September 13, 2023 | 14:29 GMT+7

Tiếp cận các công nghệ hiện đại trong quản lý nước thông minh và xử lý nước thải

Nhĩ Anh -

Với hàng trăm doanh nghiệp là nhà sản xuất, nhà phân phối thiết bị, máy móc và công nghệ phục vụ giám sát, quản lý, cấp thoát nước, xử lý nước thải, chất thải công nghiệp và đô thị… đến từ nhiều nước trên thế giới, Việt Nam có thể tiếp cận, tận dụng hỗ trợ về công nghệ ứng dụng trong xử lý nước thải, ngành cấp thoát nước, sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh để kiểm soát lưu lượng, chất lượng nước, hạn chế thất thoát và tiết kiệm nước…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ ngày 11-13/10/2023, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), sẽ diễn ra Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 14 về Ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước, xử lý nước thải tại Việt Nam (VIETWATER 2023) và Triển lãm về vận tải, xử lý chất thải và công nghệ môi trường tại Việt Nam (WETV2023). Đây là hoạt động do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Công ty Informa Markets Việt Nam tổ chức.

VietWater 2023 trưng bày các công nghệ, sản phẩm và giải pháp tiên tiến nhất trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước; lọc nước, xử lý nước thải công nghiệp; cấp thoát nước đô thị; tưới tiêu, các lĩnh vực liên quan đến ngành nước; về vận tải, xử lý chất thải và công nghệ môi trường của 450 đơn vị đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Israel,… 

Họp báo giới thiệu về Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 14 về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước, xử lý nước thải tại Việt Nam.
Họp báo giới thiệu về Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 14 về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước, xử lý nước thải tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ Triển lãm cũng sẽ diễn ra Hội thảo quốc tế lần thứ 14 về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước, xử lý nước thải tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, hiện nay, tưới tiêu trong nông nghiệp chiếm 70% nhu cầu nước trên toàn cầu. Là đất nước có nông nghiệp trù phú, nguồn nước Việt Nam sử dụng cho mục đích nông nghiệp thậm chí chiếm hơn 80% tổng sản lượng nước. Cùng với biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan như ngập lụt, hạn hán, ngập mặn,...nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến năng suất và an ninh lương thực.

Cùng với đó, nhu cầu nước cho sinh hoạt và đô thị thế giới cũng gặp nhiều báo động. Theo dự báo của OECD (2022), đến năm 2050, hơn 40% dân cư thế giới sống tại các lưu vực sông sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng. Nhu cầu về nước dự báo sẽ tăng lên 55%. Hiện nay, khoảng hai tỷ dân cư toàn cầu không được tiếp xúc với nguồn nước uống an toàn. Con số này dự kiến sẽ gia tăng, cùng với tác động của biến đổi khí hậu và sự gia tăng dân số. Trong khi đó, chỉ có 0,5% nguồn nước trên Trái Đất là nước ngọt có thể sẵn sàng sử dụng.

Bên cạnh nông nghiệp, các hoạt động công nghiệp là một trong những lý do gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Ô nhiễm nước đang trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế và sức khỏe con người. Tác động của nước bị ô nhiễm đến người dân có thể làm giảm khoảng 3.5% GDP Việt Nam vào năm 2035.

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở những thành phố lớn. Tính riêng tại Tp.Hồ Chí Minh, lượng nước thải từ sinh hoạt đô thị ước tính phát sinh lên đến 1.579.000 m3/ngày đêm… Do đó, để hướng tới an ninh lương thực, đảm bảo nguồn nước trong công nghiệp, sinh hoạt và đô thị, việc quản lý bền vững và gia tăng các sáng tạo công nghệ được coi là chìa khóa hữu hiệu nhất.

Việt Nam đang đối mặt với các thách thức lớn về an ninh nguồn nước, rác thải đô thị và nước thải công nghiệp. Các doanh nghiệp cần hướng tới công nghệ xử lý để đảm bảo tiêu chí khi xả thải ra môi trường. Việt Nam có thể tận dụng hỗ trợ về công nghệ thông minh ứng dụng trong việc xử lý nước thải, ngành cấp thoát nước, kiểm soát lưu lượng, chất lượng nước, hạn chế thất thoát và tiết kiệm nước...

 
Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam đến năm 2030 và Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu đã đề ra lộ trình cải thiện chất lượng nước, nước thải công nghiệp, nông nghiệp và đô thị, nhằm đạt chỉ tiêu xử lý 100% nước thải nguy hại, tăng tỷ lệ nước thải đô thị xử lý đạt chuẩn lên 50% vào năm 2030.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate