Mặc dù một số cổ phiếu vốn hóa lớn trồi sụt khiến các chỉ số liên tục “đánh võng” dưới tham chiếu, nhưng tổng thể thì áp lực bán tháo đã không còn. Thanh khoản sáng nay tụt xuống mức thấp nhất 18 phiên và cổ phiếu bắt đầu hồi dần lên, kết hợp với mức giảm rất nhẹ ở các chỉ số.
VN-Index hai đáy lúc 10h40 và 11h15 nhưng mức giảm tối đa chỉ -0,62%. Độ rộng tại đáy đầu tiên là 134 mã tăng/291 mã giảm nhưng ở đáy thứ hai đã là 140 mã tăng/287 mã giảm và đến cuối phiên còn 167 mã tăng/263 mã giảm.
Như vậy giá cổ phiếu đang được nâng dần lên, khá nhiều đủ mạnh vượt qua được tham chiếu làm thay đổi độ rộng theo hướng tích cực. Mặt khác, thống kê với cổ phiếu ở HoSE thì gần 90% số cổ phiếu ghi nhận mức giá chốt phiên sáng cao hơn đáy thấp nhất. Tới 187 mã ghi nhận mức phục hồi cao hơn đáy từ 1% trở lên.
Số liệu này cũng cho thấy tiến triển giá đang tốt lên và dù độ rộng chưa cân bằng được thì với khả năng nâng dần giá mua lên trong buổi chiều, mức độ phục hồi giá cũng sẽ rộng hơn và đủ nhiều để đưa giá vượt qua tham chiếu, từ đó giúp độ rộng đảo chiều.
Một trong những lợi thế tự nhiên của biên độ phục hồi dần trong sáng nay là áp lực bán tháo đã giảm. Thị trường phiên đầu tuần khá xấu do ảnh hưởng của biến động mạnh từ giá dầu, lan ra rất nhiều cổ phiếu khác giảm theo. Đêm qua và sáng nay giá dầu vẫn giảm, nhưng cả dầu Brent lẫn WTI cũng đang được nâng đỡ quanh ngưỡng 100 USD/thùng. Bối cảnh thị trường quốc tế sáng nay không khác hôm qua, nhưng mức độ ảnh hưởng tới thị trường trong nước đã giảm xuống.
Nhà đầu tư bán ra giảm đáng kể, thể hiện qua hai tín hiệu. Đầu tiên là biên độ giảm khá nhẹ và giá có diễn biến thoát đáy như mới đề cập phía trên. Thứ hai là thanh khoản không còn dữ dội như các phiên trước. Sáng nay sàn HoSE giảm khoảng 17% giá trị khớp lệnh so với sáng hôm qua, chỉ đạt gần 11.925 tỷ đồng, thấp nhất 18 phiên. Tính chung cả hai sàn niêm yết thanh khoản cũng giảm 18%, ở mức thấp nhất 18 phiên.
Cổ phiếu dầu khí dĩ nhiên là đáng chú ý nhất hôm nay khi giá dầu tiếp tục giảm. Đại đa số các mã nhóm này vẫn đang giảm giá, nhưng PLX đã quay đầu tăng 0,54% so với tham chiếu. GAS vẫn giảm 1,6%, PVS giảm 2,59%, PVC giảm 8,61%, PVD giảm 2,66%, BSR giảm 4,18%, OIL giảm 5,21%... Điểm chung là những cổ phiếu dầu khí được quan tâm có mức độ hồi giá khá mạnh. Ví dụ PLX nhịp giảm theo quán tính đầu phiên bốc hơi thêm 2,5%, GAS tạo đáy lúc 9h30 giảm 3,77%, PVD giảm 4,21%, PVS giảm 5,75%... Các cổ phiếu này có thanh khoản rất thấp cho thấy nhà đầu tư cũng không còn nhu cầu cắt lỗ nhiều.
Nhóm cổ phiếu ngược dòng sáng nay xuất hiện một số giao dịch lớn ở FCN, LCG tăng kịch trần với thanh khoản lọt vào Top 20 thị trường, tương ứng 168,5 tỷ đồng và 212,9 tỷ đồng. Nhóm tăng giá tốt với giao dịch lớn có thể kể tới STB tăng 1,23% với 379,3 tỷ đồng, TPB tăng 1,4% với 211,5 tỷ, DIG tăng 2,12% với 184,1 tỷ, VND tăng 2,36% với 175,6 tỷ...
VN-Index kết phiên sáng chỉ còn giảm 4,69 điểm tương đương 0,32%, VN30-Index còn giảm 0,17%. Các blue-chips có tốc độ đảo chiều giá khá nhanh và duy trì cân bằng tốt hơn. Chỉ số vẫn mất điểm nhẹ là do ảnh hưởng vốn hóa, còn độ rộng VN30 đã là 15 mã tăng/14 mã giảm, trong khi giữa phiên sáng gần như toàn bộ là đỏ.
Hiện VCB giảm 1,9%, GAS giảm 1,6%, VHM giảm 1,07%, NVL giảm 1,31% và SAB giảm 1,95% là 5 cổ phiếu ảnh hưởng xấu nhất tới VN-Index. VCB không đại diện cho nhóm cổ phiếu ngân hàng, thậm chí nhóm này lại đang là lực nâng đỡ chính: Trong toàn bộ 27 cổ phiếu ngân hàng trên các sàn thì chỉ 5 mã giảm, trong đó duy nhất VCB mất trên 1% và cổ blue-chips duy nhất giảm là MBB, mất 0,32%. Số tăng là 18 mã, với ACB, BID, CTG, VPB, STB, TCB, TPB trong rổ VN30 tăng giá. Ngân hàng chiếm 5/10 mã giúp VN-Index có điểm nhiều nhất, nhưng với VN30 chiếm tới 7/10 mã.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay vẫn bán ròng khoảng 147,2 tỷ đồng ở HoSE. Khối này bán khá lớn, khoảng 1.127,9 tỷ đồng tương đương 9,2% tổng giao dịch sàn này. Mức bán ròng nhẹ là do khối này tăng mua, giá trị khoảng 980,4 tỷ đồng, chiếm 8%. Các mã được khối này bắt đáy mạnh là VPB với 66,9 tỷ đồng ròng, STB với 65,8 tỷ, DPM với 39,3 tỷ, DCM với 32 tỷ, VJC hơn 23 tỷ, DIG khoảng 21 tỷ... Phía bán có HPG -79,7 tỷ, VIC -67,3 tỷ, NVL -52,2 tỷ, MSN -43,4 tỷ, SSI -34,8 tỷ, DXG -34,6 tỷ, KBC -23 tỷ, GEX -20,6 tỷ.