Người tiêu dùng trên toàn cầu tiết kiệm được thêm 5,4 nghìn tỷ USD kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch, đồng thời ngày càng lạc quan hơn về triển vọng kinh tế. Đây sẽ là cơ sở cho một cuộc bùng nổ tiêu dùng một khi các hoạt động kinh tế trở lại bình thường.
Tờ Financial Times dẫn báo cáo từ tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody's cho biết số tiền tiết kiệm tăng thêm nói trên tương đương hơn 6% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của thế giới. Báo cáo ước tính rằng, chỉ cần khoảng 1/3 số tiền này được tiêu, GDP toàn cầu sẽ tăng thêm trên 2% trong năm nay và năm 2022.
2020 là năm mà nền kinh tế thế giới trải qua cú sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử hiện đại, nhưng thu nhập hộ gia đình tại hầu hết các nền kinh tế phát triển đã được bảo vệ bởi các chương trình kích cầu của chính phủ. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cắt giảm chi tiêu do việc làm và thu nhập trở nên bấp bênh, cũng như do nhiều dịch vụ bị đóng cửa hoặc hạn chế.
Vì vậy, tiền tiết kiệm không những giảm mà còn tăng lên ở nhiều quốc gia. Tại các nước phát triển, tỷ lệ tiết kiệm đã đạt mức cao nhất trong thế kỷ này - theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Lượng tiền gửi trong ngân hàng ở nhiều nền kinh tế cũng tăng cao.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's Analytics, lượng tiền tiết kiệm tăng thêm đạt cao nhất ở các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Bắc Mỹ và châu Âu – là những nơi mà lệnh phong tỏa được áp dụng rộng rãi và chính phủ hào phóng trong việc kích cầu.
Riêng tại Mỹ, các hộ gia đình đã tiết kiệm được thêm hơn 2 nghìn tỷ USD, theo ước tính của Moody's. Thậm chí, đây là con số có từ trước khi gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden được triển khai.
Cùng với lượng tiền tiết kiệm tăng mạnh, sự khởi sắc niềm tin là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng toàn cầu sẵn sàng mở hầu bao để chi tiêu mạnh tay một khi các cửa hàng, quán bar và nhà hàng được mở cửa trở lại khi bệnh dịch lắng xuống. Trong quý 1 năm nay, chỉ số niềm tin người tiêu dùng toàn cầu của Conference Board đạt mức cao nhất kể từ khi chỉ số này được thiết lập vào năm 2005.
"Sự kết hợp giữa nhu cầu bị dồn nén và việc có thêm một lượng tiền tiết kiệm lớn sẽ đẩy cao nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu một khi các quốc gia tiến gần tới miễn dịch cộng đồng và mở cửa trở lại", ông Zandi nhận định.
Ngoài Bắc Mỹ và EU, một số nước Trung Đông cũng là nơi có lượng tiền tiết kiệm tăng cao kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, bởi các chính phủ ở đây cũng kích cầu mạnh tay. Trong khi đó, lượng tiền tiết kiệm tăng ít hơn ở châu Á, Nam Mỹ và Đông Âu.