December 05, 2013 | 08:21 GMT+7

Tiền của nhà băng đang dồn về vùng trũng

Minh Đức

Một thời gian dài và cho đến nay, hệ thống ngân hàng hụt vốn tại hàng loạt địa phương

<font face="Arial, Verdana" size="2">Tính đến cuối tháng 9/2013, theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt tới 16,75% so với cuối năm 2012, cao hơn hẳn mức 6,87% bình quân toàn hệ thống.</font>
<font face="Arial, Verdana" size="2">Tính đến cuối tháng 9/2013, theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt tới 16,75% so với cuối năm 2012, cao hơn hẳn mức 6,87% bình quân toàn hệ thống.</font>
Tại hội thảo thúc đẩy tín dụng khu vực đồng bằng sông Cửu Long cuối tháng 11 vừa qua, lãnh đạo vụ chức năng Ngân hàng Nhà nước đưa ra loạt dữ liệu cho thấy một sự cân đối đáng chú ý.

Một thời gian dài và cho đến nay, tại rất nhiều địa phương, nguồn vốn mà các tổ chức tín dụng huy động được không đủ để dùng cho vay, thậm chí quá thấp so với nhu cầu vay vốn trên địa bàn.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, nhu cầu vốn cho tín dụng tại nhiều địa phương là khá lớn, tuy nhiên khó khăn thời gian qua và hiện nay là nguồn huy động tại chỗ lại khá hạn chế.

Đây một mặt phản ánh khó khăn của hệ thống trong cân đối nguồn, một mặt cho thấy khả năng thúc đẩy tín dụng mạnh hơn nữa tại những địa bàn này là không dễ. Dĩ nhiên, các tổ chức tín dụng cân đối và điều tiết vốn từ chỗ thừa đến chỗ thiếu, qua đó tăng trưởng tín dụng tại những “vùng trũng” trên đều đạt khá cao so với mặt bằng chung cả nước.

Như tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dữ liệu thống kê cuối năm 2012 và cho đến tháng 8/2013, có đến 10/13 tỉnh tổng lượng vốn huy động đều thấp hơn nhiều so với tổng dư nợ; chỉ riêng Tiền Giang, Bạc Liêu và Vĩnh Long là có cân đối dương nhẹ.

Cá biệt, tại Hậu Giang, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng chỉ được 4.950 tỷ đồng tính đến 31/8/2013, nhưng tổng dư nợ lên đến 13.528 tỷ đồng. Đây cũng là địa phương có tỷ lệ nợ xấu đột biến tính đến thời điểm 31/8/2013, với 9,31%, trong khi hầu hết các địa bàn khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều ở dưới 3%.

Tính chung, lượng vốn huy động tại chỗ của 13 tỉnh nói trên chỉ đáp ứng được khoảng 77% nhu cầu vốn đầu tư cho vay trong khu vực. Trong khi đó, ngoại trừ Bạc Liêu, tăng trưởng tín dụng của tất cả các địa bàn còn lại đều cao hơn hẳn so với mặt bằng chung cả nước; phổ biến từ 9% - 12%, thậm chí từ 13% - 16,08% tại Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long… tính đến cuối tháng 8/2013.

Tương tự, khó khăn về mất cân đối nguồn tại chỗ cũng thể hiện rõ ở nhiều địa bàn khác, như tại Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai… theo dữ liệu cập nhật gần đây.

Tại Quảng Bình, tính đến 15/11/2013, các tổ chức tín dụng huy động được 15.855 tỷ đồng, nhưng dư nợ cho vay lớn hơn với 18.168 tỷ đồng. Tại Bình Định, cân đối tương tự tính đến 31/10/2013 là 23.717 tỷ đồng so với 34.253 tỷ đồng. Đặc biệt, tại Gia Lai, tính đến cuối tháng 11/2013, lượng vốn cho lớn hơn gấp đôi lượng vốn huy động được tại chỗ, 35.200 tỷ đồng so với 17.000 tỷ đồng.

Dễ thấy, tại hầu hết các địa phương nói trên, nông nghiệp - nông thôn là lĩnh vực trọng tâm. Điều này cũng góp phần lý giải tăng trưởng tín dụng riêng cho lĩnh vực này từ đầu năm đến nay liên tục tăng cao, cao hơn hẳn mặt bằng chung. Như tính đến cuối tháng 9/2013, theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt tới 16,75% so với cuối năm 2012, cao hơn hẳn mức 6,87% bình quân toàn hệ thống.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 25/11/2013, dư nợ tín dụng mới chỉ tăng 7,54% so với cuối năm 2012. Chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 12% nhiều khả năng không đạt khi chỉ còn hơn một tháng nữa.

Song, có lẽ chỉ tiêu không quan trọng bằng việc điều tiết nguồn vốn, gắn với thực tế đáp ứng cho những “vùng trũng” nói trên.

Ngược lại, tại những địa bàn lớn mà điển hình là Hà Nội và Tp.HCM, cân đối giữa vốn huy động và cho vay đã tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng điều tiết nguồn vốn trong hệ thống.

Tại Hà Nội, tính đến cuối tháng 9/2013, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn vượt xa tổng dư nợ, tương ứng 978.629 tỷ đồng so với 675.713 tỷ đồng.

Tại Tp.HCM, đến đầu tháng 9/2013, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt khoảng 1.062.500 tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay ước khoảng 897.100 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm trên, cả Hà Nội và Tp.HCM đều có mức tăng trưởng tín dụng khá thấp, lần lượt 3,5% và 4,82%. Theo đó, đây cũng là hai địa bàn lớn “đè” mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống. Hay nói cách khác, hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng đã dồn tăng trưởng mạnh hơn ở các địa phương nói chung.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate