ để tiêm thêm vaccine, Moderna nói với Reuters rằng vaccine của hãng chưa được phê chuẩn cho mục đích này; Johnson & Johnson đề nghị hỏi Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và CDC Mỹ; còn Pfizer chưa đưa ra câu trả lời.
Một người phát ngôn của CVS Health Corp nói chính sách của công ty này là từ chối tiêm vaccine Covid cho những người đã tiêm đủ hai mũi. Chuỗi hiệu thuốc Walgreens cho biết đều hỏi người tới tiêm về việc đã tiêm chưa.
Hiện Chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch yêu cầu gần như toàn bộ người nước ngoài phải tiêm vaccine đầy đủ mới được nhập cảnh vào nước này. Một quy định như vậy có thể đặt ra trở ngại cho những người đã tiêm vaccine chưa được FDA phê chuẩn.
Jing Wu, một sinh viên 22 tuổi người Trung Quốc, cho biết không có lựa chọn nào khác. Wu được tiêm vaccine Sinovac ở Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái, trước khi tới Mỹ để theo học Đại học Princeton. Sau đó, Wu nghe nói Đại học Princeton có kế hoạch yêu cầu chứng nhận đã tiêm vaccine được FDA phê chuẩn. Bộ phận y tế của trường cũng giục Wu tiêm lại và nói việc này là an toàn.
“Tôi đã rất lo lắng và căng thẳng. Nhưng rồi vào tháng 4, tôi đã tiêm lại” bằng vaccine Johnson & Johnson, Wu kể.
Hôm 20/4, Đại học Princeton công bố yêu cầu chứng nhận tiêm vaccine được FDA phê chuẩn, nhưng sau đó chuyển sang chấp nhận vaccine được WHO phê chuẩn, bao gồm vaccine Sinovac. Trang web về y tế của trường này khẳng định “chưa có tác hại nào được biết đến của việc tiêm thêm vaccine”.
Hiện Chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch yêu cầu gần như toàn bộ người nước ngoài phải tiêm vaccine đầy đủ mới được nhập cảnh vào nước này. Một quy định như vậy có thể đặt ra trở ngại cho những người đã tiêm vaccine chưa được FDA phê chuẩn. Danh sách vaccine được Mỹ và Anh phê chuẩn đến nay chưa có vaccine nào do Trung Quốc hay Nga sản xuất, trong khi những vaccine đó được tiêm rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tiến sỹ Amesh Adalja thuộc Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins nói rằng các chính phủ nên tiêu chuẩn hoá định nghĩa về tiêm đủ vaccine Covid, để bao trùm cả những loại vaccine có thể chưa được phê chuẩn ở một số nước nhưng có tác dụng ngừa bệnh.
“Toàn bộ quy trình này cần được điều chỉnh, nếu không nhiều rắc rối sẽ xảy ra khi có thêm các vaccine mới và mọi người trên thế giới đi lại nhiều hơn”, ông Adalja nói.