Đây được xem là sự đẩy mạnh nỗ lực của Bắc Kinh nhằm vực dậy nền kinh tế đang ngày càng đuối sức dưới áp lực của cuộc khủng hoảng bất động sản và chính sách chống dịch Zero Covid.
Trong đợt giảm này, lãi suất cơ bản (LPR) của các khoản vay kỳ hạn 1 năm giảm 0,05 điểm phần trăm, còn 3,65%. Lãi suất cơ bản của các khoản vay kỳ hạn 5 năm giảm 0,15 điểm phần trăm, còn 4,3%.
Lần gần đây nhất PBOC hạ lãi suất cơ bản kỳ hạn 1 năm là vào tháng 1. Lãi suất cơ bản kỳ hạn 5 năm - lãi suất tham chiếu của các khoản vay thế chấp nhà - được cắt giảm lần gần đây nhất vào tháng 5.
Vào hôm thứ Hai tuần trước, PBOC gây bất ngờ khi cắt giảm lãi suất của cơ chế cho vay trung hạn (MLF) và một cơ chế cho vay ngắn hạn. Tuy nhiên, đợt hạ lãi suất ngày 22/8 của PBOC không nằm ngoài dự báo của giới phân tích. “Ý định chính sách là khá rõ ràng… Việc giảm lãi suất kỳ hạn 5 năm nhằm thúc đẩy nhu cầu vốn dài hạn”, nhà phân tích Macro Sun của MUFG Bank nhận định.
Việc hạ lãi suất kỳ hạn 5 năm nhiều hơn mức giảm của lãi suất kỳ hạn 1 năm cũng cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ ngành bất động sản sau một loạt vụ vỡ nợ gần đây của các công ty địa ốc và tình trạng “tuột dốc không phanh” của doanh số bán nhà.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, suýt tăng trưởng âm trong quý 2 năm nay do phong toả chống Covid và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản gây cản trở đối với hoạt động tiêu dùng và làm giảm sút niềm tin của doanh nghiệp.
Các đợt giảm lãi suất liên tiếp này của Trung Quốc đi ngược xu hướng chính sách tiền tệ chung trên thế giới, khi các nền kinh tế lớn đều đang đi theo hướng thắt chặt để chống lại sự leo thang của lạm phát.
Tuần trước, nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ bảo lãnh phát hành trái phiếu trong nước cho một số công ty phát triển địa ốc tư nhân. Đây cũng được xem là một biện pháp quan trọng để hỗ trợ ngành địa ốc - lĩnh vực chiếm khoảng 1/4 tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc.
Các số liệu kinh tế gần đây cho thấy nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh trong tháng 7. Một loạt ngân hàng lớn, bao gồm Goldman Sachs và Nomura, đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cả năm nay.
Trong đó, Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2022 về 3% từ mức 3,3% trước đó, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng chính thức 5,5% mà Chính phủ nước này đưa ra hồi đầu năm. Như một sự thừa nhận ngầm về những thách thức trong việc đạt mục tiêu GDP, Bắc Kinh đã không đề cập đến mục tiêu tăng trưởng này trong một hội nghị chính sách cấp cao gần đây.
Việc hạ lãi suất cơ bản là cần thiết, “nhưng mức giảm là không đủ để kích thích nhu cầu vay vốn” - chiến lược gia Xing Zhaopeng của ngân hàng ANZ nhận định. Ông Xing dự báo lãi suất cơ bản kỳ hạn 1 năm sẽ được cắt giảm thêm.
Theo đánh giá của giới phân tích, PBOC đang cố gắng giữ thế cân bằng mong manh khi phục hồi tăng trưởng kinh tế. Việc kích cầu quá mức có thể đẩy cao áp lực lạm phát và dẫn tới nguy cơ thoái vốn khỏi Trung Quốc khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các nền kinh tế lớn khác tăng lãi suất mạnh tay.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, suýt tăng trưởng âm trong quý 2 năm nay do phong toả chống Covid và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản gây cản trở đối với hoạt động tiêu dùng và làm giảm sút niềm tin của doanh nghiệp.
Ở thời điểm hiện tại, chính sách Zero Covid vẫn đang là một rào cản đối với tiêu dùng ở Trung Quốc, và trong mấy tuần gần đây, số ca nhiễm Covid mới ở nước này lại có chiều hướng tăng. Tệ hơn, sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu và các nút thắt chưa được giải toả trong chuỗi cung ứng đang làm suy giảm cơ hội cho sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc.